Theo kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường định hướng (FTA), có đến 71% người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Số liệu nghiên cứu của Công ty Nielsen về xu hướng tiêu dùng năm 2011, có đến 90% người tiêu dùng tại TP.HCM chắc chắn sẽ lựa chọn hàng Việt; tại Hà Nội là 83%. Có 59% người tiêu dùng mua và hài lòng khi sử dụng hàng Việt; 38% người tiêu dùng khuyên người thân nên sử dụng hàng Việt.
Vẫn còn "sính ngoại", "ngại nội"
Đó là những kết quả khá tích cực sau ba năm thực hiện CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Theo đánh giá của ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯ MTTQ), Ủy viên Ban chỉ đạo trung ương, Trưởng ban thường trực CVĐ, CVĐ đã góp phần làm thay đổi hành vi tiêu dùng, ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước và đấu tranh, phê phán tâm lý sính hàng ngoại. Nhiều DN sản xuất đã tích cực hưởng ứng CVĐ, chủ động đổi mới thiết bị, công nghệ, cải tiến mẫu mã sản phẩm, khai thác nguồn nguyên liệu trong nước sẵn có để phục vụ sản xuất. Hệ thống các siêu thị phân phối như BigC, Metro, Co - opMart... cũng ưu tiên hàng Việt khi có đến 80 - 95% là hàng sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, do chưa tin tưởng vào chất lượng của hàng Việt nên tâm lý sính hàng ngoại của người Việt vẫn đang còn. Ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết ngay trong đội ngũ lãnh đạo, đảng viên vẫn còn một bộ phận chưa gương mẫu ưu tiên sử dụng hàng Việt và vận động người thân hưởng ứng sử dụng hàng Việt. Thực tế này được ông Nguyễn Thế Trường, Phó Bí thư thường trực tỉnh Vĩnh Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo CVĐ của tỉnh chỉ ra, các sản phẩm bàn ghế Xuân Hòa do DN trong tỉnh sản xuất có chất lượng tốt, xuất khẩu đi nhiều nước nhưng vẫn không được ưu tiên lựa chọn khi nhiều cơ quan công quyền sử dụng hàng Đài Loan, Trung Quốc.
Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng mặc dù các DN trong nước đã tích cực đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng phong phú của người tiêu dùng. "Năng lực của doanh nghiệp nội địa còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước cả về số lượng, chất lượng, chủng loại và giá cả, chưa cạnh tranh được với hàng ngoại nhập. Giá thành sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam cao so với khu vực do phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu", bà Thoa nói.
Áp lực từ hàng lậu, hàng nhái
Một trong những rào cản để hàng Việt khó đến gần hơn với người tiêu dùng chính là tình trạng hàng ngoại nhập giá rẻ, hàng lậu diễn ra ngày càng phức tạp và gia tăng. Bà Lê Thị Kim Oanh - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Phó Trưởng Ban chỉ đạo CVĐ Tp. Hà Nội, chỉ ra: hiện có nhiều sản phẩm hàng hóa của nước ngoài gắn nhãn Việt Nam được đưa vào tiêu thụ nội địa. Thêm vào đó, vấn nạn hàng nhập lậu đang diễn ra ngày càng phức tạp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến các DN sản xuất trong nước.
"Có rất nhiều bao tải hàng nhập lậu Trung Quốc chuyển qua đường tiểu ngạch tại Lạng Sơn không chỉ làm cho Nhà nước thất thu thuế, mà còn ảnh hưởng đến DN. Các DN phải cạnh tranh khốc liệt, khi nhiều DN cũng chưa có các dây chuyền hiện đại, tối tân, các nguyên vật liệu để tiêu hao cho sản phẩm phải lớn hơn nên sức cạnh tranh yếu hơn", bà Oanh nói.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thành viên Ban chỉ đạo CVĐ, cho rằng đã có những kết quả đáng ghi nhận khi làm thay đổi tâm lý người tiêu dùng. Thế nhưng, hàng ngoại nhập giá rẻ, hàng lậu đang áp đảo các thị trường truyền thống nên đã tạo ra áp lực cạnh tranh cho DN Việt Nam. Bởi trên thực tế, ông Nam cho rằng hàng lậu vào được thị trường nội địa một phần lớn là do có "bảo kê".
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của CVĐ, trong ba năm qua, lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá; ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng thực trạng này vẫn diễn biến ngày càng phức tạp và có xu hướng gia tăng về quy mô. Tính từ tháng 7/2009 đến nay, đã có 46.060 vụ buôn bán hàng cấm, hàng nhâp lậu; 35.412 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng và hơn 126.000 các vụ vi phạm khác bị phát hiện và xử lý, với số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 500 tỷ đồng.
Theo báo cáo tổng kết của Ban chỉ đạo CVĐ, các cơ chế, chính sách và giải pháp trong quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy sản xuất, lưu thông phân phối và bảo vệ người tiêu dùng hiện chưa được hoàn thiện, đặc biệt là công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại. Trong khi đó, năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học của DN còn hạn chế, nên gặp khó khăn trong đầu tư phát triển theo chiều sâu. Do đó, một trong những nhiệm và vụ giải pháp triển khai CVĐ trong thời gian tới là cần rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất và tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, hải quan, thuế. Bên cạnh đó, các DN cần đổi mới ứng dụng khoa học, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.
---------------------------------
Cần sự vào cuộc của toàn xã hội
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải
------------------------------------
Mục tiêu của CVĐ có ý nghĩa chiến lược to lớn đặc biệt trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Để hàng Việt Nam có chỗ đứng trong thị trường cần sự nỗ lực của cả hai phía DN và người tiêu dùng. Trước hết là vận động thay đổi nhận thức người tiêu dùng; để có được những sản phẩm trong nước có chất lượng cao là cả một quá trình lâu dài, vì vậy người tiêu dùng cần có sự thông cảm, chia sẻ, ủng hộ đối với các DN. Về phía DN, cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng thị trường hàng hóa về vùng nông thôn để CVĐ ngày càng có chiều sâu và cụ thể hơn. Cần đặt ra yêu cầu đối với các DN phải tôn trọng người tiêu dùng trong nước, sản xuất ra các sản phẩm có tính cạnh tranh quốc tế.
Đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức cần tiếp tục tập trung làm tốt Chỉ thị số 24/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; tăng cường quan hệ hợp tác giữa Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ với các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trong nước. Ngoài ra, cần đẩy mạnh sự phối hợp giữa Ban chỉ đạo Trung ương với các bộ ngành để đề xuất các cơ chế chính sách, giải quyết những kiến nghị của DN trong quá trình sản xuất; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sản phẩm hàng hóa của DN về chất lượng, dịch vụ kinh doanh.
Tăng hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm
Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương
-----------------------------------
Sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các lực lượng của toàn xã hội là cần thiết. Về thông tin, cần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Về phía DN, cần nâng cao hơn nữa hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng với giá cả hợp lý, làm sao để hàng hóa Việt Nam được lưu thông phân phối nhiều hơn trên thị trường nội địa qua các kênh bán lẻ hiện đại và kênh bán lẻ truyền thống.
Ngành công thương sẽ tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thương hiệu có uy tín, thương hiệu được người tiêu dùng đánh giá cao. Ngành cũng sẽ tích cực tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt là DN tham gia tiêu thụ thị trường nội địa, vì hiện có nhiều DN làm hàng xuất khẩu nhưng quay về thị trường nội địa thì gặp khó khăn.
Cung cấp thông tin cho người tiêu dùng
Ông Võ Thành Đàn, Phó CTHĐ, TGĐ Công ty CP đường Quảng Ngãi
------------------------------------
Cần thường xuyên cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thông qua ba cấp độ tuyên truyền, vận động qua các tổ chức hội, đoàn thể quần chúng để người tiêu dùng thường xuyên hưởng ứng khi có hành vi mua sắm. Tổ chức truyền thông đến người tiêu dùng thông qua các phương tiện báo đài trung ương và địa phương, nên có chương trình riêng cho CVĐ. Đối với DN cần tổ chức quảng cáo, giới thiệu sản phẩm do DN làm ra cho người tiêu dùng biết sự khác biệt, những ưu thế riêng so với sản phẩm ngoại nhập.
Trong một năm, nên tổ chức nhiều tháng cao điểm với chương trình bình ổn giá, để tạo điều kiện cho người dân, nhất là người dân có thu nhập thấp, được tiếp cận và mua các sản phẩm. Cần nêu gương các DN điển hình, tiên tiến có sản phẩm dịch vụ tốt, tích cực hưởng ứng tham gia và có chế tài mạnh xử lý các DN có sản phẩm làm ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng của hàng Việt. Ngoài ra, cần có chính sách giảm thuế thu nhập DN, giảm các chi phí khi tham gia thị trường để nâng cao năng lực cạnh tranh DN trong nước, hỗ trợ DN đầu tư máy móc, thiết bị, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu.
Cẩm An