Khoảng 6, 7 năm về trước, được làm việc tại Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVF) là nguyện vọng của nhiều sinh viên ngành tài chính - ngân hàng. Nhân viên của PVF khi đó cũng "oách" không kém nhân viên của các quỹ đầu tư ngoại, công ty chứng khoán hay ngân hàng.
Kỳ vọng và thất vọng…
Tháng 7/2008, Công ty Tài chính Cổ phần Sông Đà (SDFC) chính thức hoạt động với mục tiêu trở thành một định chế tài chính mạnh cả về quy mô vốn, công nghệ ngân hàng, năng lực quản trị tiên tiến… là xương sống trong các định chế tài chính của Tập đoàn Sông Đà.
Cũng trong năm 2008, Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFC) chính thức thành lập và hoạt động với mục tiêu trở thành một định chế tài chính hiện đại, đầu mối đắc lực trong việc quản trị và thu xếp vốn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)…
Nhưng cuộc sống không chỉ có màu hồng và hy vọng. Thực tế là vô cùng khắc nghiệt và kỳ vọng có thể nhanh chóng trở thành nỗi thất vọng.
PVF hiện đang là một trong những công ty niêm yết có vốn điều lệ lớn, với 6.000 tỷ đồng. Được thành lập từ năm 2000, lại có không ít lợi thế, nhưng hoạt động của PVF trong vài năm gần đây không còn rực rỡ như trước. Quý IV/2012, PVF lỗ trước thuế hơn 177 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước còn có lãi hơn 133 tỷ đồng. Cũng trong báo cáo tài chính, lợi nhuận sau thuế năm 2012 của PVF chỉ đạt hơn 61 tỷ đồng, kém rất xa năm 2011 (đạt gần 348 tỷ đồng).
Nếu như EPS (thu nhập trên cổ phiếu) của PVF năm 2011 còn đạt 787 đồng, cũng đã khá thấp, thì EPS năm 2012 của cổ phiếu này còn thảm hại hơn khi chỉ đạt vỏn vẹn 76 đồng. Từ những số liệu tài chính được công bố của PVF cũng có thể phần nào đánh giá được hiệu quả công ty này như thế nào.
![]() |
Nếu các đơn vị thành viên của Sông Đà chỉ tập trung cho lĩnh vực xây dựng thì nhu cầu về vốn dù có, nhưng
cũng chưa chắc đã phải cần đến một công ty tài chính
Trong khi đó, do EVNFC và SDFC đều chưa lên sàn, không phải công bố thông tin nhiều như PVF, nên cũng không dễ để có thể đánh giá hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, căn cứ vào một số yếu tố cũng có thể nhìn ra những vấn đề, thách thức mà các công ty này đang gặp phải.
Như trường hợp của Tập đoàn Sông Đà - cổ đông sáng lập SDFC, giờ đây đã trở thành Tổng Công ty Sông Đà, đang gặp phải không ít thách thức trong hoạt động. "Mẹ" đã không mạnh, thì "con" khó lòng khỏe, ảnh hưởng từ "tổng" Sông Đà đến "con" SDFC là điều có thể nhìn thấy. Nếu các đơn vị thành viên của Sông Đà chỉ tập trung cho lĩnh vực xây dựng thì nhu cầu về vốn dù có, nhưng cũng chưa chắc đã phải cần đến một công ty tài chính. Vốn cho đầu tư bất động sản rõ ràng là lớn hơn nhiều so với chỉ làm xây dựng. Thời điểm hiện nay, không thích hợp cho đầu tư bất động sản, nên việc SDFC thu xếp vốn cho lĩnh vực này cũng sẽ bị giảm thiểu…
Nhìn vào kết quả kinh doanh của EVNFC hay SDFC trong năm 2010 và 2011 đều có lãi, EPS cũng ở mức trên 1.000 đồng, không phải thấp. Nhưng rất khó để nắm bắt được hoạt động của các công ty này do thông tin không nhiều.
Đến đích còn xa
Ngoài việc thu xếp vốn, đầu tư cũng là một chức năng quan trọng của các công ty tài chính. Nhưng thật khó để tìm ra được một công ty tài chính nào đầu tư có hiệu quả trong những năm gần đây. Thông thường, các tổ chức khi đầu tư đều có định hướng rõ ràng, chẳng hạn như thị trường nào, ngành nghề nào, DN ra sao. Nhưng rất khó xác định mục tiêu đầu tư của PVF, EVNFC hay SDFC là gì.
Chẳng hạn như PVF - thành viên của Tập đoàn Dầu khí (PVN), vào nửa cuối năm 2012 đã tiến hành mua vào PPC - một thành viên EVN. EVNFC - thành viên của EVN, cũng mua vào PPC, rồi mới đây bán lại cho REE. Nhìn vào những động thái này không thể biết được PVF hay EVNFC đầu tư như thế nào, ngắn hạn hay dài hạn, vào nhóm ngành nào…
Thêm nữa là hoạt động cho vay. Có lẽ nếu chỉ đọc trên báo cáo tài chính của các công ty tài chính thì sẽ rất khó xác định một cách chuẩn xác tình hình cho vay, nợ xấu, cơ cấu cho vay các ngành nghề như thế nào. Rõ ràng, lợi thế là không ít, từ tiền bạc, đến vị thế và cơ hội, nhưng các công ty tài chính chưa thể chuyển hóa thành sức mạnh của mình. Thẳng thắn mà nói thì giờ đây xác định đâu là thế mạnh của các công ty tài chính, từ thu xếp vốn đến cho vay, đầu tư là không dễ. Nếu PVF hoạt động hiệu quả, thì giờ đây cũng không phải tái cơ cấu, sáp nhập với Western Bank.
Một tập đoàn hay tổng công ty lập ra công ty tài chính thì hoạt động của công ty tài chính là để phục vụ cho "mẹ" cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng vấn đề ở đây là hiệu quả cho cả "con" lẫn "mẹ" như thế nào. Lấy ví dụ một công ty xe hơi để kích thích cầu đã lập ra một công ty tài chính, rót vốn để công ty này tài trợ cho khách hàng mua xe.
Việc đem tiền xoay vòng như vậy là có lợi cho nhiều bên. Các công ty tài chính nêu trên cũng đã thực hiện chức năng của mình, nhưng chỉ mới đi được một phần chặng đường, vì hiệu quả chưa rõ ràng. Mục tiêu trở thành định chế tài chính mạnh như ban đầu thành lập xem ra vẫn còn dang dở, và con đường đi đến đích vẫn rất xa.
-------------------------------------------------
Hướng đến minh bạch thông tin hơn nữa
Ông Hoàng Thạch Lân - Giám đốc Môi giới Công ty chứng khoán MHB
------------------------------------
Với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, họ mua vào cổ phiếu của những công ty như PVF cũng là vì thấy giá cổ phiếu tăng, và có khả năng tăng tiếp nên mua. Vấn đề tìm hiểu về hoạt động của công ty tài chính để nắm rõ là không đơn giản, vì cũng như ngân hàng, báo cáo tài chính của các công ty tài chính hiện nay chỉ mới nêu được những số liệu tổng quát, còn chi tiết thì chưa. Vì vậy, yếu tố đầu tiên trong việc tái cấu trúc là phải hướng đến minh bạch thông tin hơn nữa. Sự minh bạch này phải được các công ty chủ động.
Nếu hoạt động không theo quy luật thì việc bị đào thải là tất yếu
Ts. Nguyễn Anh Tuấn - Chuyên gia kinh tế
------------------------------------
Công ty tài chính được thành lập để phục vụ cho mục tiêu của tập đoàn, tổng công ty là điều có thể hiểu được. Việc phục vụ cần phải được chuẩn hóa, minh bạch và phù hợp với quy luật của thị trường. Nếu hoạt động không theo quy luật thì việc bị đào thải là tất yếu. Có những tập đoàn, tổng công ty có cổ phần của ngân hàng, vậy tại sao việc thu xếp vốn không để cho các ngân hàng thực hiện mà lại có thêm cả công ty tài chính? Nhiều khả năng, các công ty tài chính nếu muốn tồn tại và phát triển sẽ phải nỗ lực hoạt động theo hướng tập trung vào chuyên môn, từng nghiệp vụ một, thay vì tràn lan.
An Nhiên