Câu chuyện của bà Ngọc Dung, một chủ sạp kinh doanh nằm ở mặt tiền đường Lê Minh Xuân, chợ Tân Bình (Tp.HCM), một trong nhưng trường hợp hộ kinh doanh, doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ bị làm khó vì những quy định cứng nhắc, rất đáng để suy ngẫm.
Khó “ngóc đầu” lên nổi!
Nhiều năm trước, bà Dung kinh doanh ngành hàng bảo hộ lao động tại đây, nhưng nay ế ẩm, có khả năng bị lỗ nên muốn chuyển sang bán quần áo thời trang giống như các sạp lân cận đang ăn nên làm ra.
Theo tính toán, giá thị trường sang nhượng một sạp như của bà có thể lên đến 5 tỷ đồng nếu kinh doanh quần áo thời trang. Hai năm trước, bà Dung đã làm đơn xin chuyển từ bán hàng bảo hộ lao động sang hàng quần áo nhưng không được chấp thuận.
Đến cuối năm 2016, từ xuất phát điểm là hộ kinh doanh, bà Dung quyết định thành lập DN là công ty TNHH, đặt trụ sở tại sạp, đăng ký kinh doanh ngành quần áo may sẵn. Nhưng khi bà bày bán quần áo thì bị Ban quản lý chợ Tân Bình lập biên bản, niêm phong tạm cửa sạp và mời đến làm việc. Lý do là bà kinh doanh mặt hàng không đúng với hàng bảo hộ lao động.
Quan sát chuyện này, một luật sư cho rằng việc quy hoạch chợ chuyên doanh từng ngành là theo nhu cầu quản lý của Nhà nước, nhưng nếu cứng nhắc đến chi tiết từng loại sản phẩm, từng mặt hàng là không nên.
Thị trường luôn có sự biến động và thay đổi, người kinh doanh cũng luôn phải thay đổi theo cho phù hợp. Vì vậy, việc cản trở hộ kinh doanh, tiểu thương chuyển đổi mặt hàng là không phù hợp, ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của họ.
Về quan điểm của cơ quan quản lý, Ban quản lý chợ Tân Bình cho rằng việc giải quyết chuyển đổi ngành nghề kinh doanh cho hộ kinh doanh thuộc thẩm quyền của Phòng Kinh tế UBND quận Tân Bình. Ban quản lý chợ chỉ quản lý hộ kinh doanh bán đúng mặt hàng đã đăng ký kinh doanh và theo quy hoạch.
Lãnh đạo ban này cho biết nhiều năm trước, các hộ kinh doanh có thể chuyển đổi mặt hàng,xin thay đổi giấy đăng ký kinh doanh hộ cá thể. Nhưng từ năm 2009 đến nay, sau khi có quy hoạch ngành hàng tại chợ, các hộ phải giữ nguyên ngành hàng đã đăng ký, không được chuyển đổi.
Nhân chuyện này, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Văn Thân, Giám đốc công ty TNHH Con Đường Việt (Tp.HCM), ví von người kinh doanh siêu nhỏ như một công trình xây dựng vừa yếu vừa mong manh rủi ro, nếu bị “hành” bởi các cán bộ quản lý với những quy định cứng nhắc, máy móc, vừa thiếu tâm vừa thiếu tầm, lại có động cơ thiếu minh bạch thì không thể “ngóc đầu” lên nổi.
![]() |
Tp.HCM có gần 250.000 hộ kinh doanh cá thể nhưng chỉ đóng góp 2% cơ cấu thu ngân sách
Càng nhỏ càng yếu thế
Luật gia Nguyễn Chính Huy, Giám đốc công ty TNHH Luật VNQT (Tp.HCM), kể rằng trước đây, khi DN của ông (thuộc dạng siêu nhỏ, vừa mới thành lập), cũng từng bị chính quyền địa phương nhiều lần đến kiểm tra “bất thường” những chuyện vụn vặt, cứng nhắc.
Theo ông Huy, do nắm rõ về luật nên ông thấy rằng việc kiểm tra này có dấu hiệu lạm quyền, bởi công ty hoạt động không có gì sai trái. Ông bức xúc cho rằng đó chính là tình trạng cố ý áp dụng sai các quy định pháp luật, nhũng nhiễu, khó khăn, làm mất thời gian của DN, nhất là các DN siêu nhỏ, mới chân ước chân ráo đi vào hoạt động.
Thống kê cho thấy, hiện, Tp.HCM có gần 250.000 hộ kinh doanh cá thể nhưng chỉ đóng góp 2% cơ cấu thu ngân sách. Liệu Tp.HCM có thể lý giải vì sao sức đóng góp lại thấp như vậy nếu như vẫn còn tồn tại việc thực thi các quy định kiểu cứng nhắc ?
Được biết, bên cạnh mục tiêu thành lập mới 50.000 DN trong năm nay, Tp.HCM đang khuyến khích chuyển hộ kinh doanh cá thể lên DN. Nhưng liệu nếu có những trường hợp “máy móc” như vụ việc của bà Dung ở chợ Tân Bình thì những hộ kinh doanh khác có muốn chuyển sang DN?
Cần nhắc lại, trong công bố mới đây của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tp.HCM xếp ở vị trí thứ 8 (61,72 điểm), tụt hạng 2 bậc so với năm 2015, trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2016.
Trong lần góp ý về việc hỗ trợ DN nhỏ và vừa, luật sư Hoàng Văn Sơn, Trưởng Văn phòng luật sư VNC, cho rằng trong môi trường tiêu cực, người yếu thế là đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất. DN nhỏ cũng như người nghèo luôn luôn là đối tượng bị tác động và tổn thương nhiều nhất.
Vì vậy, cần đẩy mạnh chống nhũng nhiễu nhằm tạo niềm tin, giúp DN an tâm trong công việc kinh doanh của mình, chứ không thể để họ suốt ngày lo lắng sợ cái này, sợ cái kia.
Nói như Ts. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, vẫn còn rất nhiều quy định đang cản trở hoạt động kinh doanh, cản trở đổi mới sáng tạo, rào cản gia nhập thị trường, làm gia tăng chi phí kinh doanh cho DN… Đó là chưa kể việc thực thi các quy định pháp luật cũng còn yếu kém, làm gia tăng thêm thời gian và chi phí cho DN.
Suy cho cùng, một môi trường kinh doanh tốt là môi trường kinh doanh chi phí thấp nhất và ít rủi ro pháp lý nhất cho DN. Tư duy và phương thức quản lý nhà nước là “quản bằng mọi giá” phải được thay đổi hoàn toàn bằng phương thức quản lý mới “thông minh hơn, rẻ nhất, ít gây tốn kém và phiền hà nhất cho DN”!
Thế Vinh