Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 14,7 triệu tấn xi măng và clinker, đạt giá trị 561 triệu USD. Tuy nhiên, so với năm 2015, lượng xuất khẩu xi măng và clinker giảm 7,1% về lượng và 16% về giá trị.
Đây không phải là lần đầu tiên xuất khẩu xi măng bị giảm sút. Năm 2014, giá trị xuất khẩu xi măng và clinker đạt gần 1 tỷ USD, với hơn 19 triệu tấn đã đưa Việt Nam vượt qua Trung Quốc, xếp thứ hai trong top những nước xuất khẩu xi măng lớn nhất thế giới. Song, từ năm 2015 trở đi, xuất khẩu xi măng của Việt Nam liên tục giảm tốc sau khi đạt được bước tiến mới về xuất khẩu trong năm 2014.
Năm 2015, so với cùng kỳ năm trước, xi măng và clinker của Việt Nam xuất khẩu đạt 15,85 triệu tấn, trị giá xuất khẩu là 667,92 triệu USD, giảm 24,9% về lượng và 26,8% về trị giá.
Liên tục sụt giảm
Sự sụt giảm không chỉ về khối lượng mà còn về giá xuất khẩu. Năm 2014, giá xuất khẩu FOB clinker dao động 38 – 40 USD/tấn, xi măng trên dưới 55 USD/tấn. Nhưng sang các năm 2015, 2016, giá xuất khẩu liên tiếp sụt giảm. Hiện nay, giá xuất khẩu FOB clinker còn khoảng 30 USD/tấn, giảm 20 – 25% so với năm 2014. Dự báo, xuất khẩu xi măng trong năm 2017 sẽ tiếp tục suy giảm.
Nguyên nhân nào khiến xuất khẩu xi măng của Việt Nam bị sụt giảm. Theo các chuyên gia, nguyên nhân trước tiên chính là sự cạnh tranh gay gắt đến từ các nước xuất khẩu khác trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, Thái Lan đang ngày càng chi phối thị trường xuất khẩu. Ngay cả những thị trường truyền thống lâu nay Việt Nam xuất khẩu sang cũng đang bị làm khó như Bangladesh, Indonesia, Philippines, Ấn Độ…
Bộ Công Thương nhận định, theo thống kê, Việt Nam có ngành sản xuất xi măng lớn nhất Đông Nam Á với 78 nhà máy xi măng, đạt tổng công suất gần 90 triệu tấn/năm nhưng lượng xuất khẩu thấp hơn nhiều so với Thái Lan.
Với bề dày kinh nghiệm từ nhiều năm hoạt động cùng các tập đoàn lớn như SCG, Siam City Cemment Public Company Limited (SCCC)… và ưu thế về chất lượng, vận chuyển nhanh đang khiến nhiều đơn hàng của doanh nghiệp (DN) Việt Nam rơi vào tay Thái Lan.
Đối với Trung Quốc, thị trường này đang dư thừa công suất khoảng 670 triệu tấn xi măng. Dẫn tới, xi măng quốc gia này chỉ cạnh tranh trực tiếp về giá với xi măng Việt Nam trên thị trường quốc tế. Cho nên, dù giảm 8 – 13% giá bán nhưng giá của Việt Nam đưa ra vẫn cao hơn so với Trung Quốc.
![]() |
Nếu vừa đánh thuế xuất khẩu, vừa không hoàn lại thuế giá trị gia tăng, các DN xi măng sẽ lâm vào thế khó
Theo đại diện một DN, kể từ ngày ban hành Nghị định 122/2016/NĐ-CP và Nghị định số 100/2016/NĐ-CP, DN càng thêm lo lắng về chi phí sản xuất.
Cụ thể, ngày 1/7/2016, Nghị định 100/2016/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung Nghị định 209/2013/NĐ-CP) tại khoản 11 điều 3 quy định: sản phẩm xuất khẩu hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên sẽ được xếp vào đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Doanh nghiệp lo “một cổ hai tròng”
Từ ngày 1/9/2016, Nghị định 122/2016/NĐ-CP tại phụ lục 1 – biểu thuế xuất khẩu theo danh mục mặt hàng chịu thuế ở mục 21 quy định: vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm có giá trị tài nguyên, khoáng sản, cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên sẽ chịu thuế suất thuế xuất khẩu 5%.
“Chúng tôi đã hết cửa xuất khẩu mặt hàng clinker vì lợi nhuận nằm trong 10% thuế giá trị gia tăng nhưng lại không được hoàn, nay đến mặt hàng xi măng cũng cùng chung số phận như clinker”, vị đại diện trên than thở.
Việc thu 5% thuế xuất khẩu clinker và không hoàn thuế giá trị gia tăng còn khiến các DN không nhận được đơn hàng xuất khẩu và mất thị phần. Đại diện một DN khác chia sẻ: “Kể từ khi áp dụng luật thuế mới, DN đang phải nỗ lực lớn để níu kéo khách hàng hiện tại. Tuy nhiên, việc hạ giá sản phẩm để cạnh tranh trên thị trường nước ngoài đã khiến đời sống công nhân viên bị ảnh hưởng”.
Đồng quan điểm, ông Trần Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM), cho rằng xuất khẩu mặt hàng này đang phải gánh thêm sức ép mới.
Ông Thắng phân tích: tại Nghị định số 100/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định số 209/2013/NĐ-CP và Nghị định số 122/2016/NĐ-CP, Chính phủ quy định mặt hàng xi măng khi tham gia xuất khẩu không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và chịu thuế suất thuế xuất khẩu 5%.
“Chi phí xuất khẩu có thể tăng lên 4,5 USD cho một tấn clinker (theo giá FOB) bình quân 30 USD/tấn. Điều này đang khiến các DN sản xuất lo lắng bởi giá thành xuất khẩu sau khi áp thuế mới theo quy định sẽ tăng lên đáng kể, khiến xuất khẩu xi măng Việt Nam gần như không thể cạnh tranh với các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia”, ông Thắng cho biết.
Cùng với đó, trong khi xuất khẩu ngày càng chịu áp lực lớn về giá, chất lượng thì thị trường trong nước đang cho thấy thực tế cung vượt cầu. Theo quy hoạch phát triển xi măng, ước tính tiêu thụ nội địa đến năm 2020 đạt 93 triệu tấn. Tuy nhiên, sản lượng xi măng đến năm 2020 có thể lên tới 120 – 130 triệu tấn/năm. Như vậy sẽ dư thừa 25 – 35 triệu tấn xi măng.
Thực tế, năm 2016, tổng công suất 78 nhà máy xi măng đạt gần 87 triệu tấn, trong đó tổng sản lượng tiêu thụ ước đạt 75,21 triệu tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Như vậy, thị trường xi măng cung vẫn vượt cầu 20%. Chưa kể, vẫn còn các dự án đang tiến hành đầu tư và dự kiến hoàn thành trong năm 2018, tiếp tục nâng tổng công suất thiết kế toàn ngành lên 108 triệu tấn/năm.
Điều này cho thấy, ngành xi măng trong nước sẽ tắc thị trường tiêu thụ, không chỉ thị trường xuất khẩu mà ngay thị trường nội địa cũng đang có nguy cơ rơi vào tay các DN Thái Lan, Trung Quốc. Nhiều thương vụ M&A trong ngành này đã diễn ra, nỗi lo ngày càng hiện hữu, nhất là khi Việt Nam đã tham gia chính thức vào Cộng đồng kinh tế Asean.
Ông Phạm Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Năm 2017, dự báo tình hình tiêu thụ xi măng còn gặp khó khăn, đặc biệt trong công tác xuất khẩu. Xu hướng đầu tư vào xi măng còn tăng, do vậy, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, chương trình, đề án phát triển vật liệu… bảo đảm cung cầu, bình ổn thị trường. Song, cùng với đó, các DN xi măng cần đẩy mạnh tăng cường liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ông Nguyễn Quang Cung Xi măng trong nước đang trong tình thế khó khăn. Vì vậy, việc vừa đánh thuế xuất khẩu, vừa không hoàn lại thuế giá trị gia tăng khiến các DN giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ông Trần Việt Thắng |
Lê Thúy