Tại Tp.HCM, số liệu cập nhật mới đây của ngành hải quan về nhập khẩu (NK) ô tô trong tháng 2/2023 cho thấy tổng cộng có 6.958 chiếc, kim ngạch 137,6 triệu USD, giảm 7,7% về lượng, giảm 20,3% về trị giá so với tháng trước đó. Việc sụt giảm này cũng làm cho số thuế phải thu nộp ngân sách Nhà nước giảm đến 39,8% (giảm tuyệt đối 1.429,2 tỷ đồng) so với tháng trước.
Giảm phí có lợi cho ai?
Giới chuyên gia nhận định tình hình sụt giảm NK ô tô nguyên chiếc ở Tp.HCM có thể sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, khi mà sức mua ô tô trên thị trường đang chậm lại, ô tô tồn kho tăng nên các doanh nghiệp (DN) giảm NK ô tô mới.
Kiến nghị giảm 50% phí trước bạ dành cho ô tô NK được cho là chỉ có lợi cho những DN trực tiếp NK ô tô, còn thực tế không có lợi cho nhóm cộng đồng hưởng thụ. |
Thị trường ô tô ảm đạm cũng được dự đoán từ trước vì nhu cầu co kéo, dòng tiền tích lũy của người dân cạn dần và đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của lãi suất vay. Ưu tiên của người dân đang dành cho những thứ thiết thực hơn là sản phẩm mang tính trải nghiệm, thụ hưởng như ôtô.
Áp lực giải phóng hàng tồn kho, quay vòng nguồn tiền cũng đang đè nặng lên các đại lý và DN nhập khẩu ô tô. Để cứu một phần doanh số mất đi, các hãng và đại lý đang đua nhau giảm giá, khuyến mãi từ hàng chục tới hàng trăm triệu đồng, với nhiều hình thức.
Trong khi đó, đang có những ý kiến trái chiều quanh việc Hiệp hội các nhà nhập khẩu ô tô Việt Nam (Viva) gồm 12 DN thành viên (Audi, Bentley, Ferrari, Jaguar & Land Rover, Maserati, Morgan & Brabus, Porsche, Subaru, Volkswagen, Volvo) vừa gửi kiến nghị đến Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để xin giảm 50% lệ phí trước bạ cho các dòng xe ô tô NK, cần có giải pháp hỗ trợ công bằng giữa hai loại xe nhập và lắp ráp trong nước.
Một số ý kiến bày tỏ ủng hộ kiến nghị này vừa nhằm có lợi cho người tiêu dùng dễ chọn sản phẩm tốt hơn, được mua xe giảm giá, và vừa tạo ra sự công bằng giữa ô tô nhập khẩu với ô tô lắp ráp trong nước. Nhất là ô tô sản xuất trong nước đã hai lần được giảm 50% lệ phí trong ba năm gần đây, còn xe nhập khẩu không được hưởng chính sách này.
Tuy nhiên, trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng lưu ý kiến nghị giảm 50% phí trước bạ dành cho ô tô NK chỉ có lợi cho những DN trực tiếp NK ô tô, còn thực tế không có lợi cho nhóm cộng đồng hưởng thụ.
Theo ông Dũng, nếu đồng ý giảm phí trước bạ cho ô tô nhập sẽ tạo ra sự bất công khi mà ngành công nghiệp ô tô nội địa vẫn đang phát triển trong giai đoạn rất mới và cần có sự hỗ trợ tốt hơn.
Tránh bất công cho xe lắp ráp trong nước
Ông Dũng cho rằng, nếu giảm phí trước bạ cho xe ô tô NK sẽ bất công cho xe lắp ráp trong nước đang tạo công ăn việc làm cho nhiều người, góp phần thúc đẩy nhiều công ty cung ứng nội địa. Còn nếu các DN NK ô tô muốn thúc đẩy doanh số trong giai đoạn đầu ra khó khăn thì tốt nhất là nên giảm giá thay vì cầu cứu giảm phí.
Phản bác kiến nghị của Viva, nhiều ý kiến chỉ rõ việc đề xuất giảm 50% phí trước chỉ có lợi cho hãng xe và đại lý. Thực ra, nếu không có chính sách giảm phí trước bạ từ Nhà nước thì các hãng xe, đại lý của ô tô NK cũng sẽ phải tiếp tục duy trì ưu đãi loại phí này cho người mua thì mới bán được hàng.
Còn một khi có được chính sách ưu đãi 50% lệ phí trước bạ dành cho ô tô nhập thì sẽ phần nào tháo gỡ áp lực phải hỗ trợ khách hàng của các hãng xe cũng như đại lý ô tô nhập. Nhờ đó, các hãng xe cũng như đại lý giảm bớt được chi phí khuyến mãi.
Trên thực tế, lệ phí trước bạ do người mua đóng cho cơ quan thuế, tuy nhiên do sức tiêu thụ ế ẩm nên các hãng cũng như đại lý ô tô nhập lâu nay đã chi khoản này thay cho khách hàng.
Không những vậy, trong kiến nghị của Viva có nhắc đến việc các DN ngành xe đang phải gồng mình đối phó với lượng hàng tồn kho cao do sức mua trên thị trường giảm đột ngột, chưa kể hoạt động đăng kiểm 2 tháng gần đây khó khăn khiến lượng tồn kho càng tăng lên, gây áp lực tài chính lớn với các DN.
Chính vì vậy, cũng dễ hiểu cho kiến nghị của Viva giữa khó khăn mà họ nêu ra. Nhất là khi nhìn vào chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất/lắp ráp trong nước của Chính phủ hồi năm rồi đã mang lại kết quả vượt bậc với doanh số của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (Vama) chỉ trong vòng nửa năm đã tăng đến 42% so với năm 2021 nhờ ưu đãi.
Thế nhưng, như chia sẻ của một khách hàng là anh Lê Văn Mạnh (trú quận Bình Tân, Tp.HCM), xe mới năm 2023 các hãng chưa nhập về đã tăng giá bán, không rõ DN nhập khẩu ô tô phải gồng mình như thế nào, còn thực tế các đại lý bán đội giá hãng phân phối hàng trăm triệu đồng là điều không ổn, trong khi giá đề xuất bán lẻ là đã có hoa hồng rồi.
Theo anh Mạnh, việc các DN đề nghị giảm phí trước bạ xe nhập tưởng chừng người dân được hưởng lợi, khuyến khích người mua xe, trong khi lâu nay các đại lý xe nhập thường đưa ra chiêu trò bán xe kiểu “bia kèm lạc”, dẫn đến người tiêu dùng luôn chịu thiệt.
Còn đứng ở góc nhìn của mình, chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng nhấn mạnh thay vì giảm thì nên tăng phí trước bạ với ô tô NK để lấy phần thu đó tạo ra gói hỗ trợ cho các DN nội địa.
“Nhất là nên hỗ trợ các DN sản xuất ô tô nguyên chiếc, các DN sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô ở trong nước để họ có cơ hội phát triển nhiều hơn, vừa có sản phẩm lâu dài vừa tạo công ăn việc làm, để ngành công nghiệp sản ô tô Việt phát triển tương xứng hơn”, ông Dũng chia sẻ.
Thế Vinh