Trước hết, có thể thấy tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2016 vừa qua chưa đạt được mục tiêu kế hoạch. Tăng trưởng xuất khẩu tuy cao hơn mức tăng 8,1% của cùng kỳ năm 2015 nhưng chưa đạt mục tiêu kế hoạch năm 2016 là tăng 10%.
Lý giải chuyện này, giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng thấp do giá hàng hóa xuất khẩu bình quân giảm 1,8% so với năm trước. Trong đó, nhóm hàng nhiên liệu giảm tới 20,1%; nhóm hàng nông sản thực phẩm giảm 3,8%.
Nhập khẩu lớn nguyên, nhiên liệu
Tác động do giá giảm làm giảm kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông sản, thủy sản hồi năm 2016 ước khoảng 266 triệu USD và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản là 947 triệu USD. Tính chung, hai nhóm do giá xuất khẩu giảm làm giảm kim ngạch xuất khẩu hơn 1,2 tỷ USD.
Bên cạnh đó, xuất khẩu tăng trưởng chủ yếu ở nhóm hàng do khối DN FDI sản xuất, khi nhóm này có sự biến động, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.
Ngoài ra, một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may và da giày tăng thấp. Trên thực tế, tăng trưởng xuất khẩu dệt may và giày dép năm 2016 (ước đạt lần lượt là 3,3% và 7,6%) còn khá thấp so với mức tăng trưởng xuất khẩu của các mặt hàng này trong năm 2015 (9,1% và 16,3%).
Bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan là thị trường xuất khẩu chủ yếu của các mặt hàng này như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... có tăng trưởng nhập khẩu dệt may, giày dép không cao, các mặt hàng của ta còn phải chịu sự cạnh tranh mạnh từ những nước khác như: Campuchia, Myanmar, Mexico, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia.
Một số nước như: Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Bangladesh, Indonesia đã đưa ra các chính sách hỗ trợ DN dệt may, bao gồm: giảm thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu, đặc biệt là chính sách phá giá đồng nội tệ (Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia) nhằm thu hút đơn hàng, khách hàng, gây khó khăn cho DN dệt may Việt Nam.
Một vấn đề nữa là do tình trạng hạn hán, nhiễm mặn, tác động của bão lũ... đã ảnh hưởng tới nguồn hàng nông sản, trong khi nhiều mặt hàng chạm ngưỡng về năng suất, sản lượng đã tác động đến gia tăng xuất khẩu.
![]() |
Sản phẩm trung gian trong sản xuất công nghiệp của Việt Nam còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nhập khẩu và tỷ lệ nội địa hóa thấp
Riêng trong vấn đề nhập khẩu, có thể nhận thấy rõ cơ cấu nhập khẩu nhóm hàng nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất và tiêu dùng trong nước tiếp tục cao. Tỷ lệ nhập khẩu lớn về nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất thể hiện tính gia công trong ngành còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp nước ngoài, khiến cho nền kinh tế gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Nhập khẩu máy móc thiết bị và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất vẫn tiếp tục cao tại các thị trường có công nghệ và chất lượng hàng hóa ở mức trung bình như Trung Quốc, Đài Loan, gây khó khăn cho Việt Nam trong nâng cao giá trị gia tăng về sản xuất và toàn chuỗi cung ứng.
Chậm và chưa bền vững
Vấn đề ở đây là nhập khẩu và xuất khẩu của khối DN FDI tăng cao hơn so với nhập khẩu và xuất khẩu của khối DN trong nước. Cụ thể, theo Bộ Công Thương, nhập khẩu của khối DN FDI tăng 5,1%, của khối trong nước tăng 4%. Xuất khẩu của khối DN FDI tăng 11,8% (không kể dầu thô), khối trong nước tăng 4,8%. Điều này cho thấy sản xuất của các DN trong nước vẫn còn nhiều khó khăn.
Sản xuất công nghiệp dù có mức tăng trưởng khá nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức tăng 9,8% của năm 2015 và 7,6% của năm 2014 do ngành khai khoáng giảm sút mạnh (giảm 5,9%). Nguyên nhân là do giá dầu thô giảm dẫn đến sản lượng dầu thô khai thác giảm mạnh so với cùng kỳ (giảm 9,9%, trong khi đó cùng kỳ năm 2015 tăng 7,8%).
Một nguyên nhân khác là do cầu tiêu dùng trong và ngoài nước tăng trưởng chậm (chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng giảm 4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2015) kết hợp với giá hàng hóa xuất khẩu ở mức thấp đã không khuyến khích sản xuất.
Như nhận định của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất sản phẩm trung gian thấp hơn so với chỉ số sản xuất sản phẩm phục vụ sử dụng cuối cùng cho thấy, sản phẩm trung gian trong sản xuất công nghiệp của nước ta còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nhập khẩu và tỷ lệ nội địa hóa thấp.
Qua đây cũng cho thấy rõ hơn ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp: dệt may, da giày, sản xuất ôtô, tivi và máy vi tính... Chẳng hạn, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi: mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, song đến nay mới đạt bình quân khoảng 7 – 10%.
Bộ Công Thương lưu ý rằng tăng trưởng sản xuất công nghiệp tiếp tục theo chiều rộng khi các chỉ số tăng trưởng chủ yếu từ tăng số doanh nghiệp, tăng vốn đầu tư và lao động. Trong khi đó, năng suất lao động, giá trị gia tăng vẫn còn thấp, dẫn tới năng lực cạnh tranh công nghiệp chỉ ở mức thấp so với thế giới.
Theo báo cáo năm 2016 của UNIDO, chỉ số thực thi về năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam đứng thứ 50 trên thế giới.
Giới chuyên gia cho rằng chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp mặc dù đã đúng hướng nhưng chậm và chưa bền vững. Sản xuất công nghiệp vẫn chưa tham gia được nhiều vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là trong các ngành sản xuất cho xuất khẩu như dệt may, da giày...
Việt Nam cơ bản mới chỉ có thể tham gia vào khâu gia công với giá trị gia tăng thấp, trong khi vẫn tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, do đó không ổn định được nguồn cung lẫn nguồn cầu.
Chưa kể, quy hoạch phát triển ngành vẫn còn một số bất cập, chưa đảm bảo được hiệu quả trong thực thi. Hơn nữa, việc phát triển công nghiệp ở nhiều ngành chưa bền vững, vấn đề sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng còn hạn chế, một số dự án sản xuất lớn bị thua lỗ, chưa được giải quyết dứt điểm.
Thế Vinh