Sáng ngày 19/12, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã có buổi làm việc với các nhà nhập khẩu trong nước và các cơ quan quản lý có liên quan về tình hình nhập khẩu thép từ nước ngoài vào Việt Nam bị nghi ngờ có hiện tượng lẩn tránh thuế tự vệ nhằm có cơ sở đưa ra phương án xử lý.
Mới đây, 18 DN sản xuất thép Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính “khẩn thiết” kiến nghị tiến hành xử lý kịp thời hành vi nhập khẩu ồ ạt thép cuộn thời gian qua.
Tăng thuế tự vệ, thép Việt kêu cứu
Theo các DN, sau khi Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, trên thị trường đang tồn tại hiện tượng lẩn tránh thuế tự vệ bằng cách khai chuyển mã số HS.
Cụ thể, trước khi Bộ Công Thương áp thuế tự vệ, thép dây cuộn được nhập khẩu (NK) kê khai vào mã 7227.90.00 để hưởng thuế 0%. Tuy nhiên, sau khi áp thuế tự vệ, lượng NK thép cuộn mã này giảm rõ rệt do bị áp thuế tự vệ 15,4%, thống kê 10 tháng đầu năm, lượng nhập chỉ bằng 58% so với cả năm 2015.
Trong khi đó, xuất hiện tình trạng kê khai NK tăng đột biến ở mã 7213.91.90 với tổng lượng nhập 10 tháng tăng gấp 4 lần lượng nhập năm 2015. Riêng tháng 10, việc NK tăng cao kỷ lục là 144.000 tấn, bằng 155% lượng sản xuất thép cuộn của toàn ngành thép.
Cùng với sự tăng lên về lượng NK mã thép cuộn 7213.91.90 là sự xuất hiện các DN NK mới mà trước đây chưa từng nhập mã này. Năm 2015 có khoảng hơn 30 DN, song trong 10 tháng đầu năm 2016 đã tăng lên 70 DN và các DN xuất hiện mới đều là các công ty thương mại.
Các DN thép kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kịp thời điều tra mở rộng phạm vi áp dụng thuế tự vệ thương mại đối với các mặt hàng thép cuộn; đưa một số mã HS vào danh mục hàng hóa cần kiểm soát chặt nhằm ngăn chặn việc chuyển mã để hưởng chênh lệch thuế; nâng mức thuế NK MFN đối với các mã thép cuộn nêu trên lên mức trần theo cam kết WTO.
Trước đó, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng cho biết, sau khi Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với mặt hàng phôi thép và thép dài NK vào Việt Nam, trên thị trường đang tồn tại hiện tượng lẩn tránh thuế tự vệ bằng cách khai chuyển mã số HS.
![]() |
Lượng thép cuộn nhập về tăng đột biến
Cụ thể, lượng thép cuộn NK đang bị áp thuế tự vệ thương mại từ đầu năm 2016 đến hết tháng 9/2016 giảm mạnh, chỉ bằng 29% so với cùng kỳ và bằng 25% so với cả năm 2015. Nhưng lượng thép cuộn NK không thuộc đối tượng áp thuế lại tăng lên đột biến, sau 9 tháng năm 2016, đã tăng gấp gần 14 lần so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với sự gia tăng về lượng NK là sự gia tăng hơn gấp đôi số lượng DN thương mại hoàn toàn mới chuyên NK các loại thép cuộn không thuộc danh mục bị áp thuế. Khi thay đổi mã HS của sản phẩm, DN chỉ bị áp thuế 3% so với mức thuế tự vệ 15,4 - 35,4% theo quy định.
VSA kiến nghị Cục Quản lý cạnh tranh xem xét hành vi lẩn tránh thuế tự vệ thương mại theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng thuế tự vệ đối với các mặt hàng thép cuộn và đưa một số sản phẩm thép khác vào danh mục hàng hóa cần quản lý chặt để ngăn chặn việc lẩn tránh thuế.
Điều này cho thấy, mục đích chính của việc áp thuế tự vệ là để hạn chế thép NK vô hình trung lại làm gia tăng lượng thép NK vào Việt Nam, cạnh tranh gay gắt với thép nội.
Không thể mãi trông chờ bảo hộ
Trên thực tế, việc thép NK cạnh tranh gay gắt với thép nội địa luôn là câu chuyện của ngành thép. Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết 15/11, Việt Nam nhập 16,2 triệu tấn sắt thép các loại, trị giá 7 tỷ USD, đơn giá 437 USD/tấn. Tính chung, NK thép về Việt Nam tăng gấp gần 1,6 lần so với cùng kỳ năm trước (khoảng 10 triệu tấn).
Đáng chú ý, thị trường nhập sắt thép chủ yếu của Việt Nam vẫn là Trung Quốc, theo số liệu, tính đến hết tháng 10/2016, Việt Nam NK 9 triệu tấn sắt thép từ Trung Quốc, với giá trị kim ngạch 3,6 tỷ USD, đơn giá 400 USD/tấn.
Trên thực tế, lượng sắt thép NK từ Trung Quốc luôn thấp hơn nhiều so với giá sắt thép của các DN sản xuất trong nước và giá sắt thép Việt Nam xuất khẩu. Theo báo cáo của VSA, tính đến hết tháng 11/2016, giá thép cuộn cán nóng (HCR) tại thị trường Đông Nam Á và Việt Nam chào bán bình quân chỉ ở mức 483 - 488 USD/tấn. Giá thép thanh cũng là 425 - 429 USD/tấn. Như vậy, mức giá này luôn cao hơn nhiều so với giá sắt thép NK bình quân từ Trung Quốc về Việt Nam.
Đây cũng chính là lý do khiến thép ngoại luôn lấn át thép nội ngay tại thị trường nội địa, mặc dù, ngành thép Việt nhận được sự bảo hộ từ Nhà nước nhiều năm liền.
Trong dự thảo quy hoạch sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 của Bộ Công Thương mới đây cũng có nội dung là tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép, phù hợp với quy định thương mại quốc tế, để bảo đảm sức cạnh tranh cho ngành thép trong nước.
“Sẽ xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng, ngăn chặn những sản phẩm không đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng hoặc không phù hợp với xuất xứ hàng hóa được quy định trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đồng thời, tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với quy định thương mại quốc tế”, Bộ Công Thương cho biết.
Trong khi đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc bảo vệ sản xuất trong nước bằng các biện pháp phòng vệ thương mại được xem là biện pháp tạm thời. Về lâu dài, các DN cần nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh để tự mình đứng vững.
Ông Nguyễn Văn Nam Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Ông Bùi Trinh - Chuyên gia Kinh tế |
Lê Thúy