Cụ thể, ngày 12/10/2017, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT nhận được phản ánh về việc có hiện tượng giả mạo văn bản của Bộ KH&ĐT, tiêu đề của bản chụp văn bản là Bộ quyết định cho Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh thuộc nhóm được phê duyệt “rải” (chữ trong văn bản giả mạo-PV) ngân quý cuối năm 2017 bằng nguồn vốn Chính phủ cho các hạng mục xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị y tế tuyến địa phương nhằm giảm tải cho các bệnh viện trực thuộc tỉnh, thành phố trung tâm.
Văn bản giả mạo có số 06/QĐ-TTg/NB đề ngày 2/10/2017, với hình ảnh chữ ký của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, 4 quốc huy loại nhỏ đóng trên văn bản và con dấu của Bộ KH&ĐT
Văn bản giả mạo có số 06/QĐ-TTg/NB đề ngày 2/10/2017, với hình ảnh chữ ký của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, 4 quốc huy loại nhỏ đóng trên văn bản và con dấu của Bộ KH&ĐT.
Qua kiểm tra, Văn phòng Bộ KH&ĐT khẳng định chụp văn bản nêu trên là giả mạo con dấu của Bộ KH&ĐT với 3 lý do.
Thứ nhất là bản chụp văn bản nêu trên có thể thức không theo quy định về thể thức của văn bản hành chính, quy định của Bộ KH&ĐT.
Thứ hai, đối với con dấu thì không phải mẫu con dấu của Bộ KH&ĐT.
Thứ ba, đối với chữ ký của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng do Bộ trưởng thường xuyên ký ban hành các văn bản gửi các cơ quan tổ chức, cá nhân trên phạm vi cả nước, vì vậy, chữ ký tại văn bản có thể được đối tượng sao chép, giả mạo.
Văn phòng Bộ KH&ĐT nhận định, đối tượng có hành vi giả mạo văn bản của Bộ KH&ĐT như trên có thể với mục đích để đi lừa đảo các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên phạm vi cả nước.
Do vậy, Văn phòng Bộ KH&ĐT gửi Cục An ninh Tài chính, Tiền tệ, Đầu tư (A84), Bộ Công an văn bản giả mạo để cơ quan này xem xét, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, ngăn chặn kịp thời hành vi lừa đảo cũng như xử lý nghiêm minh hành vi lừa đảo này.
Nhật Linh