Theo Dự thảo Nghị định quy định cơ chế thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân xuống còn hai tháng kể từ lần thay đổi gần nhất.
Dự kiến mỗi năm sẽ có 6 đợt thay đổi giá, thay vì 4 đợt thay đổi giá như hiện nay. |
Chu kỳ điều chỉnh giá ngắn hơn
Như vậy, dự kiến mỗi năm sẽ có 6 đợt thay đổi giá, thay vì 4 đợt thay đổi giá như hiện nay.
Bên cạnh đó, giá bán điện bình quân được cập nhật hàng quý theo chi phí phát điện. Khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng. Khi giá bán điện bình quân tăng từ 2% (thay vì từ 3% như hiện nay) trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn có quyền điều chỉnh giá điện khi giá bán lẻ điện bình quân tăng dưới 5%. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng 5-10%, EVN được phép điều chỉnh tăng giá sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận. Trường hợp cần điều từ 10% trở lên, Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.
Theo lý giải của Bộ Công thương, giá bán lẻ điện được phản ánh và điều chỉnh theo biến động thực tế của thông số đầu vào, bù đắp chi phí hợp lý, hợp lệ với lợi nhuận nhằm bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ và cấp độ thị trường điện cạnh tranh. Hiện nay các thông số đầu vào trong tính toán giá điện có sự biến động khá lớn trong thời gian ngắn và cần phải phản ánh kịp thời để hạn chế sự tác động của thông số đầu vào đến mức điều chỉnh giá điện.
Đồng thời, quy định phù hợp với chỉ đạo của Thường trực Chính phủ về "tránh giật cục" trong quá trình điều chỉnh giá điện, có thể điều chỉnh nhiều lần trong năm. Bộ này cũng cho rằng việc xây dựng Dự thảo nghị định mới, xác định lợi nhuận các khâu nhằm đảm bảo cơ sở thực hiện ngay khi luật Điện lực có hiệu lực từ ngày 1/2/2025.
Nhiều ý kiến trái chiều
Trước đề xuất của bộ Công Thương, không ít ý kiến đồng tình với việc tăng tần suất điều chỉnh giá điện, cho rằng chính sách này giúp giá điện phản ánh sát hơn thực tế thị trường.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại chi phí sản xuất sẽ liên tục bị thay đổi, đặc biệt là các ngành tiêu thụ điện lớn như cơ khí, thép, giấy, hóa chất, xi măng… Với họ, giá điện là yếu tố quan trọng trong chi phí sản xuất, thường chiếm từ 4 - 15% giá vốn hàng bán.
Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí điện TP.HCM, doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực tiêu thụ điện nhiều, luôn phải lên phương án, tính toán chi phí sản xuất từ cuối năm trước để có cơ sở làm việc với đối tác vào năm sau. Do vậy, việc điều chỉnh liên tục trong năm sẽ khiến bị động trong tính toán kế hoạch, dự trù chi phí. Chưa kể, với trường hợp giá điện tăng, kéo theo chi phí sản xuất tăng theo trong khi mức bán sản phẩm lại không thể tăng ngay theo chi phí cũng sẽ tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp.
Với nền kinh tế, theo tính toán của ngành thống kê, giá năng lượng tăng 8% thì GDP giảm 0,36%, trong khi làm CPI tăng 0,4 - 0,5% (cả trực tiếp và gián tiếp). Riêng với năm 2024, số liệu do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 7,68% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với việc EVN điều chỉnh mức bán lẻ giá điện bình quân làm CPI chung năm 2024 tăng 0,25 điểm phần trăm.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng việc tăng giá mặt hàng đặc biệt này cần có kế hoạch, lộ trình và mức độ, thời điểm phù hợp. Điều này đảm bảo tính thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho biết, theo quy định hiện nay thì tối thiểu 3 tháng được điều chỉnh giá điện, tuy nhiên thực tế thì chưa khi nào giá điện được điều chỉnh dưới 6 tháng: “Những năm qua, có thời điểm một năm hoặc vài năm, giá điện mới được điều chỉnh một lần, dù quy định cho phép có thể 3 tháng (Quyết định 05/2024) hoặc 6 tháng (Quyết định 24/2017). Vì thế sức ép lên giá điện rất lớn, chỉ thấy tăng giá chứ chưa giảm. Do vậy, nhà quản lý chỉ cần thực hiện được như quy định hiện hành, không cần thiết phải sửa đổi xuống hai tháng như dự thảo đề xuất”.
Nhiều chuyên gia chung quan điểm, quy định 2 - 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần hay mức điều chỉnh giá điện tăng từ 2 - 3% không phải là vấn đề đáng lo ngại nếu hợp lý. Quan trọng hơn, điều chỉnh giá điện cần đi kèm với trách nhiệm giải trình, kiểm toán và cạnh tranh.
"Điều chỉnh giá cần có lên có xuống, đảm bảo minh bạch chi phí và hiệu quả quản lý. Việc giá điện chỉ tăng sẽ gây bức xúc cho nhiều người, ảnh hưởng đến kinh tế và cạnh tranh”, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nhận định.
Cần chuẩn bị gì?
Dù chính sách điều chỉnh giá hai tháng/lần vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến, các doanh nghiệp cần sẵn sàng thích ứng với bối cảnh giá điện có thể thay đổi thường xuyên hơn.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần cập nhật thường xuyên các thông tin về biến động giá điện để dự báo và điều chỉnh kế hoạch tài chính kịp thời. Bên cạnh đó, cần tối ưu hóa sản xuất, tập trung vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng, áp dụng công nghệ mới để giảm phụ thuộc vào chi phí điện.
Doanh nghiệp cũng có thể thương lượng giá bán, tìm kiếm đối tác cung cấp nguyên liệu, dịch vụ với mức giá linh hoạt hơn để giảm áp lực từ việc tăng giá điện.
Đề xuất điều chỉnh giá điện hai tháng/lần mang đến cả cơ hội và thách thức. Trong khi ngành điện kỳ vọng tăng tính minh bạch và linh hoạt, các doanh nghiệp lại đối mặt với áp lực điều chỉnh kế hoạch sản xuất và tài chính liên tục. Việc cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích của ngành điện và khả năng thích ứng của doanh nghiệp là yếu tố then chốt để chính sách này phát huy hiệu quả, góp phần tạo động lực phát triển bền vững cho nền kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín Điều chỉnh chính sách nhanh, càng kịp thời và sát với thực tiễn sẽ càng đảm bảo công bằng đối với doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Giả sử giá điện đáng lẽ phải điều chỉnh thấp nhưng do phải chờ thêm thời gian nên doanh nghiệp chịu thiệt. Ngược lại, đáng lẽ cần tăng nhưng phải chờ thời gian để điều chỉnh thì ngân sách Nhà nước lại chịu thiệt hại. PGS.TS. Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Việc điều chỉnh giá điện phụ thuộc vào giá thành bình quân của hệ thống, trong đó liên quan đến hàng loạt chi phí như phát điện, truyền tải, phân phối… nên rất phức tạp và đòi hỏi sự minh bạch, công bằng. Hiện tại, chi phí sản xuất điện cho từng loại điện, từng khâu vận hành ở Việt Nam còn chưa rõ nên việc điều chỉnh giá bán 2 tháng/lần là quá ngắn và không đủ cơ sở để điều chỉnh. Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Đối tác xuất khẩu đòi hỏi chặt chẽ giá cả theo hợp đồng, do vậy thời gian ngắn quá không thể đàm phán giá cả ngay được và ảnh hưởng tới tiến độ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khi xây dựng giá thành. Doanh nghiệp cần chính sách ổn định, lâu dài chứ cứ thay đổi liên tục cũng ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Còn đối với người dân thu nhập khó tăng trong khi mọi giá cả dịch vụ tăng ảnh hưởng đến đời sống người lao động. |
Đỗ Kiều