Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành KH&ĐT, báo cáo về năm 2020 và tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương khẳng định: “Kết quả vượt cả sự mong đợi”.
Một tuần có 2.100 DN được thành lập mới
Ông Phương cho biết: Năm vừa qua, Bộ KH&ĐT liên tục dự báo, đánh giá tác động của đại dịch, liên tục điều chỉnh các kịch bản để công tác điều hành của Chính phủ và chính sách sát với diễn biến và tình hình. Kết quả thể hiện ở nền kinh tế đã phục hồi và được thế giới đánh giá là nhanh hơn dự báo. Các cân đối vĩ mô được đảm bảo. Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong và ngoài nước nhiều biến động nhưng các mục tiêu kế hoạch của đất nước đã đạt được kết quả tốt.
Số lượng DN thành lập mới tăng mạnh trong tuần đầu tiên của năm mới 2021. |
Dịch COVID-19 bùng lên, khi phải thực hiện giãn cách xã hội và chuỗi cung toàn cầu đứt gãy thì không ít sự lo lắng cho những nỗ lực và kết quả đạt được từ 4 năm trước bị năm 2020 kéo lùi, đe dọa không hoàn thành được kế hoạch 5 năm 2016-2020.
"Từng mỗi người dân đều cảm nhận được mức độ khó khăn chưa từng có của nền kinh tế và của đất nước, và cũng đều cảm nhận được giá trị của những kết quả mà năm 2020 đã đạt được, giá trị của sự nỗ lực quyết tâm, giá trị của công tác điều hành đúng, trúng, khẩn trương và bám sát của Chính phủ và các bộ ngành", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Đặc biệt, với việc nhiều đạo luật như Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật PPP có hiệu lực ngày 1/1/2021 được kỳ vọng sẽ tạo ra thêm bước đột phá trong phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Minh chứng cho tác động của Luật mới, ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) thông tin, với Luật Doanh nghiệp (DN) có hiệu lực từ 1/1/2021, Bộ đã trình và ngày 4/1/2021 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 01 năm 2021 về đăng ký DN với nhiều điểm đổi mới.
“Việc Chính phủ ban hành Nghị định đầu tiên của năm mới - một nghị định về đăng ký DN - ngay trong ngày làm việc đầu tiên (4/1) đã mở ra những hy vọng khởi sắc cho hoạt động phát triển DN. Kết quả là trong tuần làm việc đầu tiên, cả nước đã có 18.000 hồ sơ đăng ký DN được xử lý, với 2.100 DN thành lập, tăng 46% so với năm 2019 và tăng 55% so với cùng thời điểm bắt đầu thi hành Luật DN năm 2015”, ông Tuấn cho biết.
Sau khi triển khai những cải cách này của Luật DN sửa đổi, quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam giảm từ 8 thủ tục với 16 ngày xuống chỉ còn 3 thủ tục với 6 ngày, giúp tạo nên bước tiến lớn trong khởi sự kinh doanh.
Ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ (KH&ĐT), đánh giá Luật Đầu tư năm 2020 được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 ngày 17/6/2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021 đã sửa đổi, bổ sung các quy định về đầu tư ra nước ngoài nhằm hoàn thiện khung pháp lý minh bạch, thống nhất, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động này phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam theo từng thời kỳ.
Thay đổi tư duy quản lý
Đồng thời, Luật Đầu tư (sửa đổi) đã hoàn thiện các công cụ cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư, bảo đảm an ninh, quốc phòng; góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế và xử lý các trường hợp đầu tư chui, đầu tư núp bóng; quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn nhà nước, các dự án có quy mô vốn lớn, sử dụng nhiều ngoại tệ…
Với Luật PPP, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho biết, lần đầu tiên tích hợp khâu lựa chọn nhà đầu tư (thống nhất, xâu chuỗi một quy trình thực hiện dự án PPP tổng thể tại một văn bản quy phạm pháp luật), tạo thuận lợi trong thực thi.
Đặc biệt, Luật PPP tuyên bố rõ cam kết từ phía Nhà nước đối với khu vực tư nhân thông qua các cơ chế ưu đãi, bảo đảm đầu tư như bảo đảm cân đối ngoại tệ, cơ chế chia sẻ phần tăng giảm, doanh thu. Trong đó, Luật quy định cơ chế chia sẻ với tỷ lệ công bằng 50%-50% cho hai bên và trên cơ sở kiểm soát định kỳ doanh thu hàng năm.
"Việc thực hiện lựa chọn dự án PPP cần phải thay đổi tư duy từ cơ chế “xin - cho” sang cơ chế “phục vụ”. Lựa chọn được dự án PPP tốt sẽ giúp thu hút được nhà đầu tư, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài", ông Trương đánh giá.
Trong bối cảnh phát triển mới, đặc biệt là bối cảnh “hậu Covid-19”, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được ký kết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự dịch chuyển của dòng thương mại và đầu tư quốc tế, thời kỳ dân số vàng…, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng nhất thiết phải hành động ngay, mạnh mẽ và quyết liệt để không bỏ lỡ các cơ hội, dù là nhỏ nhất.
Theo đó, trong năm 2021 và những năm tới, ngành KH&ĐT cần một tư duy mới, cách tiếp cận mới, nhanh chóng theo hướng tích cực, theo kịp xu thế thời đại. Phải thay đổi tư duy quản lý từ chủ yếu là kiểm soát, cho phép (tiền kiểm) sang chủ yếu phục vụ thúc đẩy phát triển (hậu kiểm); có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
"Qua đại dịch COVID-19 đã cho chúng ta bài học sâu sắc, cần nhận thấy rằng đây vừa là khó khăn nhưng cũng mang đến cơ hội cho Việt Nam nắm lấy để bứt phá và trỗi dậy khi các cấu trúc kinh tế (sản xuất, thương mại, đầu tư…) và trật tự thế giới sẽ có sự điều chỉnh và thay đổi sâu sắc", ông nhấn mạnh.
Lê Thúy