Bất chấp những thách thức khốc liệt từ cạnh tranh quốc tế và rào cản văn hóa, nhiều doanh nghiệp Việt như Viettel, VinFast, và Hoà Phát vẫn đang nỗ lực bứt phá trở thành những tập đoàn toàn cầu. Tuy nhiên, để vươn lên dẫn dắt nền kinh tế, doanh nghiệp Việt cần vượt qua hàng loạt khó khăn trong năng lực quản trị, công nghệ và xây dựng thương hiệu. Liệu Việt Nam có đủ "sếu đầu đàn" để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ này?
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel là một trong những thành công điển hình của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra thị trường nước ngoài. Sau 18 năm, Viettel đã đầu tư ra 13 quốc gia với 24 dự án thuộc các lĩnh vực với tổng số vốn 1,5 tỷ USD. Tại một số quốc gia, doanh nghiệp đã vươn lên vị trí số 1 thị trường.
Doanh nghiệp “đầu đàn” thiếu và yếu
Trên chặng đường này, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel thừa nhận tập đoàn gặp không ít rào cản. Khó để “chen chân” vào lĩnh vực công nghệ cao ở các nước lớn, doanh nghiệp phải đến là những vùng khó khăn ở châu Phi, Nam Mỹ hay Đông Nam Á, tuy nhiên tiếp tục gặp "vướng" do khác biệt văn hoá, ngôn ngữ, thậm chí là những thách thức không thể lường trước như xung đột, diễn biến chính trị.
Làn sóng doanh nghiệp Việt bức tốc vươn lên trở thành những tập đoàn toàn cầu đang nổi lên mạnh mẽ. |
Đây chỉ là một trong rất nhiều thách thức mà doanh nghiệp Việt gặp phải khi vươn ra quốc tế. Vậy nhưng, bất chấp những khó khăn này, thời gian qua, làn sóng doanh nghiệp Việt bức tốc vươn lên trở thành những tập đoàn toàn cầu nổi lên mạnh mẽ. Những cái tên như VinFast, Viettel, Hoà Phát, THACO… đang ghi dấu ấn của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo giới phân tích nhận định, Việt Nam cần thêm nhiều doanh nghiệp “dẫn đầu” như vậy để đưa nền kinh tế cất cánh.“Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, tồn tại. Tiềm năng và dư địa phát triển chưa được khai thác hiệu quả. Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế; còn có tư duy kinh doanh "thời vụ", thiếu tầm nhìn chiến lược; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu. Số doanh nghiệp Việt Nam quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định tại buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với các đại diện doanh nghiệp diễn ra tuần trước.
Thực tế, Việt Nam có một số doanh nghiệp lớn đã tạo ra rất nhiều việc làm cho các doanh nghiệp vệ tinh của họ tuy nhiên số lượng "sếu đầu đàn" còn khá hạn chế. Các doanh nghiệp này cũng chủ yếu tập trung ở một số ngành, lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, bất động sản… Vẫn còn thiếu những doanh nghiệp xứng tầm trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Chưa kể, nhiều khó khăn, thách thức đang cản bước các doanh nghiệp như cạnh tranh khốc liệt, rào cản kỹ thuật, bảo hộ thương mại, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao… Đơn cử, trong công nghiệp chế biến chế tạo, dệt may mặc dù là ngành xuất khẩu chủ lực, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu gia công cho các thương hiệu nước ngoài, giá trị gia tăng thấp; việc xây dựng thương hiệu riêng, nâng cao năng lực cạnh tranh còn nhiều khó khăn. Ngành thép với tên tuổi lớn như Hoà Phát đang phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ thép nhập khẩu giá rẻ, cũng như áp lực về bảo vệ môi trường. Hay trong lĩnh vực sản xuất ô tô điện, Vinfast đang phải cạnh tranh với các thương hiệu ô tô, xe máy điện nổi tiếng thế giới, xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối toàn cầu.
Chuyên gia kinh tế TS. Trần Đình Thiên phân tích, trình độ công nghiệp của các doanh nghiệp nói chung còn thấp, cơ bản là gia công, lắp ráp, chưa phải là tự động hoá hay công nghệ cao. Trong cơ cấu ngành công nghiệp, tỷ trọng đóng góp từ đầu tư nước ngoài ngày càng cao, cho thấy vai vế của doanh nhân Việt Nam còn chưa cân xứng. Chuỗi cung ứng tại Việt Nam cũng đa phần do doanh nghiệp nước ngoài dẫn dắt.
“Qua 3 đặc điểm cơ bản như vậy có thể thấy chúng ta không chỉ yếu mà còn lệ thuộc vào nước ngoài. Doanh nhân Việt Nam chưa thực sự làm được vai trò dẫn dắt, cầu nối, liên kết giữa thế giới với Việt Nam. Tinh thần quyết tâm cao nhưng thực lực còn yếu”, chuyên gia thẳng thắn nhìn nhận.
Cần chính sách đột phá
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh chính trị và kinh tế toàn cầu có nhiều thay đổi, xuất hiện xu hướng bảo hộ gắn với các yêu cầu kĩ thuật - thương mại mới, Việt Nam cần có chính sách phát triển các doanh nghiệp có năng lực dẫn dắt để tạo động lực mới cho nền kinh tế.
Về hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh ra nước ngoài, Thiếu tướng Tào Đức Thắng cho rằng doanh nghiệp rất cần “điểm tựa”, nhất là tại những quốc gia Việt Nam không có đại sứ quán, không ký hiệp định bảo hộ đầu tư.
“Cần có chiến lược hoặc nghị quyết về lĩnh vực này để doanh nghiệp tự tin đi ra nước ngoài, nâng cao vai trò ngoại giao kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, cần giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp đầu đàn, với những thế mạnh tại những vùng, khu vực cụ thể, cùng với các doanh nghiệp khác của Việt Nam tạo hệ sinh thái đầy đủ tại các nước đầu tư”, đại diện Viettel kiến nghị.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhấn mạnh gốc rễ của vấn đề là phải khơi dậy lòng tự hào với các doanh nghiệp Việt, tập trung sức mạnh toàn dân để “hỗ trợ tinh thần” cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải đứng vững được ở thị trường trong nước mới có thể mạnh mẽ vươn ra nước ngoài.
Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án trọng điểm quốc gia. Trong đó, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được nhận định là một cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp Việt “thể hiện”.
Hiện tại, ít nhất 3 "ông lớn" gồm Hòa Phát, Đèo Cả và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã bày tỏ mong muốn tham gia dự án này, cho thấy “khát khao” khẳng định của doanh nhân Việt. Công ty Chứng khoán Yuanta dự đoán, các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như Tập đoàn Hoa Sen, Thép Nam Kim, Tập đoàn GELEX, FECON… cũng có khả năng tham gia. Doanh nghiệp kiến nghị thành lập liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ vốn góp chi phối, đồng thời mở rộng cửa cho các đơn vị cơ khí chế tạo trong nước tham gia. Đặc biệt xây dựng chính sách, nguyên tắc ràng buộc ngay từ khi đấu thầu để giúp doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng vật tư, phụ kiện, sản phẩm từng công đoạn.
Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chính phủ có thể "đặt đề bài" cho các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài (để mua công nghệ, thuê chuyên gia...). Từ đó, dự án tạo tiền đề cho các doanh nghiệp trong nước chủ động học hỏi tiếp thu chuyển giao công nghệ. Điều này sẽ mở ra cơ hội, không gian phát triển mới, tạo động lực quan trọng để các doanh nghiệp vươn lên.
Bên cạnh đó, ông Thân góp ý, để gia tăng số lượng "đàn sếu" của nền kinh tế, đồng thời kéo lực lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đi lên, Chính phủ nên tập trung hơn nữa các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa: “Đối tượng đóng vai trò quan trọng nhất trong kết nối doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ là lực lượng “doanh nghiệp vừa” - hiện nay có khoảng 30.000 doanh nghiệp, chiếm 4%. Họ là các doanh nghiệp có khát vọng, tiềm năng, điều kiện để trở thành doanh nghiệp lớn và có hoạt động sản xuất - kinh doanh khá chuyên nghiệp”.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cần đánh giá tổng thể về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam và các giải pháp đột phá để phát triển doanh nghiệp "sếu đầu đàn" và các doanh nghiệp vệ tinh. Chúng ta có 1 luật, 5 Nghị định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng thực tế thực hiện chưa như kỳ vọng, cần đánh giá sát thực tế để đưa ra giải pháp. Đặc biệt cần có nguồn lực tài chính, ví dụ như bảo lãnh cho doanh nghiệp, góp phần giải quyết vấn đề về vốn. Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh, trong đó tập trung vào các chính sách hỗ trợ các yếu tố đầu vào của sản xuất và các yếu tố đầu ra để hỗ trợ hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế mạnh, có sức cạnh tranh cao, nhằm phát huy vai trò tiên phong, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nhất là ngành công nghiệp mới, tạo động lực bứt phá vững chắc và lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Các doanh nghiệp lớn cần làm gương đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các lĩnh vực. Đặc biết, các doanh nhân, doanh nghiệp cần nêu cao tinh thần hợp tác, liên kết hướng tới giá trị, lợi ích chung từ nhiều phía. |
Đỗ Kiều