Thông tin đưa ra từ cuộc họp mới đây của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết ngành điều sẽ chủ động giảm sản lượng XK trong năm nay, mà theo tính toán, đồng nghĩa với việc kim ngạch XK từ 3,62 tỷ USD năm 2017 sẽ giảm còn 3 tỷ USD.
Tín hiệu tích cực
Vừa giảm sản lượng vừa giảm kim ngạch hẳn sẽ làm những ai quan tâm đến các con số về thành tích XK hạt điều nói riêng và XK nông sản nói chung có cảm giác hụt hẫng.
Tuy nhiên, nếu hiểu rõ lợi nhuận mang lại cho DN không cao, xuất nhiều mà giá trị gia tăng từ sản phẩm nông sản lại cực thấp, thậm chí còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu thì mới thấy việc “giảm lượng, tăng chất” là điều cần làm ngay với nhiều loại nông sản vốn dĩ có quá nhiều thành tích về XK chạy theo số lượng.
Ngay như lĩnh vực XK gạo hiện nay cũng cần ghi nhận những chuyển dịch tích cực từ phía DN trong cơ cấu sản phẩm XK. Đó là DN quyết tâm giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp. Đồng thời, có những DN đang tập trung tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, các loại gạo chất lượng cao, giá trị cao (gạo nếp, japonica, gạo lứt), phù hợp với định hướng phát triển thị trường XK.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết doanh số của DN này trong năm 2017 vừa qua đã vượt 54% (đạt 1.400 tỷ đồng), riêng kim ngạch XK gạo đạt 51 triệu USD nhờ tập trung vào khâu chế biến, XK gạo chất lượng cao.
Theo ông Bình, tín hiệu về thị trường XK gạo trong năm 2018 vẫn đang trên đà tăng trưởng rất tích cực, nhu cầu nhập khẩu và sử dụng gạo trên thế giới đang rất lớn và sẽ tăng. V iệc XK gạo của Việt Nam cũng đã thay đổi rất nhiều, đặc biệt là về chất lượng nên đã đáp ứng các khách hàng khó tính trên thế giới. Đây chính là tín hiệu cho XK gạo Việt tăng trưởng tốt về “chất” trong năm 2017 vừa qua, kể cả về số lượng và về kim ngạch.
Có thể thấy sự chuyển biến từ ngành hàng lúa gạo hay sự chủ động giảm sản lượng XK, tăng giá trị trong ngành điều hiện nay là vấn đề mà các DN trong những ngành hàng nông sản khác cần tham khảo để có chiến lược phù hợp nhằm tập trung vào khâu chế biến, gia tăng giá trị sản phẩm XK.
“Giảm lượng, tăng chất” là điều cần làm ngay với nhiều ngành hàng nông sản XK
Không chạy theo thành tích
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Phát triển Giá trị cốt lõi Việt Nam (IRCV), cho rằng các DN XK nông sản nên có sự điều chỉnh về mặt tư duy khi vẫn còn cố chạy theo số lượng. Nhất là khi không xuất sang được các thị trường cao cấp (vốn mang lại giá trị gia tăng cao cho nông sản) thì họ lại tập trung chuyển sang thị trường cấp thấp (đồng nghĩa với giá trị gia tăng thấp).
“Mục tiêu của chúng ta cần làm là hướng tới XK nông sản bền vững. Điều đó đòi hỏi phải tái cấu trúc các ngành hàng nông sản. Như ngành điều, nếu muốn giảm sản lượng XK để tăng giá trị hạt điều Việt thì phải tập trung vào những sản phẩm chế biến từ hạt điều có giá trị dinh dưỡng cao để xuất vào những thị trường bậc trung và bậc cao”, ông Dũng nhấn mạnh.
Được biết, một trong những vấn đề của ngành điều hiện nay là còn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ châu Phi. Đặc biệt khi giá điều thô nhập về từ châu Phi tăng không ngừng, từ 10 – 15% năm 2017 nay tăng lên 30 – 40% đang “ăn mòn” lợi nhuận của DN nên xuất nhiều nhưng thu lợi chẳng được bao nhiêu.
Theo chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng, không phải chỉ chủ động giảm sản lượng XK mà không quan tâm những vấn đề khác. Nếu đã chú trọng chất lượng, mỗi mặt hàng trong ngành điều tuy không chạy theo số lượng thì cần cố gắng nâng cấp lên một bậc cao hơn để vừa giữ vững thị trường vừa mang lại giá trị XK cao hơn.
Đây cũng là hướng đi chung cho XK những ngành hàng nông sản khác. Để làm được điều này phải có chiến lược đúng về nguồn nguyên liệu. Những vùng nguyên liệu trước đây giúp cho việc XK vào những thị trường trung, cao cấp được ổn định nên tiếp tục đầu tư chiều sâu từ các khâu giống, chăm sóc, chế biến, đóng gói…
Ngay trong việc nhập khẩu nguyên liệu để chế biến, chẳng hạn như ngành điều, trong thời gian tới cũng cần có sự sàng lọc. Giới chuyên gia khuyến nghị ngay từ đầu vào, các DN cần đưa ra những tiêu chuẩn nghiêm ngặt, yêu cầu cao hơn về mặt nguyên liệu. Đương nhiên, việc này dẫn đến những đòi hỏi tăng giá nguyên liệu, nên các DN cần có những thương lượng với phía đối tác từ châu Phi ở mức giá không quá cao nếu muốn làm ăn lâu dài.
Một câu hỏi đặt ra là khi hướng đến mục tiêu giảm sản lượng XK thì liệu có tác động đến doanh thu của các DN ngành hàng nông sản?
Chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng nhấn mạnh khi đã nghĩ đến chuyện sàng lọc, chất lượng nông sản cao, số lượng của thành phẩm dù có ít đi thì giá trị vẫn sẽ cao. Chẳng hạn, nếu trước đây DN xuất 10.000 tấn nông sản giá rẻ/năm, nay chỉ cần 8.000 tấn/năm nhưng là loại nông sản cao cấp thì lợi nhuận mang lại cho DN chắc chắn sẽ cao hơn.
Điều quan trọng là các DN không chạy theo thành tích mà cần dựa vào năng lực của chính mình để vừa tăng chất lượng vừa tăng số lượng theo yêu cầu từ thị trường XK. Điều này cần một lộ trình từ phía DN trong một nỗ lực nhằm giảm những chi phí không cần thiết. Về phía Nhà nước cũng cần có nhiều hỗ trợ trong việc “giảm lượng, tăng chất” mang tính căn cơ cho ngành nông sản.
Thế Vinh