Đó là thông tin mà Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021.
Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, tập đoàn, các địa phương tham gia nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19. |
Theo đại diện Bộ Y tế, để có nguồn vắc xin nhanh nhất cho Việt Nam, Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, tập đoàn, các địa phương tham gia nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19.
Về việc kiểm soát chất lượng, vắc xin hiện nay được nhập khẩu trong tình trạng khẩn cấp với chất lượng được nhà sản xuất đảm bảo. Tuy nhiên, do vắc xin được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp nên có một số đặc thù: Chất lượng vắc xin được nhà sản xuất đảm bảo nhưng phản ứng và hiệu quả còn cần được tiếp tục theo dõi.
Thêm vào đó, có những loại vắc xin được bảo quản trong điều kiện rất ngặt nghèo, ví dụ như có loại vắc xin bảo quản ở nhiệt độ âm 75 độ. Đặc biệt, do được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp nên vắc xin khi về Việt Nam có một số nội dung chưa kiểm định được.
Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng vắc xin không thực hiện theo những tiêu chí thông thường mà phải chấp nhận những vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp chứng nhận hoặc do một số nước châu Âu, Mỹ, Nga chứng nhận.
"Trong trường hợp này, phương pháp là chúng ta phải trực tiếp mua của nhà sản xuất, không qua trung gian vì khi vận chuyển vắc xin về, chúng ta không kiểm soát được quá trình bảo quản vắc xin có bảo đảm không hoặc nhà sản xuất phải ủy quyền chính thức cho công ty nào và chúng ta được kiểm tra việc ủy quyền đó, nhưng khi mua vẫn phải mua trực tiếp của nhà sản xuất", ông Cường chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết thêm, theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ nhập khẩu 150 triệu liều vắc xin để tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên. Về cơ bản, đến nay, Việt Nam đã tiếp cận được đủ số lượng vắc xin này. Tuy nhiên, khi nhập khẩu, Việt Nam phải ký cam kết với nhà sản xuất vì họ yêu cầu chúng ta phải ký thỏa thuận trong miễn trách nhiệm khi sử dụng vắc xin trong trường hợp có sự cố xảy ra. Thêm vào đó, các công ty đều yêu cầu chúng ta thỏa thuận chấp nhận trường hợp nhà sản xuất giao hàng không đúng tiến độ.
"Sở dĩ có thỏa thuận này bởi Việt Nam được xếp vào một trong những quốc gia đang kiểm soát tốt dịch bệnh, do vậy có trường hợp vắc xin đang chuyển về Việt Nam nhưng lại bị điều sang nước khác có tình trạng dịch bệnh cấp bách hơn. Tiến độ cung ứng vắc xin hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào nhà sản xuất, bởi cung chưa đủ cầu", ông Cường cho biết.
Theo Bộ Y tế, từ tháng 8 trở đi, các nguồn vắc xin Việt Nam đã đặt mua sẽ về đều. Hiện nay, chúng ta đã mua được 170 triệu liều vắc xin nhưng phải chấp nhận khả năng không được giao hàng đúng tiến độ vì các lý do đã nêu ở trên.
Thời gian gần đây, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp đã có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho nhân viên. Mới đây, ngày 3/6, các hệ thống phân phối lớn, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam kiến nghị người lao động tại các cơ sở phân phối bán lẻ hàng hoá thiết yếu (siêu thị, chợ truyền thống...) cần được đưa vào diện ưu tiên tiêm vắc xin gấp do có nguy cơ lây nhiễm cao.
Bộ Công Thương cho rằng, việc bổ sung lao động trong ngành bán lẻ hàng hoá thiết yếu vào danh sách ưu tiên tiêm vắc xin gấp nhằm bảo vệ đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao. Do đây là nhóm hàng ngày phải tiếp xúc với hàng triệu lượt khách hàng; đồng thời, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân trong mọi cấp độ dịch bệnh.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |
Thy Lê