Mới đây, khi góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định 59/2018/NĐ-CP về thủ tục kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lưu ý, qua rà soát sơ bộ cho thấy một số quy định của Nghị định 08 có thể không tương thích với một số cam kết CPTPP, EVFTA về hải quan và tạo thuận lợi thương mại.
Lo chưa tương thích
Đơn cử như Điều 5 quy định về người khai hải quan đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam, có thể chưa tương thích với cam kết về đại lý hải quan của EVFTA.
EVFTA hứa hẹn mang lại những cơ hội to lớn cho DN Việt Nam, nhưng để tương thích thì Việt Nam cần phải chủ động chuyển hoá vào nội luật hoá |
Hay như Điều 24 quy định về các trường hợp được phép xin xác định trước, hủy xác định trước có thể chưa tương thích với cam kết của CPTPP và EVFTA. Hoặc ở Điều 32 quy định phân biệt giữa giải phóng hàng và thông quan hàng hóa có thể chưa tương thích với cam kết về giải phóng hàng của CPTPP.
Xét về việc chuyển hoá các FTA thế hệ mới vào nội luật để thực thi, theo Ts. Nguyễn Ngọc Hà (trường Đại học Ngoại Thương), đó không phải là công việc đơn giản, đòi hỏi sự tham gia và đồng hành của nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như của cộng đồng doanh nghiệp (DN). Do đó, đây là những vấn đề mà Việt Nam cần quan tâm để xử lý triệt để trong thời gian tới.
Ts. Hà cho rằng một số quy định pháp luật trong nước, sau khi nội luật hóa, chưa tương thích hoặc chưa chuyển hóa đầy đủ các cam kết của Việt Nam trong FTA. Điều này có thể thấy trong các quy định về phòng vệ thương mại và về cam kết dịch vụ của Việt Nam trong các FTA.
Với việc thực thi EVFTA sau khi Quốc hội chính thức thông qua hiệp định này vào ngày 8/6, giới chuyên gia cho rằng phía EU thường không nhấn mạnh vào các rào cản phi thuế quan (TBT, SPS, chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, hải quan…), các FTA của họ đều có xu hướng tuân thủ các nguyên tắc trong WTO và chỉ bổ sung các cơ chế hợp tác nhằm giải quyết nhanh những bất động, tạo thuận lợi cho thương mại.
Điều này rõ ràng không tạo thêm gánh nặng cam kết cho những đối tác như Việt Nam mà ngược lại còn mở ra những cơ hội để xử lý những khó khăn mà các nhà xuất khẩu Việt Nam thường gặp phải.
Tuy nhiên, giới chuyên gia lưu ý hàng rào phi thuế quan và các vấn đề phi thương mại sẽ là rào cản khi mà các tiêu chuẩn của họ đã luôn cao hơn so với Việt Nam. Vì vậy sau khi thực thi các Hiệp định FTA thế hệ mới như EVFTA thì các vấn đề này vẫn là rào cản đối với DN Việt Nam.
Hoàn thiện khâu chính sách
Theo Ts Hà Công An Bảo (Đại học Ngoại thương), giờ là lúc cần nhanh chóng hoàn thiện các chính sách thương mại tự do và pháp luật nội địa không tạo ra xung đột với FTA đã ký kết.
Chẳng hạn, đối với những đối tác lớn và phát triển hơn Việt Nam như EU, dường như họ không gặp khó khăn gì khi thực thi các FTA thế hệ mới vì hệ thống pháp lý của họ đã hoàn thiện và thậm chí còn cao hơn cả các FTA.
Còn với Việt Nam, đây là lúc cần phải chủ động đưa ra các chính sách phù hợp và thay đổi các qui định pháp luật trong nước để cho các DN Việt Nam nhanh chóng thích nghi cũng như tránh trường hợp chúng ta vi phạm cam kết khi các FTA có hiệu lực.
Theo Ts. John Walsh, Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh Quốc tế thuộc Đại học RMIT Việt Nam, các FTA về bản chất thường không đối xứng. Dù các thỏa thuận này nhìn chung hứa hẹn rằng các bên sẽ cùng có lợi, nhưng điều đó không có nghĩa lợi ích sẽ luôn được chia đều. Đồng thời, sẽ có nhiều thay đổi xảy ra và không phải tất cả các bên liên quan đều có thể chuyển đổi một cách suôn sẻ.
Với hiệp định EVFTA, Ts Walsh nhận định những người không thể chuyển đổi công việc (vì nhiều lý do như tuổi tác, điều kiện làm việc hay khả năng học kỹ năng mới) sẽ cần hỗ trợ. Vai trò của Chính phủ là rất quan trọng thông qua đào tạo lại kỹ năng, tái định cư, cũng như tạo ra cơ hội mới cho những ai có khả năng tận dụng chúng.
“Sẽ có một số DN cũng phải ngừng hoạt động vì bản thân họ thiếu khả năng thích ứng với những xáo trộn do thay đổi gây ra”, ông nói.
Thế nhưng, nếu nhìn một cách lạc quan, Ts.John Walsh nói rằng với những cam kết mạnh mẽ từ cả hai bên, Hiệp định EVFTA hứa hẹn mang lại những cơ hội to lớn cho DN và người tiêu dùng.
Người tiêu dùng Việt Nam sẽ đón nhận nhiều loại sản phẩm rẻ hơn do được miễn giảm thuế quan. Chất lượng cuộc sống nhờ đó mà được cải thiện, đặc biệt đối với tầng lớp trung lưu ở các khu vực thành thị nơi những sản phẩm như vậy được bày bán.
Theo chuyên gia của RMIT, các mức miễn giảm thuế quan cũng sẽ áp dụng cho nhiều hàng hóa trung gian được nhập khẩu với mục đích lắp ráp và tái xuất sau đó. Việt Nam đã “có chân” trong nhiều chuỗi cung ứng và việc giảm chi phí sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh mới cho đất nước trong các chuỗi cung ứng đó.
Thế Vinh