Đây là những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sau khi đã lắng nghe ý kiến của các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp (DN) về công tác tham tán thương mại tại Hội nghị Tổng kết công tác Tham tán thương mại 2016 vừa mới diễn ra.
Xuất khẩu chưa rõ “hướng”
Các hiệp hội, DN ngành hàng cho rằng các tham tán thương mại hiện nay chưa giúp được nhiều cho khối DN, nhất là khối DN nhỏ và vừa, dẫn tới DN thiếu thông tin về thị trường.
Khẳng định Đồng Tháp, cũng như các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, có nhu cầu xuất khẩu thủy sản và gạo rất lớn. Các tham tán ở Hoa Kỳ, Campuchia, Nhật Bản… đã hỗ trợ cho địa phương rất nhiều. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, thực tế DN vẫn cần nhiều hơn những hỗ trợ cụ thể, như cung cấp thông tin, đề xuất phương án xuất khẩu, đối phó với nguy cơ tranh chấp thương mại…
Ông Hùng cho rằng thời gian qua, hoạt động tham tán thương mại vẫn còn khá mờ nhạt, các tham tán hiện nay chưa giúp được gì nhiều về mặt thông tin thị trường cho khối DNNVV cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm. Thực tế, tham tán thương mại chỉ đủ duy trì sự hiện diện của mình ở các nước, còn việc tổ chức các đoàn, các chương trình về Việt Nam tới các địa phương là việc quá sức. Vì thế, xuất khẩu nông thủy sản thường phải qua khâu trung gian do các thương vụ chưa thực sự làm tròn vai trò kết nối thị trường.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, cạnh tranh xuất khẩu thủy sản hiện rất gay gắt. Các nước bảo hộ sản xuất trong nước bằng cách lách quy định của WTO, đưa ra rất nhiều rào cản khó khăn hơn về kỹ thuật, ví như danh mục kháng sinh bị cấm dài hơn. Nhật Bản mỗi năm nhập khẩu 1,3 – 1,5 tỷ USD thủy sản, nhưng thị trường này hiện đang kiểm tra kháng sinh nghiêm ngặt gấp 10 lần so với tiêu chuẩn tương tự do châu Âu áp dụng.
Đặc biệt, theo thống kê của VASEP, hơn 10 nước sử dụng truyền thông để “bôi nhọ” hàng xuất khẩu Việt Nam không khách quan như ô nhiễm, biến đổi gen… tác động tiêu cực đến tâm lý tiêu dùng của người dân chưa từng biết đến Việt Nam. Do đó, ngành công thương, nông nghiệp cần phối hợp để hóa giải những thông tin đó, mang lại thông tin trung thực, đầy đủ nhất về hàng hóa Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, thị trường xuất khẩu được mở rộng, phát triển theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa. Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 200 nước và vùng lãnh thổ, tính đến 2010, có 18 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đến 2015, đã tăng lên 29 thị trường…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Anh Tuấn cũng chỉ ra những hạn chế như tỷ lệ hàng xuất khẩu dạng thô hoặc sơ chế cho giá trị gia tăng thấp chiếm tỷ lệ lớn đa số ở mặt hàng nông sản, khoáng sản xuất khẩu chủ lực hoặc một số mặt hàng vẫn mang tính gia công và phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu chưa cao, tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu còn lớn nên thường gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa.
Với thị trường xuất khẩu mới, theo Thứ trưởng Tuấn, hiện nay rất khó mở rộng do xu hướng áp dụng rào cản kỹ thuật, phòng vệ thương mại sẽ ngày càng phổ biến, dẫn đến khó tăng thị phần, nhất là trong bối cảnh sản phẩm Việt Nam chậm được cải thiện về chất lượng, đặc biệt là về an toàn thực phẩm và các quy chuẩn kỹ thuật.
![]() |
Chừng nào DN còn bị khó khăn thì tham tán phải thấy còn lỗi
“Hoa tiêu” chưa thạo đường
Đánh giá về công tác cầu nối thương mại thời gian qua, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định thực tế hiện nay dù DN và các hiệp hội trong nước sẵn sàng chi trả phí dịch vụ, song các thương vụ mới chỉ có thể cung cấp thông tin chung, chưa thể cung cấp các thông tin chuyên sâu.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng cho biết Bộ KH&ĐT mới có 8 đầu mối xúc tiến đầu tư ở nước ngoài nên chưa đáp ứng yêu cầu của DN. Hơn nữa, hiện đang có tình trạng các thương vụ và cơ quan xúc tiến đầu tư của các bộ hoạt động theo kiểu mạnh ai ấy làm, chưa có sự hỗ trợ lẫn nhau trong trao đổi thông tin và triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư, gây lãng phí nguồn lực.
Do vậy, Thứ trưởng Đông đề nghị các thương vụ phải thực hiện đúng trách nhiệm của cơ quan đại diện ở nước ngoài như theo dõi, hỗ trợ các nhà đầu tư trong chấp hành pháp luật nước sở tại, cung cấp thông tin kịp thời và hữu ích hơn cho DN trong nước về sự thay đổi của thị trường.
Dưới góc độ người làm công tác tham tán, ông Nguyễn Bảo, Tham tán Công sứ Thương vụ Việt Nam tại Campuchia, cũng chia sẻ khó khăn mà các tham tán đang gặp phải là: “Có những thông tin gửi về cho các vụ, cục nhưng cũng không nhận được phản hồi. Đơn cử, với mặt hàng gạo, chúng tôi đã gửi liên tục hai báo cáo trong một tháng về mặt hàng này nhưng phía Cục Xuất nhập khẩu cũng không xác nhận lại với chúng tôi là đã nhận được hay chưa.”
Trước thực tế trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công Thương và đội ngũ các tham tán thương mại phải nhìn thẳng vào sự thật, thấy được trách nhiệm nặng nề của mình và phải “lột xác”, gánh thêm nhiều vai trò khác để thực sự là cầu nối, là cánh tay nối dài cho nền kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu, trong mỗi thông tư, một chữ, một chấm phẩy cũng có thể gây khó khăn nên cải cách hành chính phải theo kinh tế thị trường hiện đại. Đồng thời, phải tận dụng tối đa hiệp định đã có, tuyên truyền để người dân thấy thuận lợi để phát huy cho hết.
Khẳng định kinh tế là chính trị, Thủ tướng chia sẻ: “Phải tận dụng tối đa Hiệp định thương mại, tuyên truyền để người dân thấy thuận lợi để phát huy thuận lợi. Chính tôi gặp Tổng thống Mỹ Obama nói về nông trại, cá basa, gặp Thủ tướng Hàn Quốc nói về trái dừa, gặp lãnh đạo Úc nói về vải, Nhật Bản nói về trái xoài… Các đồng chí tham tán cũng phải làm như vậy bởi không chỉ ở Việt Nam mà lãnh đạo các nước cũng đang làm như vậy. Kinh tế là chính trị”.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng Chính phủ Bộ Công Thương phải giao chỉ tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu cho các cơ quan thương vụ. Kinh tế không phát triển thì đừng nói này nói khác. Tham tán phải là nhà ngoại giao giỏi trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, có trách nhiệm cao. Đất nước nghèo, các đồng chí đi nước ngoài không nói cũng biết chi phí thế nào. Phải làm hết sức, đặt chỉ tiêu cụ thể, đấu tranh với những luận điệu không lành mạnh hay rào cản không phù hợp cam kết. Ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công Thương Bộ Công Thương yêu cầu đội ngũ tham tán thương mại tại các nước phải đổi mới trong công tác thị trường, phân tích làm rõ các vướng mắc, đặc biệt là tranh chấp thương mại ở từng thị trường. Thương vụ cần chủ động kiến tạo mối liên hệ chặt chẽ hơn nữa với các bộ ngành địa phương và doanh nghiệp. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Việt Nam đang là điểm giao thoa của các hiệp định thương mại đỉnh cao của khu vực và trên thế giới. Bên cạnh là cầu nối, là cánh tay nối dài của Chính phủ và DN ở nước ngoài, các tham tán còn phải trở thành những radar về thông tin cho DN, cho đất nước, cũng như tham gia vào các chương trình kiến nghị chính sách, thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập kinh tế, giới thiệu cho DN trong nước các mô hình quản trị mới nhất. |