Xoay quanh dự luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, định hướng là hỗ trợ nhiều hơn cho DN có quy mô nhỏ hơn. Bên cạnh những hỗ trợ chung, dự luật đã có một số quy định hỗ trợ cho DN siêu nhỏ, DN nhỏ. Riêng các hỗ trợ cụ thể về thuế sẽ trình Quốc hội khi sửa đổi các luật thuế và dự kiến DN siêu nhỏ, DN nhỏ được áp dụng mức hỗ trợ thuế cao hơn.
Cần được tiếp sức
Các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ quan điểm rằng cần sớm phải thông qua luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV), để hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển. Chính vì thế, khi các đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua, đã có tỷ lệ 410/442 phiếu tán thành, chiếm tỷ lệ 83,50%.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, Ts Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, cho rằng Luật Hỗ trợ DNNVV gắn với việc phát huy vai trò của loại hình DN nhỏ trong tham gia vào chuỗi giá trị trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) và đặc biệt gắn với vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Những chính sách lớn được ghi trong luật này, theo Ts Trần Du Lịch, tập trung vào những vấn đề mà DN nhỏ cần phải được tiếp sức. “Trước đó, có ý kiến cho rằng luật này nêu quá nhiều vấn đề nguyên tắc mà chưa đi vào cụ thể, tôi nghĩ rằng với từng lĩnh vực đất đai, đào tạo, thuế, hỗ trợ công nghệ, Chính phủ sẽ có quy định chi tiết phù hợp để giúp cho DN nhỏ”.
Giới chuyên gia nhận định rằng sau khi Luật Hỗ trợ DNNVV đã được Quốc hội chính thức thông qua, có thể sẽ bắt đầu được áp dụng từ tháng 1/2018 vì cần phải có thời gian để chuẩn bị các nghị định cho luật này.
Được biết, trước đó đã có những ý kiến cho rằng các nội dung hỗ trợ DNNVV chưa phù hợp với nguyên tắc thị trường, có thể dẫn đến tình trạng bao cấp. Về việc này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh sửa các nội dung hỗ trợ để đảm bảo các yêu cầu trên.
Đơn cử như về tiếp cận tín dụng. Luật đã bỏ các quy định mang tính áp đặt, can thiệp trực tiếp đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, không phù hợp nguyên tắc thị trường. Cụ thể, bỏ quy định về cung cấp khoản vay với lãi suất và thời hạn vay vốn phù hợp với khả năng thanh toán của DNNVV và tình hình tài chính của ngân hàng.
Hoặc như về hỗ trợ mặt bằng lãi suất, luật này đã bỏ quy định về hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với DN, nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu, chỉnh sửa nội dung của Chương trình hỗ trợ trọng tâm DNNVV trước đây theo hướng chỉ rõ đối tượng và các nội dung hỗ trợ cho các DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị và thể hiện quy định rõ mục tiêu, đối tượng, điều kiện và nguyên tắc nội dung hỗ trợ theo mục tiêu.
![]() |
Luật Hỗ trợ DNN VV gắn với việc phát huy vai trò của loại hình DN nhỏ trong tham gia vào chuỗi giá trị
Không chỉ nhờ luật
Trên cơ sở này, các nội dung hỗ trợ cụ thể sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết theo mục tiêu nhằm tạo sự linh hoạt và thuận lợi trong việc xây dựng, triển khai thực hiện, phù hợp với thực tiễn hỗ trợ DNNVV và khả năng nguồn lực của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ.
Nói như luật sư Phan Thông Anh, Giám đốc công ty Luật Hợp danh Việt Nam, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nội dung của luật này mang tính khung chính sách và để triển khai thực hiện sẽ cần tiếp tục quy định cụ thể hoá trong văn bản hướng dẫn thi hành.
Cũng theo luật sư Phan Thông Anh, Luật Hỗ trợ DNNVV được xây dựng để hỗ trợ DNNVV theo hướng những nội dung hỗ trợ DN mà các luật khác đã quy định thì luật này chỉ quy định nguyên tắc chung hoặc dẫn chiếu để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Trong khi đó, ở một góc nhìn mang tính phản biện, Ts Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu của Đại học Fulbright cho biết, nếu nhìn vào cả hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay, có vô số khuôn khổ chính sách đang có đối tượng điều chỉnh là DNNVV. Thế thì tại sao không sử dụng ngay các khuôn khổ hiện có, bởi thực tế ngay trên những khuôn khổ này chúng ta vẫn dùng chưa hết?
Ts Vũ Thành Tự Anh dẫn lại khảo sát công bố hồi đầu năm nay của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy tỷ lệ các DNNVV tận dụng được các khuôn khổ hỗ trợ hiện nay chỉ được khoảng 1/5. Điều đó có nghĩa là 80% DNNVV không dùng gì đến các chính sách hỗ trợ. Vậy, khi có thêm luật mới thì có đảm bảo khả năng tiếp cận hỗ trợ của DNNVV?
Nếu chúng ta muốn thực sự hỗ trợ DNNVV, điều mà các cơ quan quản lý và một bộ phận cán bộ công chức cần phải làm ngay bây giờ là hãy tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và giảm chi phí kinh doanh cho DNNVV.
Khi được tạo điều kiện thuận lợi thì DNNVV sẽ tự động phát triển mà không hẳn phải dựa vào Luật Hỗ trợ DNNVV.
Thế Vinh