Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Da giày Tp.HCM (SLA), cho rằng ngành da giày nội địa hiện nay còn đầu tư manh mún và thiếu liên kết nên rất khó có đủ năng lực để đón nhận những đơn hàng lớn từ các đối tác nước ngoài.
Không biết tận dụng
"Chẳng hạn như có đơn hàng 100.000 đôi giày/ngày thì phải giao cho 10 doanh nghiệp (DN) nội ở Tp.HCM gia công, thành ra rải rác các nơi, mạnh ai nấy làm, không đồng bộ. Trong khi đó, nếu tập trung 10 DN này lại một chỗ, làm đồng bộ thì có thể nhận đơn hàng còn lớn hơn, việc phát triển ngành cũng tốt hơn", ông Khánh chia sẻ.
Điều đó khiến các DN da giày Việt bỏ lỡ khá nhiều cơ hội, đặc biệt là từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung kéo dài nhiều tháng qua. Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Khánh lưu ý lẽ ra các DN da giày nội phải biết cách tận dụng cuộc chiến thương mại này để đưa hàng Việt qua Mỹ.
Năm ngoái, thị trường Mỹ đã nhập khẩu (NK) da giày từ Việt Nam với kim ngạch hơn 3,6 tỷ USD, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) da giày của Việt Nam. Với lợi thế như vậy, nếu không biết tận dụng trong lúc này, các DN da giày nội địa cũng nên tự vấn lại năng lực của mình.
Khó khăn lớn với các DN da giày nội hiện nay, theo ông Khánh, đó là hầu như phải phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu NK và sự áp đảo của khối ngoại. Riêng năm 2018, XK da giày đạt khoảng 14,7 tỷ USD thì DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã chiếm trên 75%.
Nếu DN da giày Việt có được nguồn nguyên phụ liệu trong nước, có cụm công nghiệp dành cho chuyên ngành da giày, sản lượng và kim ngạch XK sẽ được cải thiện tốt hơn.
Ngoài ra, với việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) trong thời gian tới sau khi được ký kết chính thức, ngành da giày Việt Nam được hưởng lợi, rộng cửa vào thị trường EU. Vấn đề đặt ra là, liệu các DN da giày nội có tận dụng cơ hội này hay lại tiếp tục "nhường sân" cho DN FDI?
Giới chuyên gia nhận định ngành da giày Việt Nam nhiều năm nay đã XK vào EU và chiếm tỷ trọng rất cao (khoảng 30 – 40% tổng kim ngạch XK da giày) và với EVFTA thì cơ hội cho ngành này càng lớn hơn.
Tuy nhiên, thách thức lớn đối với ngành da giày Việt vẫn đang nằm ở việc liệu có đủ khả năng để đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ hay không. Hiện, nguồn da NK đang chiếm khoảng 35 – 40% trong sản xuất da giày, do đó vấn đề về nguồn gốc xuất xứ lại càng được yêu cầu được rõ ràng hơn.
Thực tế là hiện nay, do nguồn nguyên liệu nội địa chưa đáp ứng, có đến 70 – 75% khối lượng nguyên liệu của các DN da giày trong nước gần như phải nhập từ nước ngoài.
Khó qua "cửa ải" xuất xứ
Nếu tính chung về NK nhóm mặt hàng nguyên phụ liệu da giày, dệt may (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày), trong 5 tháng đầu năm nay đã đạt 10,17 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày các loại NK về Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với trị giá 4,69 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này đòi hỏi Nhà nước nên tiếp tục có những chính sách hỗ trợ nhằm chuyển đổi vùng nguyên liệu nhập hoặc phát triển vùng nguyên liệu trong nước cho việc sản xuất da giày để "cửa ải" xuất xứ không ngáng đường vào những thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA).
Với FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), trong điều khoản về xuất xứ hàng hóa của CPTPP, các sản phẩm XK trong các nước thành viên phải có xuất xứ nội khối CPTPP mới được hưởng ưu đãi.
Rõ ràng đây là một bất lợi với da giày Việt khi chủ yếu NK nguyên phụ liệu từ các nước bên ngoài CPTPP như Trung Quốc, Hàn Quốc để gia công hàng XK. Vì vậy, nếu không chuyển đổi được vùng nguyên liệu, da giày XK của các DN Việt sẽ không được hưởng ưu đãi thuế.
Thực tế, việc giải quyết nguồn nguyên liệu là bài toán không hề đơn giản với ngành da giày Việt Nam. CPTPP được xem là một trong những yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu, trong đó có ngành da giày.
Tuy nhiên, ngành sản xuất này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu sử dụng công nghệ lạc hậu. Do đó, các cơ quan quản lý sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích về nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất da giày và tác động tới môi trường trước khi cấp phép đầu tư.
Cục Công nghiệp cho rằng đối với ngành da giày, mặc dù có được ưu đãi về thuế thì giá trị thật sự mà các DN của Việt Nam nhận được là không nhiều, vì hầu hết DN Việt Nam đang gia công cho các thương hiệu nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Văn Khánh, có đến 80 – 85% DN Việt trong ngành da giày chủ yếu là làm gia công. Khi gia công thì tiền lương, tiền công phải trả cho người lao động, tích luỹ không được nhiều để có thể đầu tư vào công nghệ, nên có những DN nội thậm chí vẫn đang sử dụng các máy móc cũ của thập niên 1990.
Thế Vinh