Theo thống kê của Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp – Bộ Công Thương, cả nước có 14.800 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm cơ khí, nhưng chỉ có gần 100 doanh nghiệp có quy mô vốn hơn 500 tỷ đồng. Với quy mô nhỏ, quản trị kém, công nghệ thấp, khả năng liên kết yếu và khó tiếp cận nguồn vốn…, sức cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp trong nước không cao.
DN “đói” sự quan tâm
Ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam – VAMI, cho biết: “Kể từ năm 2000 đến nay, ngành cơ khí Việt Nam đã có những bước thích ứng với cơ chế thị trường, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng tốt, phục vụ xây dựng và phát triển công nghiệp”.
Tuy nhiên, sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước cho ngành cơ khí thấp hơn nhiều so với những ngành kinh tế công nghiệp khác như ngành điện, giao thông, viễn thông…Do vậy, ngành chỉ dừng lại ở gia công, chưa tự chế tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh quốc tế và bị thua ngay trên sân nhà.
Hàng năm, Việt Nam nhập siêu nhiều tỷ USD trang thiết bị, vật tư cho ngành công nghiệp và chế tạo cơ khí, luyện kim… Lợi nhuận rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài và không có lợi nhuận để tích luỹ phát triển.
Thực tế, so với ngành công nghiệp trong nước, những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thị trường cho ngành cơ khí là quá ít. Ông Long so sánh: “Chúng ta có thể đưa ra 30.000 tỷ đồng để vực dậy ngành bất động sản trong khi cơ khí chưa được 30 tỷ đồng để phát triển, mặc dù ngành được coi là một trong những ngành xương sống của đất nước. Chúng ta có quyết định 1791 của Chính phủ về khuyến khích chế tạo các nhà máy nhiệt điện, tuy nhiên lại thực hiện nửa vời và các doanh nghiệp cơ khí không được hưởng thụ”.
“Đói” vốn là một trong những nguyên nhân khiến các DN cơ khí phải đối mặt với “cái chết”. Đa phần các nhà máy sản xuất cơ khí có dây chuyền công nghệ lạc hậu, kém đồng bộ, sản phẩm làm ra không có sức cạnh tranh trên thị trường._
Theo vị Phó Chủ tịch VAMI, hiện tại có quá nhiều DN cơ khí gặp thời cơ vận hội, vay hàng nghìn tỷ đồng từ Nhà nước để làm ăn nhưng lại thất bại thảm hại.Tình trạng đầu tư tràn lan, không nghiên cứu sâu dẫn đến nhều doanh nghiệp cơ khí phá sản, nợ xấu tăng, đổ gánh nặng lên đầu nhân dân.
“Nếu cứ để ngành cơ khí luyện kim như hiện nay thì không được. Tôi lấy ví dụ như nhà máy gang thép Thái Nguyên đang chờ thêm 4.000 tỷ đồng nữa thì phải có chủ trương cụ thể. Chính sách nhà nước với cơ khí nhập nguyên vật liệu rất lớn, nhiều ưu đãi nhưng phải biết là ưu đãi cho doanh nghiệp nào, ưu đãi như thế nào chứ không được tràn lan…”, ông Long nhấn mạnh.
![]() |
Ngành cơ khí bị “ngược đãi” trên “sân nhà”
“Ưu đãi như thế sẽ giết chúng tôi”
Đó là nhận định của hầu hết các đại biểu tham dự Hội thảo. So sánh DN cơ khí trong nước với DN nước ngoài tại Việt Nam, hầu hết các diễn giả cho rằng DN nội phải chịu quá nhiều bất lợi, thua thiệt so với các DN FDI.
Bức xúc về sự cạnh trạnh không bình đẳng giữa DN nội và DN ngoại, lãnh đạo các DN cơ khí đã chỉ ra một số bất cập; đó là trong khi DN nội phải đóng thuế đất thì các DN ngoại được hưởng nhiều ưu đãi, được miễn thuế đất trong 4 năm đầu, từ năm thứ 5 đến năm thứ 9 giảm 50% thuế đất và rất nhiều ưu đãi khác.
Thậm chí có ý kiến cho rằng ưu đãi thuế như thế là giết DN nội. Tại sao không tạo nhiều ưu đãi phát triển DN nội mà chỉ chú trọng thu hút DN nước ngoài đầu tư, một nền kinh tế phụ thuộc quá vào DN nước ngoài, liệu phát triển có bền vững? Đây là điều khiến nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này lo ngại.
Câu chuyện ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất thép tại Vũng Áng (Hà Tĩnh) là Formosa đang gây bức xúc trong dư luận. Formosa không phải nộp tiền thuê đất hoặc tiền sử dụng đất, được ưu đãi miễn thuế nhập khẩu trong 5 năm, được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% áp dụng trong 15 năm, kể từ khi dự án bắt đầu hoạt động kinh doanh; Được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 04 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo.
Sự nuông chiều dành cho DN ngoại đã khiến ngành cơ khí trong nước không thể lớn. Ông Long khuyến cáo: “Muốn trở thành “Trung tâm chế tạo” của thế giới thì Việt Nam phải tháo gỡ các chính sách, làm sao để vừa thu hút đầu tư nhưng kéo lại sự bình đẳng cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước”.
Về vấn đề này, Hiệp hội cơ khí đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và trong cuộc gặp với Thủ tướng ngày 29/4, đại diện VAMI sẽ nêu 9 vấn đề ngành cơ khí gửi Thủ tướng để tìm giải pháp tăng tính cạnh tranh, đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia Hiệp định TPP.
Hiệp hội cơ khí đề nghị Quốc hội, Chính phủ xét, sửa đổi thuế đất hoặc miễn giảm thuế đất trong một thời hạn nhất định đối với DN sản xuất trong nước nói chung và DN cơ khí nói riêng.
VAMI kiến nghị Chính phủ có chính sách miễn trừ thuế thu nhập DN đối với các đơn hàng cơ khí xuất khẩu, điều này các nước đã làm từ lâu. Đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét áp dụng chính sách ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đối với toàn ngành cơ khí.
Thanh Hoa
Ông Trần Ngọc Hà - Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) Đầu tư cho sản xuất cơ khí đáp ứng được các yêu cầu về công nghệ cao, thị trường… cần nguồn vốn đầu tư rất lớn và hiệu quả đầu tư không cao so với các ngành khác. Vì thế, các DN cũng rất cần có sự hỗ trợ mạnh và cụ thể của Nhà nước để sớm được tiếp cận các công nghệ mới, tập trung đầu tư một cách đồng bộ các thiết bị hiện đại. Ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) Hiện nay, DN cơ khí Việt Nam không thua kém mà còn hơn các doanh nghiệp Trung Quốc. Nhiều DN nhập cả công nghệ chế tạo đời đầu của các nước EU, Mỹ với giá đắt đỏ để cạnh tranh. Trong khi đó, nhiều công trình lớn đều dành cho tổng thầu nước ngoài, đặc biệt là tổng thầu Trung Quốc, các tổng thầu này không chỉ đem máy móc cũ, lạc hậu mà còn đem công nhân hàn xì, đục đá, đào đất sang Việt Nam. Như vậy, ngành cơ khí nói riêng và rộng hơn là DN Việt Nam bị gạt ra, mất đi miếng cơm, manh áo, công việc. Thạc sỹ Lê Văn Khương - Chủ tịch Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) Nhà nước vẫn phải đưa ra cơ chế chính sách, cụ thể như thuế, phí; có chính sách khuyến khích tiêu dùng, tạo thị trường đầu ra cho doanh nghiệp, đồng thời đưa ra các chính sách khuyến khích sử dụng những vật liệu trong nước, tăng thuế nhập khẩu ở mức cao đối với vật liệu xây dựng nhập khẩu. |