Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn, nước ta đã có trên 40 mặt hàng đạt tiêu chí chỉ dẫn địa lý quốc gia và trên 750 mặt hàng đặc sản khác nhau như nước mắm Phú Quốc, cam Vinh, tỏi Lý Sơn… Song các chuyên gia đánh giá, mặc dù tiềm năng của đặc sản vùng miền Việt Nam rất lớn nhưng việc phát triển các sản phẩm này hiện còn nhiều hạn chế, nhất là vấn đề thị trường tiêu thụ.
Loay hoay tìm thị trường
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, chia sẻ câu chuyện tỉnh mình đã gặp khó khi cung ứng đặc sản dâu Hạ Châu ra thị trường.
“Vừa rồi, khách hàng Thái Lan, Lào, Campuchia đến đặt hàng mua dâu Hạ Châu, một đặc sản mới của vùng đất Cần Thơ. Sau khi cân nhắc, tính toán tất cả chi phí, nguyên liệu, phát triển vùng sản xuất để cung ứng hàng cho đối tác, người dân có thể thu lời từ 100-150 triệu đồng/ha/năm nhưng sau đó đành ngậm ngùi không tăng quy mô vì lý do không có công nghệ bảo quản, dẫn đến chất lượng sản phẩm không bảo đảm, quả hái xuống vài ngày là bị biến màu nên khó xuất đi xa”, ông Hoài Nam cho biết. Theo ông Nam, cây ăn trái nhiệt đới chín rất nhanh nên việc thu hoạch và tiêu thụ cũng gấp rút. Cũng chính đặc điểm ấy mà dâu Hạ Châu – một thương hiệu hoa quả của Cần Thơ – phải chịu tổn thất lên đến 30-40% trong khâu vận chuyển khi “cập bến” thị trường ngoại.
Ông Tạ Văn Long, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Yên Bái, cho rằng việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến đông đảo người tiêu thụ còn hạn chế, giá trị sản phẩm thu về chưa cao. Nổi tiếng với những đặc sản như gạo nếp Tú Lệ, cây Sơn Tra hay còn gọi là cây “táo mèo”… nhưng Yên Bái vẫn còn gặp khó trong tiêu thụ.
Lí giải điều này, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, đại diện Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), cho biết: “Các đặc sản vùng miền chưa tiếp cận được phương thức và các kênh phân phối hiện đại để đến với thị trường trong nước và xuất khẩu là do thiếu tính liên kết mang tính hệ thống trong việc hoàn thiện chất lượng sản phẩm, thiếu sự đa dạng trong thiết kế sản phẩm, đặc biệt là sự liên kết khu vực để xây dựng hệ thống phân phối tại thị trường trong nước cũng như quốc tế mà trong đó vai trò của các tổ chức xúc tiến thương mại rất quan trọng”.
Trong khi yêu cầu thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ từ các cơ quan nhà nước thì rất ít sản phẩm đặc sản địa phương được đăng ký bảo hộ và xây dựng, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu tập thể.
Thêm vào đó, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, cho rằng nguyên nhân một phần là do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa chú trọng khâu phát triển sản phẩm, dẫn đến hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh của sản phẩm thấp; việc tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu sản phẩm gặp khó khăn. Thậm chí, một số sản phẩm tiêu biểu, đặc sản của địa phương đang dần bị mai một.
Liên kết vùng đặc sản các địa phương không chỉ đơn thuần dựa trên những sản phẩm lợi thế, đặc sản riêng sẵn có của mỗi tỉnh, thành phố mà quan trọng là sự phối hợp, phân chia lao động, công việc trong cả chuỗi cung ứng sản phẩm đặc sản vùng miền.
Liên kết vùng miền để xuất khẩu
Để xúc tiến thương mại liên tỉnh hiệu quả, ông Lê Quốc Vinh, Tổng giám đốc Tập đoàn LeInvest Corporation, đề xuất cần xây dựng mô hình công, tư trong xây dựng chợ đặc sản vùng miền. Trong đó, Nhà nước đầu tư ngân sách quảng bá tuyên truyền, doanh nghiệp đầu tư xây dựng đặc sản, hệ thống bán hàng, phân phối, thu mua và cung ứng sản phẩm; địa phương đảm bảo hàng hóa đúng nguồn gốc. Xây dựng các nhà hàng sử dụng 100% các sản phẩm đặc sản địa phương như một điểm đến cho khách du lịch…
Ngoài ra, ông Trương Quang Hoài Nam, cũng nhấn mạnh: “Tiêu thụ nội địa rất quan trọng, phải quan tâm kênh phân phối để người tiêu dùng tin dùng. Đồng thời, đặc sản phải gắn kết với kênh du lịch để xuất khẩu tại chỗ”.
Tổng Thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, ông Lê Bá Ngọc, cho rằng doanh nghiệp trong quá trình sản xuất đặc sản địa phương cần xây dựng kế hoạch rõ ràng, dài hạn với mục tiêu cụ thể thay vì lập kế hoạch từng năm.
Cùng với đó, cần có các hội chợ đặc sản vùng miền ở quy mô địa phương, quy mô quốc gia và tiến đến hội chợ vùng miền quốc tế để tạo thêm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm đặc sản. Đồng thời thiết lập và thúc đẩy hệ thống phân phối thông qua các trung tâm phân phối đặc sản vùng miền tại các thành phố lớn, các trung tâm du lịch… trên cơ sở liên kết các vùng miền.
Đề cao vai trò của liên kết vùng miền trong việc tiêu thụ các đặc sản, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh: Liên kết vùng đặc sản các địa phương không chỉ đơn thuần dựa trên những sản phẩm lợi thế, đặc sản riêng sẵn có của mỗi tỉnh, thành phố mà quan trọng là sự phối hợp, phân chia lao động, công việc trong cả chuỗi cung ứng sản phẩm đặc sản vùng miền. Đồng thời phải tăng cường xúc tiến thương mại một cách có hệ thống tiến tới chiếm lĩnh thị trường trong nước và từng bước xuất khẩu ổn định ra các thị trường nước ngoài.
Thy Lê
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Rất ít sản phẩm đặc sản địa phương hiện nay được bảo hộ, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu tập thể, trong khi yêu cầu thị trường đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ từ các cơ quan chức năng của Nhà nước. Ông Nguyễn Cẩm Tú - Thứ trưởng Bộ Công Thương Hiện nay, các đặc sản của chúng ta hầu hết là do các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa, vẫn sản xuất theo quy mô nhỏ, lẻ và sản xuất theo các phương pháp thủ công. Cho nên, cần phải có sự sàng lọc và đổi mới phương thức sản xuất ở đây phải có sự đầu tư, gắn kết. Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Các địa phương, DN chưa quan tâm nhiều đến thiết kế và phát triển sản phẩm, thiếu liên kết liên khu vực để xây dựng hệ thống cung ứng, phân phối tại thị trường trong nước và quốc tế. Những tồn tại này có vai trò rất quan trọng của các tổ chức xúc tiến địa phương. |