Bộ NN&PTNT vừa có văn bản gửi Bộ KH&ĐT về các chính sách hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Bộ NN&PTNT đề xuất với Bộ KH&ĐT rất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp, HTX. |
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, năm 2020, sản xuất kinh doanh của ngành NN&PTNT đạt được kết quả khả quan với tốc độ tăng trưởng ngành đạt 2,68% đóng góp vào sự ổn định về kinh tế - xã hội, đời sống của người dân và phát triển chung của cả nước.
Thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phát triển, thị trường trong nước được mở rộng hơn, kịp thời giải quyết các vướng mắc, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để thúc đẩy xuất khẩu trong điều kiện khó khăn do đại dịch COVID- 19. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt khoảng 41,54 tỷ USD, duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo). Thặng dư thương mại ước đạt 10,7 tỷ USD.
Dù đạt được những kết quả khả quan trên, nhưng Bộ NN&PTNT nhìn nhận, trong năm 2020, dịch COVID-19 vẫn tác động mạnh đến ngành nông nghiệp, nhiều khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ nông sản còn hiện hữu. Cụ thể như việc tiếp cận gói tín dụng có lãi suất thấp còn khá khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX nông nghiệp.
Do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, hoạt động kinh doanh đứt đoạn, lợi nhuận các doanh nghiệp suy giảm trong thời kỳ dịch bệnh và thương mại gián đoạn; do đó áp lực chi phí, phí, thuế với doanh nghiệp rất lớn.
Thiếu hụt nguồn cung về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vì hạn chế về vận chuyển, một số dự án đầu tư dây chuyền sản xuất bị đình trệ do phải chờ thiết bị ngoại nhập, tư vấn nước ngoài hỗ trợ kỹ thuật.
Theo đó, Bộ NN&PTNT đề xuất với Bộ KH&ĐT rất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp, HTX về phát triển thị trường.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT kiến nghị Bộ Tài chính triển khai mạnh mẽ chính sách hỗ trợ giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch như: Miễn giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp; Giá điện, nước đối với các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng và cho phép hoãn thời gian thanh toán tiền điện; Nghiên cứu, tham mưu Chính phủ có các gói kích cầu kịp thời nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước...
Đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và xây dựng chính sách gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, phạt nợ quá hạn đối với các khoản vay đến hạn thanh toán, giảm chi phí giao dịch để tạo điều kiện doanh nghiệp tập trung vốn sản xuất.
Kích hoạt các gói tín dụng trả chậm và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX, bà con nông dân tiếp cận nguồn vốn này để duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Có các chính sách tài khóa hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh gây ra, giảm thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với nguyên liệu sản xuất, giảm hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề...
Nhật Linh