Trong tính toán của Nutifood, chỉ trong tháng 6 tới đây, các dòng sản phẩm sữa tươi đầu tiên sẽ được tung ra thị trường, đánh dấu bước chuyển mình của Nutifood, vốn lâu nay chỉ "bó hẹp" trong phân khúc sữa bột.
Nguồn sữa này được đưa về từ hàng chục nghìn con bò được đối tác Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) xây dựng tại Lào là 10.000 con và tại Gia Lai là 1.500 con từ năm ngoái.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, dự án phát triển đàn bò, trang trại và sản phẩm sữa của HAGL có quy mô vốn lên tới 6.300 tỷ đồng, với tổng đàn bò là 236.000 con, trong đó có 120.000 con bò sữa, sẽ hoàn thành vào năm 2017. Theo nhận định của các chuyên gia, số lượng đàn bò "khủng" này nếu được HAGL đưa về, chắc chắn cục diện thị trường sữa nước sẽ có nhiều thay đổi.
Cục diện thị trường thay đổi?
Theo số liệu của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, số lượng bò sữa trên cả nước chỉ khoảng 200.000 con, với tổng lượng sữa ước khoảng 540.000 tấn. Dự đoán, đến năm 2015, con số này sẽ tiếp tục tăng lên 237.300 con, năm 2020 là gần 400.000 con.
Phát triển đàn bò mạnh nhất hiện nay phải kể đến TH true Milk với 45.000 con, Vinamilk là 15.000 con và hợp tác nông dân khoảng 65.000 con; Friesland Campina liên kết với nông dân có khoảng trên 30.000 con; IDP cũng hợp tác nông dân với 10.000 con; Mộc Châu là 5.000 con…
Với số lượng ấy, sản lượng sữa tươi hiện cung cấp cho thị trường là 450 triệu lít, đáp ứng khoảng 28% nhu cầu cho thị trường, còn lại 72% phải nhập khẩu sữa hoàn nguyên.
Lượng sữa tiêu thụ chỉ ở mức thấp, với mức bình quân là 18 lít/người, bà Trần Thị Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của Nutifood, chia sẻ với Thời báo Kinh doanh rằng mặc dù đây là thị trường cạnh tranh khốc liệt, song vẫn còn nhiều "dư địa" để phát triển.
So sánh, nếu như lượng tiêu thụ sữa của Việt Nam chỉ ở mức khiêm tốn trên, thì lượng tiêu thụ ở một số nước lại khá cao, với Singapore là 40 lít/người, Thái Lan 35 lít/người, Trung Quốc 25 lít/người… Do đó, thị trường sữa tươi vẫn được xem là mảnh đất mầu mỡ, đầy tiềm năng, đặc biệt với những DN vốn đang có vị trí nhất định trên thị trường sữa như Nutifood.
![]() |
Chia sẻ trên báo giới trước đây ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Nutifood, tỏ ra tiếc nuối vì đã "đánh mất" cơ hội, khi hàng loạt các ông lớn như Vinamilk, TH true Milk và Friesland Campina ngày càng gia tăng sức mạnh trên thị trường.
Tuy nhiên, cú bắt tay đầy ngoạn mục với HAGL đã cho thấy tham vọng của Nutifood trong mảng sữa nước là không hề nhỏ. Vị chủ tịch của Nutifood tỏ ra phấn khích khi cho rằng đây là cơ hội quá lớn và "không thể không đón nhận".
Khi bắt tay với HAGL, toàn bộ sản lượng sữa từ các trang trại của HAGL, dự kiến lên đến hàng trăm nghìn con, sẽ được Nutifood bao tiêu và chế biến ra các sản phẩm sữa, bao gồm cả sữa tươi, sữa chua, phô mai…
Nếu tự phát triển đàn bò, hoặc liên kết với một đối tác không có nhiều tiềm lực, Nutifood chưa chắc đã thành công. Với việc hợp tác cùng HAGL, một đại gia bất động sản đình đám "tay ngang" sang làm nông nghiệp, nhưng lại rất thành công với hàng loạt dự án ứng dụng công nghệ cao và sản xuất, vị đại diện của Nutifood tỏ ra khá tự tin, cho rằng dù đi sau nhưng với tiềm lực mạnh về tài chính của HAGL, kinh nghiệm của Nutifood trên thị trường sữa, việc nhảy vào phân khúc sữa nước là nước cờ đầy tham vọng và không có bất cứ rủi ro nào.
Có "tự tin" thái quá?
"Chúng ta đã biết HAGL là công ty có tiềm lực rất mạnh, họ mới đầu tư vào nông nghiệp nhưng với việc áp dụng công nghệ cao rất tốt, trong trồng mía, cọ dầu, bắp… đạt năng suất gấp đôi. Do đó, chúng tôi đang hi vọng việc áp dụng như vậy với ngành sữa sẽ giúp năng suất tăng lên, giá thành giảm thì sản phẩm của chúng tôi sẽ cạnh tranh tốt hơn. Về chất lượng thì Nutifood sẽ áp dụng công nghệ tiên tiến nhất thế giới, cùng kinh nghiệm rất nhiều năm trên thị trường sữa và đội ngũ nhân viên là những bác sĩ, chuyên gia giỏi, Nutifood sẽ làm ra những sản phẩm phù hợp và tự tin có chỗ đứng trên thị trường", bà Nguyệt hào hứng nói.
Những ý tưởng đang đi vào hiện thực, khi mới đây, Nutifood đã chính thức khởi công xây dựng nhà máy có quy mô lớn nhất miền Bắc, và ký thoả thuận cùng HAGL phát triển đàn bò tại tỉnh Hà Nam.
Dự án có quy mô vốn đầu tư lên tới 1.600 tỷ đồng, với công suất nhà máy là 200 triệu lít sữa nước và 31.000 tấn sữa bột. Trước đó, Nutifood cũng hợp tác với HAGL xây dựng nhà máy tại Gia Lai có công suất 500 triệu lít/năm, với vốn góp là 5.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc liên tục đổ vốn đầu tư vào các dự án của Nutifood được nhận định là "canh bạc" trong một cuộc chơi đầy tham vọng, khi hãng này nhắm đến mục tiêu 1 tỷ USD trong năm 2020.
Nhìn lại bức tranh thị trường sữa nước, các ông lớn đang không ngừng đầu tư để mở rộng quy mô đàn bò. Trong đó, phát triển với tốc độ "chóng mặt" nhất phải kể đến TH true Milk, khi chỉ sau gần 5 năm, số lượng đàn bò mà thương hiệu này sở hữu lên đến 45.000 con. Dự kiến đến năm 2017, tổng đàn bò sẽ tăng lên 137.000 con và năm 2020 sẽ là 203.000 con bò.
Đối với Vinamilk, chiến lược phát triển đàn bò cũng đang được DN nắm thị phần lớn nhất này đẩy mạnh trong năm 2014, khi liên tục nhập về hàng nghìn con bò, nâng tỷ lệ sở hữu bò tại các trang trại lên tới 15.000 con. Giai đoạn 2017 – 2020, Vinamilk cũng công bố kế hoạch phát triển đàn bò lên mức tương ứng là 100.000 con và 140.000 con.
Như vậy, có thể thấy số lượng đàn bò dự kiến mà các ông lớn đặt ra, đều ngang ngửa nhau và đây được đánh giá là những mục tiêu đầy tham vọng. Theo phân tích của một chuyên gia trong ngành, để đạt được số lượng đàn bò lên đến hàng trăm con, các DN không những phải có vốn đầu tư cực lớn, mà cần phải có quỹ đất để phát triển.
Hiện, Vinamilk và TH true Milk đang trở thành "đối trọng" của nhau tại miền Trung, mà còn liên tiếp nhắm đến các đối tác để gia tăng sức mạnh. Trong khi đó, việc đầu tư phát triển "nóng" về số lượng đàn bò hiện nay cũng đang đặt ra vấn đề là nhu cầu thị trường liệu đã bắt kịp với tốc độ phát triển?
Điều này khiến cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn và DN có nguy cơ thừa nguồn cung so với nhu cầu. Nutifood sẽ không nằm ngoài áp lực cạnh tranh này và lời giải cho bài toán này đều phụ thuộc vào chiến lược phát triển sản phẩm, thị trường mà Nutifood đưa ra trong thời gian tới.
Ông chủ của HAGL từng nhận định, nuôi bò "lãi" hơn "buôn" đất. Song thực tế cho thấy, người ta đã từng ví chăn nuôi như một "canh bạc" và sự rủi ro đều không loại trừ bất cứ ông nhỏ hay ông lớn, nếu không tính toán đúng nước cờ.
Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty NutiFood |
Sơn Ngọc