Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhấn mạnh thông điệp này tại Hội nghị "Gặp gỡ châu Âu 2021: Quan hệ Việt Nam - EU sau đại dịch" và Lễ ra mắt "Sách Trắng 2021" diễn ra ngày 25/11.
Hội nghị "Gặp gỡ châu Âu 2021: Quan hệ Việt Nam - EU sau đại dịch" và Lễ ra mắt "Sách Trắng 2021". |
Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh tới mục tiêu của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam không phải là tồn tại mà là phát triển sau đại dịch. Hiện nay, hoạt động sản xuất dần dần quay trở lại, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Trong thập kỷ tới, ông Alain kỳ vọng việc mở cửa thị trường, giảm thuế quan sẽ mở ra làn sóng thương mại mới cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU.
Về đầu tư, Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) sau khi có hiệu lực sẽ khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam.
"Đây là giai đoạn để cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19, hướng tới tương lai tươi sáng và thịnh vượng hơn trong hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - EU", ông Alain Cany nhấn mạnh thông điệp là sự lạc quan cũng như niềm tin tích cực, nắm bắt cơ hội giao thương giữa EU và Việt Nam để cộng đồng doanh nghiệp hai bên bật dậy và phục hồi trở lại.
Đại diện phía Chính phủ Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng dẫn Báo cáo đầu tư 2021 của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD) mới công bố cho thấy, với số vốn FDI 16 tỷ USD năm 2020, lần đầu tiên, Việt Nam lọt tốp 20 nước thu hút FDI nhất thế giới.
"Việt Nam đặt mục tiêu là quốc gia phát triển, do vậy chúng tôi mong muốn hợp tác cùng có lợi với các đối tác, EU là một trong những đối tác có tầm quan trọng trong chiến lược phát triển của Việt Nam", bà Hồng nhấn mạnh.
Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: Chính phủ Việt Nam đang tập trung mọi giải pháp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp thông minh, năng lượng tái tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng... Việt Nam mong muốn doanh nghiệp châu Âu hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của khu vực châu Âu và toàn cầu.
Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), EU là đối tác tin cậy của Việt Nam và Việt Nam cũng là thị trường tiềm năng, an toàn với doanh nghiệp EU. Năm 2020, Hiệp định EVFTA có hiệu lực sau 10 năm đàm phán đã tác động tích cực tới hoạt động thương mại. 10 tháng 2021, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 41 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2020. Làn sóng đầu tư của doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam cũng tăng mạnh.
Các nhà đầu tư EU là nhà đầu tư có chất lượng, có mặt ở hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Vì vậy, Chủ tịch VCCI bày tỏ tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hậu đại dịch đang chờ đón doanh nghiệp EU tại Việt Nam.
Lê Thúy