Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2017, Chính phủ yêu cầu từng Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,7%.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải xử lý nghiêm các vi phạm, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các dự án BOT
Tiếp tục giảm 0,5% lãi suất cho vay
Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương phải tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, phấn đấu tiếp tục giảm 0,5% lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm 2017; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động hướng dẫn, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện các thủ tục theo quy định, thúc đẩy giải ngân số vốn được giao.
Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp tục chỉ đạo đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn, bảo đảm công khai, minh bạch.
Chưa tăng thuế, phí, lệ phí
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu, triệt để tiết kiệm chi, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách; trong năm 2017 chưa tăng thuế, phí, lệ phí để tạo thuận lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bộ Công Thương thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm tăng trưởng 3,05%, xuất khẩu nông sản đạt 33-34 tỷ USD.
Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; rà soát, sửa đổi, bãi bỏ các thủ tục, điều kiện kinh doanh chuyên ngành không cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp, chuyển mạnh từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm.
Cùng với đó, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải xử lý nghiêm các vi phạm, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các dự án BOT; rà soát, xem xét cụ thể phương án đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông để sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.
Lê Thuý