Việt Nam hiện có khoảng hơn 800.000 doanh nghiệp, trong đó có 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu về kho vận ở Việt Nam sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.
Đón cơ hội từ nền kinh tế phục hồi
Cainiao Network, (Cainiao), công ty thuộc tập đoàn Alibaba, hoạt động trong lĩnh vực logistics, mới đây đã thông báo Trung tâm kho vận Cainiao P.A.T tại Long An, Việt Nam sẽ chính thức đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2022. Với diện tích 110.000m2, kho vận cho thuê đi vào hoạt động trong bối cảnh nhu cầu về hàng hóa trong nước và nhu cầu kho vận đang tăng cao.
![]() |
Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, chứng kiến sự bùng nổ của thị trường kho vận Việt Nam với tỷ trọng đầu tư đang nghiêng về phía các doanh nghiệp nước ngoài. |
Tọa lạc tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An, Trung tâm kho vận Cainiao P.A.T nằm ngay tại nút giao giữa đường Nguyễn Hữu Trí, Quốc lộ 1A và đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương. Vị trí chiến lược này là cửa ngõ kết nối trực tiếp tới một trong những vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia: đồng bằng sông Cửu Long, nơi sản xuất 20% sản lượng nông nghiệp của cả nước và thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế tài chính của Việt Nam. Với diện tích kho vận có diện tích từ 4.000m2 đến 10.000m2, vị trí địa lý thuận lợi và khả năng tiếp cận dịch vụ theo dõi hành trình vận chuyển tiên tiến được hỗ trợ bởi công nghệ của Cainiao, trung tâm kho vận này hứa hẹn sẽ mang đến các giải pháp lưu kho và vận chuyển hiệu quả, tiết kiệm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.
Ông Eric Xu, Tổng giám đốc Cainiao Smart Hub cho biết: "Cainiao cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dựa trên mạng lưới tiếp vận hiệu quả và toàn diện nhằm giảm bớt các rào cản thương mại, giúp các doanh nghiệp tận dụng cơ hội tại thị trường nước ngoài và tiếp cận cơ sở người tiêu dùng rộng lớn hơn. Trung tâm kho vận Cainiao P.A.T tại Long An đi vào hoạt động rất đúng thời điểm và chúng tôi tin rằng dự án kho vận này sẽ giữ một vai trò quan trọng trong nỗ lực giảm thiểu gián đoạn chuỗi cung ứng bằng cách cung cấp dịch vụ kho vận tối ưu nhất để giúp tăng cường chiến lược quản lý hàng lưu kho của doanh nghiệp."
Trước đó, vào cuối tháng 2, dự án SLP Park Xuyên Án tại lô HH, Khu công nghiệp Xuyên Á (tỉnh Long An) đã được SLP (nhà đầu tư phát triển và vận hành cơ sở công nghiệp và logistics tập trung ở Đông Nam Á) cùng các nhà thầu phát lệnh khởi công nhằm cung ứng cho thị trường các nhà kho hạng A từ một đến hai tầng sau khi hoàn thành. Dự án có tổng diện tích xây dựng hơn 61.000 m2, gồm 3 nhà xưởng, văn phòng, hạ tầng và các hạng mục phụ trợ.
Kể từ khi chính thức thâm nhập vào Việt Nam (tháng 10/2020) thông qua liên doanh với GLP (nhà đầu tư kinh doanh bất động sản lĩnh vực logistics), SLP đã có 6 dự án được cấp phép sử dụng đất tại nhiều địa điểm. Dự kiến, trong thời gian tới, nhà đầu tư này sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực kho vận tại Việt Nam.
Cũng vào cuối tháng 2, SLP (SEA Logistic Partners) đã khởi công dự án SLP Park Xuyên Á (giai đoạn 1) tại xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. SLP Park Xuyên Á sẽ cung ứng các nhà kho hạng A hai tầng và một tầng sau khi hoàn thành. Giai đoạn đầu của dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 1 năm 2023, với tổng diện tích cho thuê khoảng 84.000m2.
Ở phía Bắc, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, tỉnh này cũng đang lựa chọn nhà đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng Khu cảng cạn và dịch vụ logistics tại phường Phong Khê, TP. Bắc Ninh và xã Đông Phong, huyện Yên Phong với tổng chi phí thực hiện dự kiến 4.225 tỷ đồng. Kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án cho thấy, có 3 nhà đầu tư nộp hồ sơ là: Công ty CP Logistics LSH; Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest và Liên danh Hoàng Thành - Phúc Khanh.
Trước đó, vào tháng 1/2022, 2 dự án đầu tư trong lĩnh vực logistics có tổng vốn đầu tư 67 triệu USD đã được Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng trao giấy phép đăng ký đầu tư. Đó là, Dự án Trung tâm Logistics ECPVN Hải Phòng 1 của nhà đầu tư Emergent VN Logistics Development Pte. Ltd. (Singapore) tại Khu công nghiệp và dịch vụ hàng hải (DEEP C2B) với tổng vốn đầu tư 35 triệu USD; Dự án JD Property Logistics Park Hai Phong 1 của nhà đầu tư JD Future Explore V Limited (Hồng Kông - Trung Quốc) tại Khu phi thuế quan và Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Khu 1) với tổng vốn đầu tư 32 triệu USD.
Cuộc đua không cân sức
Chỉ nhìn qua những dự án đi vào hoạt động trong 3 tháng đầu năm 2022 cho thấy một bức tranh khá rõ nét về thị trường kho vận Việt Nam đang gần như là “sân chơi” của các doanh nghiệp ngoại. Hiện nay, chi phí logistics của Việt Nam vẫn đang chiếm tới 20% GDP với quy mô 40 - 42 tỷ USD. Chính vì thế, không khó hiểu khi “miếng bánh” logistics ở Việt Nam đang rất tiềm năng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư. Nhưng rõ ràng, các doanh nghiệp nội đang tỏ ra lép vế trong phân khúc này.
![]() |
Việt Nam lọt top 10 thị trường Logistics mới nổi toàn cầu năm 2021. |
Khi nói về lý do đầu tư vào thị trường logistics Việt Nam thời điểm này, ông Jenkin Chiang - Giám đốc điều hành, kiêm Thành viên đồng sáng lập của SLP chia sẻ: Đại dịch Covid đã và đang làm thay đổi thị trường, thúc đẩy sự tăng trưởng của thương mại điện tử và làm tăng nhu cầu cả ngắn hạn lẫn dài hạn đối với bất động sản công nghiệp. Trong những năm gần đây, nhu cầu về nhà kho xây sẵn cũng gia tăng đáng kể. Với các dự án của chúng tôi, trong đó có SLP Park Xuyên Á, chúng tôi dự định sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu kho vận ngày càng đa dạng của khách hàng, nắm bắt lợi thế trong giai đoạn đầu của sự phát triển và hiện đại hóa lĩnh vực logistics Việt Nam.
Còn ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam có thế mạnh về địa kinh tế rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics do nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu rất mạnh. Vì vậy, cả xuất nhập khẩu và logistics đang hội tụ các điều kiện thuận lợi để tiếp tục bứt phá, tăng trưởng nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.
Theo JLL Việt Nam, do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng đang đưa Việt Nam trở thành trung tâm kho vận của thế giới, không chỉ đối với vận tải nội địa. Còn Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) thì cho rằng, sau giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt trong quý III/2021, các hoạt động kinh doanh xuất khẩu của Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng kể từ cuối năm 2021 đến nay đã thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực này.
"Nhiều địa phương hiện nay chưa chú ý hoặc ít dành quỹ đất cho trung tâm logistics, đa số doanh nghiệp phải tự thân vận động. Do vậy, cần có sự đồng bộ trong quy hoạch của tất cả các địa phương để dành quỹ đất cho trung tâm logistics".
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam
Theo báo cáo sơ bộ của 45/63 tỉnh, thành phố, cả nước có tổng số 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp. Các trung tâm logistics hạng I, hạng II, các trung tâm logistics chuyên dụng theo quy hoạch tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3/7/2015 của Thủ tướng Chính phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến 2020, định hướng đến năm 2030 đang được các tỉnh, thành phố tập trung triển khai, kêu gọi đầu tư xây dựng (Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Đắk Nông, Tây Ninh, Sóc Trăng, TPHCM, Cần Thơ).
Dù vậy, theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA),Việt Nam vẫn rất thiếu các trung tâm logistics hiện đại, quy mô lớn. Việt Nam là nước nông nghiệp, xuất khẩu trái cây, thủy sản nhiều, do đó, rất cần có các trung tâm logistics để sơ chế, chế biến, bảo quản nhằm giảm thiểu hư hỏng, bảo đảm điều kiện để xuất khẩu.
"Các trung tâm logistics đòi hỏi quy mô lớn, tích hợp nhiều dịch vụ, kết nối đa phương thức thì mới góp phần giảm được chi phí logistics", ông Lê Duy Hiệp nhận xét.
Tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam VBF mới đây, tiểu ban Giao thông vận tải và Hậu cần của diễn đàn này cũng đề xuất trong cơ sở hạ tầng và ngành công nghiệp hậu cần có liên quan đến việc tiếp cận cơ sở hạ tầng tới các cảng chính cũng như phát triển các trung tâm phân phối và hậu cần chất lượng.
VBF cho rằng, sự cải thiện trong các lĩnh vực này sẽ dẫn đến giảm chi phí logistics và tạo điều kiện cho Việt Nam tăng trưởng hơn nữa, đặc biệt là trong thị trường xuất khẩu cạnh tranh sang châu Âu và Mỹ.
“Một rào cản lớn đối với sự phát triển của lĩnh vực hậu cần là thiếu đất kho bãi, hậu cần để cho phép phát triển các trung tâm phân phối, hậu cần chất lượng, đặc biệt là xung quanh Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Người tiêu dùng Việt Nam đang yêu cầu chất lượng cao hơn, đa dạng hơn và giao hàng nhanh hơn. Điều này mang lại thách thức đáng kể trong việc tìm kiếm không gian và địa điểm có sẵn cho các địa điểm kho bãi và trung tâm phân phối”, tiểu ban Giao thông vận tải và Hậu cần VBF khuyến nghị.
Nhà đầu tư ngoại đổ vốn vào lĩnh vực logistics đang tạo áp lực cạnh tranh lớn với doanh nghiệp trong nước, bởi doanh nghiệp ngoại có nhiều lợi thế về vốn, công nghệ đang lấn át các doanh nghiệp nội vốn yếu thế cả về vốn và kinh nghiệm. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ tăng cường vai trò giám sát và tạo điều kiện để đảm bảo phân bổ hiệu quả các nguồn lực cũng như tính an toàn và bền vững về môi trường của các công trình này đồng thời tạo ra sự minh bạch và cạnh tranh bình đẳng trong lĩnh vực logistics.
Ngoài ra, Chính phủ tập trung phát triển hệ thống đường cao tốc quốc gia, sớm điều chỉnh bổ sung Luật Thương mại để phù hợp với tình hình hiện nay của hoạt động logistics.
Trà My