Qua mấy năm làm Giám đốc công ty Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và phân bón Nicotex (một DN thuần Việt) tại Campuchia, ông Vũ Hữu Tú cho biết những thủ tục về thuế với nhiều thay đổi, chưa rõ ràng, chưa cụ thể cho các DN là vấn đề mà nhiều DN Việt đầu tư vào Campuchia đang còn ngán ngại.
Lo thuế, lo thiếu điện
Thực tế, trong quá trình hoạt động kinh doanh ở thị trường Campuchia, các DN Việt đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề về thuế. Hiện tại, công ty do ông Tú làm giám đốc ở Campuchia chỉ làm thương mại đơn thuần, nhập hàng trực tiếp từ Việt Nam sang và tổ chức phân phối. Tuy nhiên, các thủ tục về phân phối và nhập khẩu ở đây ngày càng thắt chặt, mặc dù vậy, phía công ty cũng tuân thủ đầy đủ các thủ tục này.
Ngoài những vấn đề nêu trên, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề hội nghị giới thiệu chuỗi triển lãm nông nghiệp và những cơ hội đầu tư vào thị trường Campuchia, Myanmar diễn ra ở Tp.HCM ngày 5/4, ông Tú cho biết Nicotex đang tìm hiểu các thủ tục pháp lý ở Myanmar để mở công ty phân phối thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam tại thị trường này trong thời gian tới.
Theo nhận định của giới chuyên gia, Campuchia và Myanmar là hai thị trường có tiềm năng rất lớn cho các DN trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam có thể đầu tư. Tỷ trọng đóng góp của nông nghiệp ở hai nước này rất cao, hai Chính phủ cũng đã đưa các chính sách khuyến khích, mở rộng nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh với các nhà sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thuỷ hải sản tại Việt Nam với lợi thế tương đồng về văn hoá, gần gũi về khoảng cách địa lý.
Gs.Ts Myint Thein, Chủ tịch Hiệp hội Thú y, cựu Cục trưởng Cục Chăn nuôi và thủy sản Myanmar, cho biết ở thị trường này hiện nay xuất hiện nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, chẳng hạn như thuốc thú y, vắc-xin, thức ăn cho chó mèo, phụ gia, thức ăn, thuốc trừ sâu, phân bón… Ông cũng nói đến nhiều triển vọng trong ngành chăn nuôi công nghệ cao ở nước này để các DN Việt có thể đầu tư.
Dành sự quan tâm cho thị trường Myanmar, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, chủ một trang trại chăn nuôi gà ở Đồng Nai, cho biết đã hai lần qua nước này để khảo sát nhằm đầu tư chăn nuôi gà.
Trong chuỗi giá trị mà trang trại của ông đang theo đuổi, phía các DN cung cấp thức ăn, con giống, giết mổ đang nhắm đến Myanmar.
Tuy nhiên, ông Ngọc có hai vấn đề còn băn khoăn lo lắng và muốn hỏi Ts. Myint Thein. Thứ nhất là giá thuê đất, thứ hai là nguồn cung ứng điện có ổn định hay không, một tuần mất điện bao nhiêu ngày và tương lai bao lâu thì nguồn điện ổn định như ở Việt Nam?
![]() |
Thị trường nông nghiệp Campuchia đang thu hút nhiều nhà đầu tư Việt trong ngành phân bón và thuốc bảo vệ thực vật
Ngại cạnh tranh không lành mạnh
Theo ông Ngọc, bây giờ khi DN đầu tư nông nghiệp ra nước ngoài là hướng đến công nghệ cao chứ không phải công nghệ thấp như trước đây. Cho nên, nguồn điện là cực kỳ quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư, đặc biệt là với lĩnh vực chăn nuôi gà. Vấn đề thuê đất cũng vậy.
Trả lời câu hỏi trên, Ts Myint Thein thừa nhận nguồn điện ở Myanmar còn yếu và chưa ổn định, ngay cả nguồn điện ở thành phố lớn như Yangon cũng chưa tốt lắm dù nước này thường xuyên tăng sản lượng điện. Để đáp ứng được nhu cầu đang tăng cao từ phía DN thì còn rất khó. Về thuê đất, Chính phủ Myanmar đang khuyến khích với giá thấp ở những vùng ngoại ô.
Vấn đề nguồn điện thiếu ổn định ở Myanmar không chỉ là mối lo lắng của riêng một chủ DN chăn nuôi đang có ý định đầu tư vào nước này như ông Ngọc, mà còn là mối quan ngại chung của nhiều DN Việt khi muốn “xắn tay” vào Myanmar.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Behn Meyer của Đức tại Việt Nam (chuyên cung cấp phụ gia thức ăn chăn nuôi), cho biết dù đang muốn mở rộng đầu tư sang Myanmar nhưng trước thông tin nước này còn thiếu điện cũng làm cho phía DN e ngại, bởi lẽ năng lượng là vấn đề rất quan trọng để DN căn nhấc đầu tư ở quốc gia đó.
Ngoài ra, theo ông Tiến, điều mà DN còn băn khoăn đầu tư ở Campuchia và Myanmar là phía Chính phủ hai nước này liệu có đủ khả năng để bảo vệ các nhà đầu tư làm ăn chân chính trước những cạnh tranh không lành mạnh, nhất là tình trạng nhập lậu hàng hóa qua biên giới.
Do đó, khi nhà đầu tư Việt đăng ký công ty, đăng ký sản phẩm, đóng thuế đầy đủ ở nước họ thì chi phí cao, còn những DN nhập lậu hàng hóa vào hai thị trường này vừa không tốn nhiều chi phí vừa bán với giá thấp sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình cạnh tranh.
Riêng về cạnh tranh trong lĩnh vực phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tại Campuchia, ông Vũ Hữu Tú cho biết thị trường này là sự phân chia thị phần của các công ty đến từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.
Trong đó, các nhà đầu tư Thái Lan và các DN Việt Nam đã có nhiều năm chiếm thị phần đáng kể. Tuy nhiên, nguồn cung phân bón và thuốc trừ sâu từ Trung Quốc gần đây đang thâm nhập mạnh vào Campuchia là mối đe dọa lớn đối với thị phần của các DN Việt.
Thế Vinh