Nắng nóng giảm, trong khi nguồn nhiệt điện than đã không còn tổ máy ngừng sự cố ngắn ngày, nhiên liệu than cho sản xuất điện được đảm bảo; lưu lượng nước về các hồ thủy điện phía Bắc tăng góp phần cung cấp điện cho miền Bắc.
Có nước nhưng phát điện 2-3 ngày là hết
Báo cáo cập nhật trưa ngày 27/6 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, cùng với nhà máy thủy điện Hòa Bình phát điện (lượng nước xả hiện tại là hơn 595 m3/s), còn có thêm Nhà máy thủy điện Huội Quảng phát điện, với lưu lượng xả nước qua máy phát hơn 159,6 m3/s.
Thiếu điện đang là khó khăn trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. |
Như vậy, đã có 2 nhà máy thủy điện phía Bắc phát điện lên lưới, còn 5 nhà máy thủy điện chưa phát điện, giữ nước để chờ dâng thêm nhằm dự phòng cho đợt nắng nóng tiếp theo và chờ kế hoạch huy động điện của A0.
Theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), ngày 27/6, lưu lượng về các hồ chứa thủy điện khu vực Bắc Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên giảm nhẹ; Khu vực Bắc Trung Bộ tăng nhẹ so với hôm trước; Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ lưu lượng về hồ thấp, dao động nhẹ so với ngày hôm trước. Lưu lượng về các hồ chứa các tỉnh Hà Giang, Bắc Cạn, Lạng Sơn đã đạt đỉnh và giảm dần.
Lưu lượng, mực nước tại các hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ tăng, các hồ chứa lớn đang nâng cao mực nước, hạn chế huy động phát điện để dự phòng cho đợt nắng nóng tiếp theo, một số hồ vừa, nhỏ, tràn tự do đã phải điều tiết nước lũ.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng giám đốc Thủy điện Thác Bà cho biết, mực nước của hồ đã cao hơn mực nước chết, nhưng vẫn còn thấp vì mưa những ngày qua chủ yếu ở vùng hạ du. “Không có nhiều nước nên A0 và EVN muốn tích nước nên không huy động, nếu huy động chỉ 2-3 hôm thì hồ sẽ xuống mực nước chết và lại dừng tiếp”.
Trừ những năm khô hạn như 2016, 2010, ở thời điểm này của các năm trước đã có lũ về hồ Thác Bà. Do vậy, Phó Tổng Giám đốc Thủy điện Thác Bà vẫn lo lắng về nguồn nước trong thời gian tới, chưa nhìn thấy tín hiệu tích cực. “Giá như mưa ở thượng nguồn thì tốt, nhưng “ông trời” thì không bảo được!”, ông Cường chia sẻ.
Thực tế, việc mất điện, thiếu điện thời gian qua đã ảnh hưởng tới các nhà đầu tư rất nhiều, do vậy mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp trong và ngoài nước là Bộ Công Thương, EVN phải có giải pháp đảm bảo cung ứng điện ổn định. Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) phản ánh việc thiếu điện, mất điện tại một số địa phương phía Bắc đã ảnh hưởng tới quá trình thu hút đầu tư, nên Bộ Công Thương cần sớm đảm bảo ổn định nguồn cung ứng điện cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Thông tin tới các nhà đầu tư Hàn Quốc mới đây, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, Việt Nam đã và đang có các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu điện, như Bộ Công Thương yêu cầu EVN khẩn trương thỏa thuận giá tạm thời với các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã cho phép đấu nối lưới điện quốc gia đối với một số dự án cụ thể; Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương thanh tra EVN về quản lý cung ứng điện.
Giải bài toán đủ điện không chỉ cho năm nay
Theo PGS.TS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, với diễn biến khó đoán của điều kiện tự nhiên hiện nay, không ai đảm bảo năm sau sẽ không hạn hán. Thủy điện chiếm 42% tổng sản lượng điện miền Bắc, nếu thiếu nước, chúng ta không lấy nguồn điện ở đâu được khi mà nhiệt điện chỉ có vậy và cũng không thể chạy liên tục để duy trì điện nền ổn định”.
“Các dự án điện tái tạo không huy động hết, dư thừa, thiếu điện cục bộ tại miền Bắc, cắt điện diện rộng tại nhiều địa phương, rồi vấn đề lỗ lớn của ngành điện hơn 26.000 tỷ đồng… là bức tranh không mấy sáng sủa của ngành điện”, PGS.TS. Võ Đại Lược đánh giá.
Theo đó, để đảm bảo cung ứng điện, không chỉ cho năm nay mà còn cho các năm tiếp theo, PGS.TS. Võ Đại Lược đề xuất, Chính phủ cần khẩn trương lập tổ nghiên cứu về tư nhân hóa truyền tải điện, xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Hiện nay, nhiều ý kiến cũng cho rằng trong bối cảnh thiếu điện, cơ quan quản lý cần phải đẩy nhanh tiến độ của việc xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện, khi mà sau nhiều năm cơ chế vẫn “tắc” và chưa được triển khai.
Về vấn đề này, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho hay, Bộ Công Thương đang soạn thảo và trình Chính phủ ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã nghiên cứu bài học kinh nghiệm từ nước ngoài khi triển khai cơ chế này tại Việt Nam, tạo cơ hội cho khách hàng sử dụng có thể mua bán trực tiếp điện được với chủ đầu tư năng lượng tái tạo.
Theo ông Lâm, mua bán điện mặt trời mái nhà giữa các hộ gia đình với nhau là hướng đi mà thế giới đang áp dụng nhiều. EVN đã giao Tổng công ty Điện lực miền Trung nghiên cứu cơ chế này, bản chất sử dụng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số thì mua bán điện mái nhà với nhau là hướng thế giới đang làm, EVN đề nghị Bộ Công Thương cho phép làm sớm.
"Nếu cơ chế được thông qua, EVN sẽ hỗ trợ các đơn vị kết nối và chịu trách nhiệm khâu truyền tải và phân phối", ông Lâm cho biết.
Nhật Linh