Dự thảo trình Quốc hội lần 2 được các đại biểu đánh giá là đã có nhiều tiến bộ hơn dự thảo trước, như: quy định rõ hơn về số liệu thu chi, quản lý tài chính ngân sách, thẩm quyền, trách nhiệm cũng như quy trình lập dự toán ngân sách được thảo luận từ đầu năm tài chính. Tuy vậy, đại biểu vẫn không đồng tình một số nội dung của dự thảo.
“Kinh nghiệm” tiêu ngân sách
Đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) chỉ ra thực tế quyết toán ngân sách hàng năm đã bộc lộ nhiều yếu kém trong quản lý, chi tiêu luôn vượt dự toán. Tình trạng địa phương chi tiêu lãng phí, tùy tiện vẫn không giảm…
“Để khắc phục những hạn chế này, dự thảo luật cần bổ sung thêm quy định về cơ chế khoán chi. Theo đó, quy định NSNN được quản lý tập trung, dân chủ, hiệu quả gắn với khoán chi và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước” - bà Huệ góp ý.
Thực tế, hai địa phương có đặc thù giống nhau nhưng dự toán ngân sách được giao lại chênh lệch hàng tỷ đồng. Bà Huệ đặt nghi vấn “Phải chăng địa phương học hỏi “kinh nghiệm” của nhau nên chi tiêu ngân sách năm sau chỉ có tăng lên. Trong khi đó, quy định luật ngân sách hiện nay lại rất khó quy trách nhiệm cá nhân?”
Không chỉ chi tiêu “quá đà”, đại biểu Khúc Thị Huyền (Thái Bình) chia sẻ thêm, thực tế các địa phương thường xuyên phải chi hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn.
“Dự thảo cần quy định thống nhất, cụ thể về nguyên tắc phân cấp, quản lý nguồn thu và nhiệm vụ chi để tránh gây áp lực cho các địa phương, nhất là nơi thu khó khăn, trung ương phải hỗ trợ. Cụ thể, quy định thẩm quyền của địa phương được duyệt chi hỗ trợ ngân sách cho các cấp khác như thế nào”, bà Huyền đề xuất.
![]() |
Quốc hội quyết định chính sách tài chính cơ bản
Bên cạnh đó, luật cũng cần bổ sung quy định về trách nhiệm giải trình của Hội đồng nhân dân, các cấp ngành – nơi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thu chi ngân sách hàng năm, nhằm đảm bảo công khai, minh bạch…
Trước những tồn tại, yếu kém về chi tiêu ngân sách của địa phương, Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh), cho rằng Quốc hội cần trực tiếp quyết định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách, thay vì giao cho Chính phủ quy định nội dung này.
Theo ông Phúc, Hiến pháp năm 2013 đã quy định Quốc hội quyết định chính sách tài chính cơ bản, quyết định dự toán ngân sách cũng như quyền quyết định tỷ lệ phân chia ngân sách trung ương và địa phương… Như vậy, “việc phê chuẩn các dự toán và quyết toán ngân sách hàng năm của Quốc hội mới thực quyền và được thực thi nghiêm minh hơn”.
Ngoài ra, về các quỹ tài chính (khoản 13 Điều 8), một số đại biểu cũng góp ý dự thảo luật nên có quy định kiểm tra, giám sát và thực hiện công khai, minh bạch cả những nguồn thu ngoài ngân sách, các quỹ do người dân đóng góp để thực hiện nhiệm vụ chung của ngân sách...
Đơn cử, tỉnh Quảng Ninh hiện có 18 loại quỹ tài chính, nhưng đa phần có quy mô nhỏ (trừ quỹ bảo vệ môi trường). Các quỹ này hiện quản lý kém hiệu quả do bị phân tán, manh mún.
Không đồng ý “vay đảo nợ”
Một vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý là dự thảo Luật NSNN lần này đã đưa thêm quy định về việc cho phép đi vay nợ để bù đắp bội chi ngân sách.
Không đồng tình với nội dung này, Đại biểu Lê Đình Thanh (Hải Dương) chỉ ra 3 điểm chưa hợp lý của dự thảo luật. “Khoản 3 Điều 7 của dự thảo đã quy định cụ thể là cho phép vay nợ mới để trả nợ đến hạn, tức là vay để “đảo nợ”. Quy định này là thụt lùi, vì nguyên tắc tài chính là thu ngân sách thì chi ít. Một nền kinh tế vĩ mô không thể ổn định khi mà thu không đủ bù chi”
Ông Thanh đề nghị Quốc hội cân nhắc giữ nguyên quy định cũ, nhằm hạn chế địa phương chi tiêu “quá đà”, đến hạn không có nguồn trả nợ, lại dễ dàng đi vay “đảo nợ”.
Cùng quan điểm, đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế) cho rằng mục đích vay là chi đầu tư phát triển để tạo ra nguồn lợi tăng thêm và phải đảm bảo hiệu quả cho khoản vay, tạo ra nguồn thu trả nợ… Nhưng vay “đảo nợ” sẽ dẫn tới hệ quả là: không có hiệu quả sử dụng vốn vay và che lấp hoàn toàn những yếu kém sử dụng khoản nợ vay cũ. Và vì dễ dàng vay “đảo nợ” nên không ai quan tâm đến hiệu quả sử dụng vốn vay.
“Ngay từ khi lập ngân sách, chúng ta đã ít quan tâm đến hiệu quả vốn vay. Giờ lại tạo ra cơ chế khiến người ta không chú trọng hiệu quả sử dụng vốn vay, cứ cho vay mới để trả nợ cũ thì càng khó khắc phục yếu kém”- ông Mạo lo ngại, đề nghị luật không nên quy định “lấy khoản vay bội chi ngân sách để trả nợ gốc cũ”, mà sử dụng nguồn thu để trả nợ vay.
Đại biểu Trương Thị Huệ góp ý thêm vào dự thảo quy định: “Việc chi trả nợ gốc khi đến hạn mà không bố trí được ngân sách, phải đi vay trả nợ thì Chính phủ phải báo cáo Quốc hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố phải báo cáo Hội đồng nhân dân để các cấp này nắm được, giám sát và chịu trách nhiệm”.
Về bội chi ngân sách, đại biểu Đỗ Thị Hòa (Quảng Ninh) đề nghị sửa đổi Khoản 5, Điều 7 theo hướng, chỉ ngân sách cấp tỉnh, thành phố mới được bội chi và do HĐNĐ quyết định, cho phép bù đắp bội chi bằng phát hành trái phiếu. Ngoài Hà Nội và Tp.HCM, có thể mở rộng địa phương được ưu tiên, bổ sung mức dư nợ vay nhưng không quá 80% số thu ngân sách địa phương được hưởng. Điều kiện là địa phương có nỗ lực thu, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả để đảm bảo trả được nợ vay.
Đại biểu Trần Du Lịch (Tp.HCM): Việc duy trì tình trạng lồng ghép ngân sách lâu nay chính là nguyên nhân sâu xa nhất của những bất cập, yếu kém trong thực thi Luật NSNN. Giữa Luật NSNN, Luật tổ chức Chính phủ và Luật chính quyền địa phương có quan hệ mật thiết, nên cần quy định rõ cơ chế phân quyền, cơ chế phân cấp để quản lý thống nhất, hiệu quả. Về mức bội chi ngân sách địa phương, nên thay đổi cách tính trên tổng nguồn thu, đơn cử, Hà Nội và Tp.HCM được đi vay tối đa 60% tổng nguồn thu, các địa phương khác là 30% và 2% với địa phương mà Trung ương phải điều tiết nguồn thu hỗ trợ. Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam): Các khoản thu chi ngân sách phải được kiểm toán, do đó, cần rà soát lại những khoản thu ngoài ngân sách. Tại sao lại có những khoản thu “kỳ cục” như vậy? Và cả các quỹ tài chính hoạt động độc lập do cơ quan có thẩm quyền quyết định. Đây là những nguồn lực của đất nước, nhưng quy định như vậy đã làm phân tán nguồn lực. Đặc biệt, phải siết chặt quy trình làm ngân sách để hạn chế tình trạng quyết toán vượt chi, bội chi ngân sách hàng năm. Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang): Tôi đề nghị phân chia 3 loại ngân sách địa phương: một là các địa phương lớn như Hà Nội, Tp.HCM thì cho phép huy động vốn tối đa 80% nguồn thu cho đầu tư phát triển. Hai là các địa phương đảm bảo thu được phép huy động vốn tối đa 60%. Còn lại chỉ được huy động tối đa 30%… Quy định làm sao để các địa phương chủ động tài chính, giảm dần số ngân sách phải bổ sung hàng năm và thực hiện minh bạch thông tin để giám sát hiệu quả. |
Thu Hằng