Tại Hội thảo “Tác động của COP 26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh” ngày 17/8, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá vấn đề chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, bền vững cũng được đặc biệt nhấn mạnh tại Hội nghị COP 26 với việc lần đầu tiên gần 50 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.
Bộ Công Thương cho biết sẽ không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030. |
Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2030 giảm 32,6% lượng phát thải khí nhà kính trong ngành năng lượng, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối chiếm ít nhất 33% tổng lượng phát điện.
"Có thể nói, việc cụ thể hóa từ cam kết toàn cầu thành mục tiêu quốc gia đã thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Việt Nam - một nước đang phát triển và mới hơn 3 thập kỷ công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước", bà Ngọc nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa được các mục tiêu về chuyển đổi năng lượng và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như đã cam kết, thì vấn đề lớn nhất chính là nguồn lực thực hiện. Về tổng thể, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam vừa mới công bố (CCDR) cho thấy tổng nhu cầu tài chính tăng thêm của Việt Nam để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon, hướng tới phát thải ròng bằng 0 có thể lên tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2040, hay xấp xỉ 6,8% GDP mỗi năm.
Trong đó, riêng lộ trình xây dựng khả năng chống chịu sẽ chiếm khoảng 2/3 số tiền này vì cần huy động lượng vốn đáng kể để bảo vệ tài sản và cơ sở hạ tầng cũng như những người dân dễ bị tổn thương. Chi phí của lộ trình khử carbon chủ yếu phát sinh từ ngành năng lượng - gồm chi phí đầu tư vào năng lượng tái tạo và quản lý quá trình chuyển dịch ra khỏi năng lượng than có thể tiêu tốn khoảng 64 tỷ USD từ năm 2022 - 2040.
"Ước tính nêu trên của Ngân hàng Thế giới là một minh chứng cho thấy, năng lượng là ngành then chốt, quan trọng nhất và cần huy động nhiều nguồn lực nhất để thực hiện các giải pháp giảm thiểu-hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đánh giá.
Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng cần tính toán kỹ lưỡng lộ trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ cho việc đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra, đồng thời phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch trên các ngành, lĩnh vực.
Đồng thời, quá trình chuyển dịch năng lượng cần giảm thiểu tối đa tác động tới các nhóm và đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó đặc biệt lưu ý đến tác động của tăng giá điện đối với các hộ gia đình nghèo và việc chuyển đổi, mất việc làm của người lao động trong các ngành, lĩnh vực chẳng hạn từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Đặc biệt, quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững muốn thành công cần phải có sự cam kết hỗ trợ về mặt tài chính/kỹ thuật thực sự từ các quốc gia phát triển. Thực tế, đóng góp phát thải khí nhà kính của Việt Nam rất nhỏ, chỉ khoảng 0,8% so với tổng lượng phát thải của toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam lại là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu trên thế giới, đứng thứ 13 trong số 180 quốc gia theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu Germanwatch giai đoạn 2000-2019.
"Do vậy, trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn nhận được hỗ trợ về tài chính/kỹ thuật một cách thỏa đáng từ các đối tác phát triển để triển khai thành công lộ trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững", Thứ trưởng KH&ĐT chia sẻ.
Theo báo cáo từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), để đảm bảo các mục tiêu cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP 26 về trung hòa carbon vào năm 2050, Bộ Công Thương sẽ giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện than với mục tiêu giảm tối đa phát thải khí CO2; không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030; xem xét chuyển đổi một số dự án nguồn điện than sang sử dụng LNG....
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ phát triển nhiệt điện khí sử dụng LNG nhập khẩu ở quy mô phù hợp. Các nguồn điện LNG sẽ chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu hydrogen và khi công nghệ đã chín muồi, chuyển hẳn sang sử dụng nhiên liệu hydrogen, đồng thời có thể phát triển các nhà máy điện thế hệ mới sử dụng hoàn toàn hydrogen.
N.Linh