Đáng chú ý, đối với vấn đề điện khí LNG, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương làm rõ số liệu quy hoạch điện khí LNG đã giảm so với phương án trình tháng 3/2021 như thế nào? Phân tích kỹ về tính khả thi, hiệu quả của Quy hoạch phát triển nguồn điện khí LNG đến năm 2030 đối với kịch bản cao điều hành.
Dự án điện khí LNG sẽ gặp khó khăn khi giá khí tăng cao. |
Trong đó, Bộ Công Thương cần báo cáo rõ về khó khăn, vướng mắc cụ thể trong triển khai một số dự án nguồn điện khí LNG thời gian qua, giải pháp thời gian tới; đánh giá hiệu quả của nguồn điện khí LNG gắn với phân tích về giá khí, giá điện khí LNG, so sánh với giá điện từ một số nguồn điện khác.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng cần đánh giá về an ninh năng lượng khi phát triển điện khí LNG theo kịch bản cao điều hành trong bối cảnh có thể xảy ra những vấn đề địa chính trị, địa kinh tế trên thế giới dẫn tới khả năng thiếu hụt nguồn khí hoặc giá khí LNG tăng rất cao…
Mới đây, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết trong tình hình thế giới biến động nhanh, hiện giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Cụ thể, giá nhiên liệu sơ cấp khi có chiến tranh Nga - Ukraine xảy ra đã tăng mạnh như giá than trước đây chỉ 60-70 USD/tấn, giờ tăng lên 220 USD/tấn.
Giá khí LNG cũng hết sức biến động, trước đây 6-8 USD/triệu BTU, hiện 16-18 USD/triệu BTU, giá sắt thép vật liệu xây dựng để xây dựng dự án điện, truyền tải… cũng tăng mạnh. Điều này khiến ngành điện đang chịu áp lực về đầu vào, sản xuất kinh doanh.
Còn theo báo cáo "Đặt kỳ vọng thực tế vào các dự án nhiệt điện khí LNG tại Việt Nam" của Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA), Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một trong những thị trường nhập khẩu LNG hứa hẹn nhất ở châu Á.
Tuy nhiên, báo cáo trên cũng cho rằng giá điện khí chắc chắn sẽ không hề rẻ. Các cơ quan chức năng và một số chủ đầu tư dự án đã thừa nhận điều này một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Trong một số trường hợp, cảnh báo này được thể hiện dưới lời kêu gọi hình thành cơ chế giá điện vận hành theo thị trường với chi phí nhiên liệu chuyển cho bên tiêu thụ chi trả, hoặc thông qua việc vận động sử dụng điện tiết kiệm bằng cách đề xuất tăng giá bán lẻ điện.
Trên thế giới, các chuyên gia đều đồng thuận rằng chi phí biên của điện mặt trời, điện gió và các giải pháp pin tích trữ sẽ ngày càng giảm trong dài hạn trong khi điều này không thể xảy ra với LNG và nhiệt điện khí LNG. Những vấn đề này sẽ là chủ đề chính tại các cuộc đàm phán hợp đồng PPA trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm tới.
Quay trở lại dự thảo Quy hoạch điện VIII, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương làm rõ thêm tính khả thi, hiệu quả trong việc phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng (thủy điện tích năng, pin lưu trữ…) đối với nguồn điện mặt trời trong các thời kỳ quy hoạch, đặc biệt là tới năm 2030; lưu ý số liệu phải cụ thể, chính xác và có trích dẫn nguồn số liệu cụ thể, kinh nghiệm các nước…
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng được yêu cầu rà soát, đánh giá về sự phù hợp quy hoạch phát triển các nguồn điện, quy mô công suất nguồn điện quy hoạch so với định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Trên cơ sở nội dung Đề án Quy hoạch điện VIII hoàn thiện tại tờ trình số 2279/TTr-BCT và báo cáo các nội dung theo yêu cầu tại văn bản 2925/VPCP-CN nêu trên, Bộ Công thương đề xuất các nội dung xin ý kiến Thường trực Chính phủ thông qua, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/5/2022.
Nhật Linh