Tại Hội thảo CPTPP với chủ đề các cam kết cơ bản – Những lưu ý cho doanh nghiệp (DN) ngày 22/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết khả năng Hiệp định CPTPP được ít nhất là 6 nước thành viên phê chuẩn vào cuối năm 2018 để có hiệu lực vào đầu năm 2019 là rất cao. Cơ hội và thách thức từ CPTPP trở nên gần hơn bao giờ hết.
Doanh nghiệp trăn trở gì?
Đón nhận thông tin CPTPP sắp có hiệu lực, ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, chia sẻ: "Đối diện với CPTPP, các DN chăn nuôi lo thì lo thật nhưng cũng đã có bước chuẩn bị. Vẫn sợ nhưng mà tin tưởng mình sẽ tồn tại được. Đặc biệt, trong bối cảnh không còn Mỹ, các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn".
Tuy nhiên, điều ông Trúc lo ngại nhất hiện nay chính là giá thành sản xuất chăn nuôi của Việt Nam còn cao. Nguyên nhân là vì lâu nay vẫn sản xuất manh mún, 70% đầu con do chăn nuôi nông hộ đảm nhận. Muốn giảm giá thành phải tăng quy mô, tham gia vào chuỗi giá trị, gia nhập HTX.
Cho rằng thủy sản cũng giống ngành chăn nuôi, chi phí giá thành cao hơn các nước đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận định cạnh tranh sắp tới sẽ rất quyết liệt.
Ông Nam chia sẻ: "Chúng tôi luôn quan niệm nếu dừng lại là mất cơ hội xuất khẩu, đồng nghĩa năng lực cạnh tranh thụt lùi".
Hơn nữa, với CPTPP, ngành thủy sản có lợi thế rất lớn về cắt giảm thuế quan so với Thái Lan, thị phần của Việt Nam nằm ở 10 nước CPTPP chiếm hơn 20%.
"DN thủy sản không sợ khó, ngại nhất là những cải cách trong nước không kịp chuẩn bị như những nước đối tác cạnh tranh. Trong CPTPP, nhiều nước đã phân tích từng thị trường xem ở đó, họ được và mất gì. Nếu Việt Nam không thể cải cách ở ngay những quy định trên văn bản, thay đổi trong tư duy quản lý của cán bộ, DN sẽ khó lòng mà cạnh tranh", ông Nam lo ngại.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, chỉ ra một loạt các điểm mở của CPTPP so với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Cụ thể, cho phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài ở lĩnh vực dịch vụ quảng cáo. Về phân phối, bỏ ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế – một công cụ hiệu quả mà Chính phủ hiện đang áp dụng để kiểm soát sự phát triển của mạng lưới phân phối nước ngoài tại Việt Nam) sau 5 năm; cho phép phân phối gạo, đường.
"Điểm bán lẻ ENT không còn, DN bán lẻ Việt Nam cần phải dè chừng với sức mạnh của DN ngoại… Các DN Việt có nguy cơ mất lợi thế ngay trên sân nhà", ông Khanh cho biết.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thách thức đặt ra đối với các DN trong CPTPP là thấy rõ. Quá trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có của chúng ta cho thấy khá rõ điều này.
Đơn cử như tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan trung bình của các FTA hiện chỉ xấp xỉ 30-40%, chưa kể tới thực tế là trong số tận dụng được đó, rất ít các DN không có vốn đầu tư nước ngoài.
![]() |
Khả năng Hiệp định CPTPP được ít nhất là 6 nước thành viên phê chuẩn vào cuối năm 2018 để có hiệu lực vào đầu năm 2019 là rất cao |
Áp lực cải cách thể chế
Bên cạnh đó, CPTPP đã tạm hoãn một số nghĩa vụ phức tạp trong TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương), đặc biệt trong một số khía cạnh về sở hữu trí tuệ, tranh chấp Nhà nước – đầu tư nước ngoài.
Tuy vậy, theo VCCI, trong tổng thể, những đòi hỏi về cải cách thể chế từ CPTPP – một hiệp định toàn diện và tiến bộ hầu như không bị ảnh hưởng. Áp lực cho việc sửa đổi, cải cách thể chế kinh tế đối với Việt Nam cũng không đổi.
Ông Lộc dẫn lại một nghiên cứu của Nhật Bản, đối với trường hợp Việt Nam, những lợi ích từ thuế quan trong CPTPP chỉ giúp GDP của tăng 1,1%, chưa bằng 1/6 lợi ích mà TPP hứa hẹn; nhưng lợi ích từ cải cách thể chế, chỉ xét về các hàng rào phi thuế quan mà CPTPP mang lại cho GDP Việt Nam gần như bằng với TPP, giúp GDP tăng thêm khoảng 10%.
Vì vậy, ông Lộc cho rằng đứng trước CPTPP, DN phải chủ động tham gia cùng với cơ quan nhà nước kiến tạo hệ thống thể chế pháp luật về môi trường kinh doanh sao cho vừa tuân thủ CPTPP vừa tận đụng được không gian chính sách còn lại để phục vụ tốt nhất lợi ích của DN.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, CPTPP tạo "sân chơi", mở rộng cơ hội lựa chọn, tuy nhiên cũng gây áp lực ít nhiều cho DN. CPTPP đang tạo cơ hội cho Việt Nam đẹp hơn. Cánh cửa mở hơn nhưng dường như đem lại cơ hội tốt cho các đầu tư nước ngoài (FDI) vì họ làm tốt hơn.
Câu hỏi đặt ra là Việt Nam sẽ "chơi" thế nào? Ông Thành cho rằng các DN đừng chờ cơ hội đến mà nên cố gắng hiểu các nội dung CPTPP. Để "chơi" được phải hiểu được "cách chơi", hiểu tiêu chuẩn, nguyên tắc xuất xứ… quy định trong Hiệp định.
Bên cạnh đó, theo ông Thành, vấn đề lo ngại nhất ở Việt Nam là chi phí minh bạch, chi phí giao dịch quá lớn, tiêu tốn thời gian, công sức tiền bạc của DN. CPTPP đòi hỏi "cách chơi" mới. Trong đó, DN phải hiểu, đọc thuộc nội dung về CPTPP gắn với cơ quan nhà nước cải cách thể chế.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh mong muốn các DN không tiếp cận CPTPP như một hiệp định mới, bởi trên thực tế, những cam kết đều giống TPP trước đây.
Về phía Nhà nước, ông Khánh cho rằng cam kết quốc tế là nền tảng cải cách thể chế. Để cải cách nhanh hơn, cần tăng cường đối thoại để ý kiến của người dân, DN đến với cơ quan quản lý nhanh nhất. Cần thay đổi tư duy trong cơ quan quản lý, chuyển từ tư duy quản lý sang kiến tạo, chính sách đưa ra mang màu sắc kiến tạo nhiều hơn.
"Nếu chuyển sang tư duy làm chính sách tăng hướng kiến tạo, tôi tin tốc độ cải cách thể chế sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên, các DN cần lên tiếng. Người biết nhiều nhất về môi trường kinh doanh, làm sao để thuận lợi nhất cho kinh doanh chính là DN. DN có thể trực tiếp liên hệ với Chính phủ thông qua kênh báo chí", ông Khánh mong muốn.
Lê Thúy
Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương Hiện nay, một số ý kiến cho rằng Hiệp định CPTPP có tiêu chuẩn thấp hơn nhiều so với TPP trước đây do các nước thành viên đã thống nhất tạm hoãn một số nghĩa vụ quan trọng. Đây là hiểu nhầm lớn. Phần lớn nội dung quan trọng của Hiệp định TPP vẫn được giữ nguyên trong Hiệp định CPTPP. CPTPP vẫn là FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, là sự khích lệ lớn với quá trình tự do hóa thương mại đang gặp nhiều trắc trở. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI Vấn đề đặt ra với tất cả chúng ta là làm sao cải cách thể chế kinh tế theo yêu cầu của CPTPP cộng hưởng với những cải cách môi trường kinh doanh mà Chính phủ đang thúc đẩy. Làm sao để cả các cơ quan nhà nước và DN cùng vào cuộc để cả hệ thống cải cách một cách thực chất, toàn diện và hiệu quả. CPTPP là cơ hội, cũng là sức ép, là tiêu chuẩn để chúng ta cải cách vì lợi ích và nhu cầu của chính mình. Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI Chúng ta nói quá nhiều cam kết CPTPP tạo môi trường đầu tư tốt hơn mà không quên bản chất các cam kết trong CPTPP cũng là bảo vệ cho nhà đầu tư của Việt Nam. Nếu không cẩn thận, chúng ta dễ rơi vào trạng thái ưu tiên, ưu đãi ngược cho FDI, trong khi có thể không quan tâm tới nhà đầu tư nội địa. |