Trong lời khai mạc Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định những bước phát triển vượt bậc của Việt Nam trên chặng đường 30 năm qua đều gắn với những đổi mới có tính chất quyết định về thể chế.
Trong giai đoạn 5 năm tới 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết mục tiêu phát triển của Việt Nam sẽ là phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong đó tăng trưởng kinh tế đạt 6,5%-7% trên nền kinh tế vĩ mô ổn định. Giữ bội chi ngân sách bình quân dưới 4% theo Luật ngân sách mới, bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn và gắn liền với việc sử dụng hiệu quả đầu tư công.
Các đại biểu trao đổi bên lề Diễn đàn quan hệ đối tác phát triển Việt Nam
Tiền đâu ra để phát triển?
Tuy nhiên, trước các mục tiêu đặt ra trên, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã tỏ ra quan ngại về nguồn vốn đầu tư đang ngày càng hạn hẹp. Bà Victoria Kwakwa thẳng thắn đặt câu hỏi: “Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu ra để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng trong 5 năm tới. Khi hiện nay, các nguồn vốn ưu đãi đã thu hẹp dần, Việt Nam sẽ phải dựa vào nguồn thu trong nước là chính. Trong khi đó, tỷ lệ thu ngân sách nhà nước trên GDP đã thể hiện xu thế giảm trong 5 năm qua, từ 27% xuống còn 21%”.
Về vấn đề này, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia, Ngân hàng phát triển châu Á, cũng cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam đã đầu tư khoảng 9-10% GDP vào các lĩnh vực như giao thông, năng lượng, truyền thông, nước sạch và vệ sinh… Tuy nhiên, vì nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phát triển, đất nước đang ngày càng giàu hơn, Việt Nam bắt đầu phải đối mặt với những thách thức về nguồn tài chính để xây dựng cơ sở hạ tầng.
“Tất cả những thách thức này đòi hỏi môi trường tài chính thay đổi để xây dựng cơ sở hạ tầng. Khi kinh tế phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, Việt Nam tiếp tục mất đi các nguồn viện trợ không hoàn lại và vay vốn ODA ưu đãi. Điều này đang làm giảm một nguồn lực tài chính vô cùng quan trọng mà thường được sử dụng cho các cơ sở hạ tầng trọng yếu”, ông Eric Sidgwick nói.
Trước những lo ngại trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam không hề thỏa mãn và chủ quan với những kết quả đạt được trong 5 năm vừa qua. “Chúng tôi nghiêm túc nhận thấy rằng kinh tế Việt Nam còn nhiều hạn chế, khó khăn, yếu kém, chưa đạt như mong muốn”, Thủ tướng cho biết.
Trả lời thẳng vào câu hỏi “lấy vốn đâu để phát triển nhanh, bền vững”, Thủ tướng cho rằng câu trả lời chính là việc thực hiện đầy đủ thể chế kinh tế thị trường, hiện đại, hiệu quả. Theo Thủ tướng, với việc hoàn thiện kinh tế thị trường, Việt Nam sẽ huy động hiệu quả nguồn lực xã hội với 92 triệu dân; 4,5 triệu đồng bào đang định cư ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế.
Thách thức tăng năng suất lao động
Vấn đề năng suất lao động (NSLĐ) cũng được các chuyên gia “mổ xẻ” tại Diễn đàn. Theo ông David Devine, Đại sứ Canada tại Việt Nam, Việt Nam muốn trở thành nước công nghiệp hiện đại, chuyển dần sang nhóm thu nhập cao, nhưng để làm được điều đó, Việt Nam cần cải tổ sâu sắc hơn để chuyển sang một nền kinh tế thị trường thực thụ.
“Khó khăn đáng kể nhất của nỗ lực này là hiệu suất lao động kém bắt nguồn từ cuối những năm 1990. Việc giảm sút về hiệu suất được lý giải một phần là do số lượng các DN nhà nước hoạt động kém hiệu quả, dàn trải. Một phần nguyên nhân khác là do năng lực yếu kém của khu vực tư nhân trong nước. Nền tảng thể chế của nền kinh tế thị trường còn chưa phát triển đúng mức, những quyết định không nhất quán và thiếu sự gắn kết là những yếu tố cản trở thị trường”, ông David Devine nhận xét.
Theo Báo cáo đề dẫn về thể chế thi trường (VDPF), gần đây, nền kinh tế Việt Nam có tăng trưởng năng suất thấp và ngày càng giảm. Tốc độ tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam giảm từ 5,3% năm 2006 xuống 3,3% năm 2013. Động lực chính của tăng năng suất là chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang chế tạo và dịch vụ. Tăng năng suất lao động nội ngành vẫn rất thấp.
Ông Layton Pike, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam, cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn hoạt động dưới tiềm năng với tăng trưởng năng suất thấp và ngày càng giảm. Năng lực cạnh tranh quốc gia chậm được cải thiện trong khi nguồn lực được phân bổ không hiệu quả, nhất là trong khu vực công. Ngoài ra, khu vực tư nhân bị đè nặng bởi gánh nặng quy định, sự khó tiên liệu và không nhất quán trong hệ thống pháp luật.
Vì vậy, gợi ý một số lĩnh vực ưu tiên trong 5 năm tới, bà Kwakwa cho rằng NSLĐ là một thách thức, khi mức tăng NSLĐ của Việt Nam chưa đến 4% và đang có xu hướng giảm. Trong khi đó, mức tăng NSLĐ tại Trung Quốc là trên 7%, tại Hàn Quốc là trên 5%, vào thời điểm có cùng trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay.
“Tốc độ tăng NSLĐ hiện nay sẽ không đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững đủ mức để từ đó Việt Nam có thể đi theo quỹ đạo như các nước Hàn Quốc hay Đài Loan”, Giám đốc WB Việt Nam nhấn mạnh.
Để đối phó với tình trạng nói trên, điều Việt Nam cần làm, theo bà Kwakwa, là tạo ra một khuôn khổ cho một sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, khuyến khích cạnh tranh thực chất và bảo vệ quyền sở hữu tài sản. Nhưng để đạt được mục tiêu này thì chương trình nghị sự cải cách thể chế thị trường cần phải được đẩy mạnh đáng kể.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng Chính phủ Chính phủ luôn ưu tiên khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, mà cụ thể ở đây là hỗ trợ phát triển DNVVN. Chúng tôi coi nhân dân là người quyết định thành công hay thất bại của sự nghiệp phát triển. Chúng tôi tạo mọi điều kiện cho DNVVN, cho người dân và coi đây là nội lực của đất nước, của nền kinh tế. Trong giai đoạn tới, Việt Nam dứt khoát bảo đảm an ninh của nền tài chính quốc gia, bảo đảm an toàn nợ công từ việc vay nợ cho đến sử dụng hiệu quả nợ công. Ông Jonathan Dunn - Đại diện Thường trú của IMF tại Việt Nam Những cải cách cơ cấu mạnh mẽ hơn trong khu vực tài chính và các DNNN sẽ giải phóng nguồn lực cho các ngành hoạt động hiệu quả và cải thiện môi trường kinh doanh nói chung. Những cải cách cơ cấu vĩ mô quan trọng này là rất cần thiết để tăng năng suất lao động và phát triển các ngành công nghiệp trong nước nhằm tận dụng triệt để những cơ hội do TPP và các FTA khác mang lại. Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Nền kinh tế và xã hội Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức phức tạp trong những năm tới, điều này đòi hỏi Nhà nước phải có năng lực và trách nhiệm giải trình cao hơn. Vấn đề mấu chốt là phải có một bộ máy hành chính công chuyên nghiệp. WB cũng cho rằng cần cho phép người dân phản hồi thường xuyên và thực chất trong quá trình hoạch định và theo dõi thực hiện chính sách thì mới giúp tăng cường trách nhiệm giải trình của Chính phủ. |