Theo dự đoán của chuyên gia thực phẩm Châu Thịnh Lân, Giám đốc công ty TNHH chế biến thực phẩm Việt Ấn – Vianco, trong ngành thực phẩm Việt, quy mô các phân ngành như gia vị, nước chấm, bột nêm hiện vào khoảng 4.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2020, có thể sẽ đạt tới 19.000 tỷ đồng.
“Có cửa” cho doanh nghiệp nhỏ?
Tại Diễn đàn cấp cao của ngành sản xuất thực phẩm diễn ra ở Tp.HCM ngày 19/5, ông Châu Thịnh Lân nhận định: xu hướng tiêu dùng thực phẩm tại thị trường Việt Nam trong tương lai theo hướng xã hội công nghiệp là sẽ giảm sử dụng các sản phẩm thực phẩm theo lối truyền thống mà chuyển dần sang các sản phẩm chế biến sẵn.
Ở các thành phố lớn, những thực phẩm chế biến sẵn trong các siêu thị sẽ có xu hướng lan ra các chợ truyền thống. Ở các đô thị nhỏ cũng sẽ dần chuyển sang xu hướng này.
Cũng theo ông Lân, bánh kẹo sẽ là một trong những lĩnh vực phát triển trong những năm tới. Ở ngành thực phẩm sữa, vẫn còn nhiều cơ hội, nhất là những sản phẩm sữa có liên quan đến yếu tố sức khỏe.
Riêng những sản phẩm thực phẩm sử dụng liền, vẫn còn dư địa lớn, các doanh nghiệp (DN) nhỏ có thể nhảy vào đầu tư ở phân khúc này để không phải cạnh tranh với các DN lớn. Các DN nhỏ có thể khai thác phân khúc thị trường mới này có thể đi thẳng vào siêu thị.
Với các ngành thực phẩm thô như bột nêm, gia vị, bột ngọt, mì ăn liền… vốn đã và đang được các DN trong và ngoài nước liên tục tạo ra những sản phẩm mới. Muốn cạnh tranh được, các DN Việt phải có liên tục phát triển đa dạng để có phân khúc thị trường riêng.
Mặt khác, ông Lân cũng lưu ý rằng thách thức lớn của ngành công nghiệp thực phẩm chính là mạng lưới cung cấp nguyên liệu thực phẩm ở trong nước vẫn còn khá truyền thống, thủ công và thô sơ.
Riêng với ngành thực phẩm là đồ uống, theo Ths Lê Viết Thắng (công ty CP VianBeco), lượng tiêu thụ nước giải khát trên đầu người của Việt Nam vẫn còn quá nhỏ bé so với các quốc gia khác ở châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông…
Tuy nhiên, với kết cấu dân số trẻ và thu nhập bình quân tăng, Việt Nam luôn là một thị trường đầy tiềm năng với các nhà sản xuất nước giải khát nói chung và bia rượu nói riêng.
Ông Thắng dẫn lại nguồn số liệu từ BMI cho biết tốc độ tăng trưởng doanh thu của nước giải khát có cồn ở Việt Nam trong các năm 2016 – 2018 sẽ tăng từ 15% đến 18%, với mức doanh số đến năm 2018 sẽ vào khoảng 14 tỷ USD.
Thế nhưng, theo ông Thắng, thách thức lớn của ngành công nghiệp thực phẩm đồ uống Việt chính là công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) vẫn còn quá nhiều hạn chế.
Giới chuyên gia chỉ ra rằng đầu tư cho R&D trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống nói chung thấp hơn so với các lĩnh vực khác từ 0,3 đến 0,8% doanh thu so với 20% trong ngành thực phẩm và 10% trong ngành điện tử.
![]() |
Để tăng sức cạnh tranh, các doanh nghiệp thực phẩm Việt cần phải lắng nghe và hiểu người tiêu dùng Việt đang cần gì
Phải hiểu người tiêu dùng
So với các ngành khác, các nhà quản lý DN trong ngành thực phẩm và đồ uống ít có nền tảng kỹ thuật của ngành này mà chủ yếu là tài chính và marketing.
Trong khi đó, theo phân tích, công tác R&D trong lĩnh vực này phải mất nhiều thời gian để chứng minh được chức năng của mình. Vấn đề còn nằm ở chỗ, để xây dựng được chiến lược R&D dài hạn và để đạt được những tiến bộ kỹ thuật cho các DN Việt, cũng không phải chuyện dễ dàng.
So sánh giữa Thái Lan và Việt Nam hiện nay, giới phân tích đặt vấn đề tại sao ở Thái Lan chỉ có 65 triệu dân nhưng thị trường, công nghiệp thực phẩm của họ lại phát triển rất lớn.
Rõ ràng, với quy mô 91 triệu dân thì tiềm năng để phát triển công nghiệp thực phẩm của Việt Nam lẽ ra phải lớn hơn Thái Lan rất nhiều!
PGs Chutima Waisaravutt (Đại học Kasetsart, Thái Lan) đã chỉ ra rằng các DN thực phẩm của Việt Nam phải lắng nghe và thấu hiểu người tiêu dùng Việt đang cần gì. Người tiêu dùng hiện nay coi thực phẩm không chỉ để đưa vào dạ dày mà còn là lối sống của họ.
Theo PGs Chutima, chắc chắn điều này phải có trong tầm nhìn của các DN thực phẩm Việt Nam khi sản xuất. Ngoài ra, thực phẩm cần phải đảm bảo sạch. Sạch có nghĩa là loại bỏ những hóa chất không cần thiết khi sản xuất thực phẩm.
Trước nay, trên thị trường thực phẩm được chia làm ba phân khúc là cao cấp, vừa phải và giá rẻ. Hiện nay, giới chuyên gia nhìn nhận sẽ chỉ còn lại hai phân khúc là cao cấp và giá rẻ.
Các DN Việt cũng không thể mãi chủ quan khi hiện nay các nhà sản xuất và phân phối từ nước ngoài đã đến với người tiêu dùng Việt một cách trực tiếp hơn nhờ vào hệ thống internet.
Rõ ràng, các DN thực phẩm nội sẽ còn nhiều việc phải làm để nâng cao sức cạnh tranh. Nói như bà Đặng Thị Phương Ninh, Phó Tổng Giám đốc công ty Vissan, nhiều rào cản hiện nay buộc các DN Việt cần tập trung mạnh vào khâu R&D và đổi mạnh công nghệ, chẳng hạn như trong ngành thực phẩm thịt. Năng suất thấp cộng với nạn thịt bẩn sẽ là những thách thức lớn nếu các DN Việt muốn mang ra cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thế Vinh