Đây là chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng doanh nhân Việt Nam nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 2016 (13/10/2016). Thủ tướng khẳng định rằng Việt Nam phải phấn đấu đến năm 2020, cả nước có trên 1 triệu DN và không chỉ tăng lên về số lượng, mà chất lượng hoạt động của DN cũng phải được cải thiện mạnh mẽ.
Bỏ “xin cho”, chống “quan hệ”
Để đạt được mục tiêu trên, cùng với việc Chính phủ cố gắng nâng bậc thứ hạng cạnh tranh với các nền kinh tế ASEAN và toàn cầu, cộng đồng DN cũng phải nâng cấp, đột phá để thích ứng với môi trường kinh doanh mới.
Rõ nét nhất là việc Chính phủ quyết bỏ xin cho, doanh nghiệp chống “quan hệ” đang là xu hướng chính của công cuộc cải cách để hình thành một Chính phủ kiến tạo, phục vụ và một cộng đồng DN liêm chính, có sức cạnh tranh cao.
Khẳng định: “Thể chế nào, doanh nhân đó”, tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2016, Ts. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, cho rằng các doanh nhân đang hoạt động sẽ phải lột xác, chuyển mình và một thế hệ doanh nhân mới sẽ hình thành, một thế hệ doanh nhân sáng tạo.
Ông Lộc cho rằng môi trường kinh doanh ngày càng trở nên minh bạch và thuận lợi hơn thì sẽ không còn tình trạng “ngày kinh doanh, tối lo quan hệ”. Hiện nay, DN Việt Nam không chỉ phải đối mặt với rủi ro thị trường thiên tai mà còn phải đối mặt với những rủi ro thể chế, những mối quan hệ. Một phần phải dành nguồn lực để tiếp cận thị trường mà còn phải dành một phần nguồn lực cho những mối quan hệ.
“Mới đây, một DN của ngành dệt may còn phải than thở với tôi là kinh doanh khó quá, nên ngày phải làm ăn, tối đi quan hệ. Song theo tôi, trí tuệ phải là cốt lõi, sáng tạo phải là động cơ chứ không còn phải xin cho, kinh doanh phải chuyên nghiệp, phải xuất phát từ trái tim, chứ không phải dựa vào quan hệ”, ông Lộc nói.
Điều này có nghĩa là nếu như hiện nay, các doanh nhân thời gian qua lăn lộn thương trường, thành công nhờ quan hệ mà không cần phải học hành gì. Bây giờ, cần phải học để có chiến lược kinh doanh rõ ràng tập trung vào cốt lõi chứ không phải là lan man. Doanh nghiệp nhỏ mà có chuẩn mực toàn cầu thì vẫn trụ vững còn nếu doanh nghiệp lớn lan man thì cũng không tồn tại lâu dược.
Ở một góc độ khác, Ts. Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright, cho biết về vai trò của người doanh nhân hiện nay hơi có phần lệch lạc khi vẫn chưa được đánh giá đúng mức.
“Tại Việt Nam, khi một ai đó trở nên giàu có, mọi người xung quanh thường có cái nhìn tiêu cực. Dư luận sẽ đặt câu hỏi rằng liệu đằng sau họ có ai chống lưng hay không”, ông Du nói. Điều này đồng nghĩa với việc làm xấu đi hình ảnh người doanh nhân, mặc định người doanh nhân tồn tại được đều phải dựa vào quan hệ.
Khởi nghiệp không chỉ là việc của DN
Đại diện cộng đồng DN Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng năm 2016 sẽ đi vào lịch sử bởi đây là năm đầu tiên số lượng DN được thành lập mới ở Việt Nam vượt ngưỡng 100.000 DN.
Mục tiêu đang trở thành hiện thực khi theo số liệu thống kê 9 tháng đầu năm 2016 có hơn 100.000 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 1.000.000 DN hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ.
Ts.Vũ Tiến Lộc khẳng định các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ có thể coi là những nghị quyết có ý nghĩa khởi nghiệp, cho thấy Chính phủ đang nghĩ mới, làm mới.
“Thúc đẩy khởi nghiệp và định hướng hoạt động của từng doanh nghiệp và nền kinh tế đang trở thành yêu cầu sống còn với các doanh nghiệp. Khởi nghiệp không chỉ là thành lập doanh nghiệp mới mà còn là tái cấu trúc lại doanh nghiệp cả về sản phẩm, dịch vụ, quản trị và công nghệ… Khởi nghiệp là nghĩ mới, làm mới. Khởi nghiệp không chỉ là việc của doanh nghiệp mà còn là việc của các cấp chính quyền”, ông Lộc nói.
Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh sáng màu trên, chúng ta cũng cần phải thừa nhận một thực tế là cộng đồng startup cần được thổi luồng gió cho tinh thần nhiều hơn nữa. Ông Nguyễn Phi Long, Giám đốc Đầu tư Quỹ đầu tư Vietnam Oman Investment (VOI), cho biết cũng giống như trên thế giới, những doanh nhân thành công ngày càng được xã hội coi trọng (75,9%) và trở thành doanh nhân là mục tiêu đáng mơ ước của 67,2% người trưởng thành.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu chỉ 18,2% người trưởng thành ở Việt Nam có ý định khởi sự kinh doanh trong vòng ba năm tới, thấp hơn mức trung bình 40,2% ở các nước phát triển dựa trên nguồn lực.
Trong khi đó, tỷ lệ người trưởng thành lo sợ thất bại trong kinh doanh đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao: từ 56,7% năm 2013 xuống còn 50,1% năm 2014; so với mức 31,4% ở các nước phát triển dựa trên nguồn lực.
Tỷ lệ khởi sự kinh doanh ở Việt Nam năm 2014 chỉ đạt 2%, giảm so với mức 4% của năm 2013 và thấp hơn nhiều so với mức bình quân 12,4% ở các nước phát triển dựa trên nguồn lực.
Đồng thời, ông Nguyễn Phi Long, cũng chỉ rõ một thực tế là việc khởi sự kinh doanh chủ yếu là tận dụng cơ hội chứ không phải vì “không có sự lựa chọn công việc nào tốt hơn,” trong đó, tận dụng cơ hội là mục tiêu chủ yếu để tăng thu nhập chứ không phải là trở nên độc lập tài chính.
Trong một nghiên cứu điều tra gần đây cho thấy các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam chủ yếu hướng đến phục vụ người tiêu dùng (89%), còn trong lĩnh vực chế biến và phục vụ doanh nghiệp thì thấp hơn rất nhiều so với các nước phát triển.
Cùng với đó, theo nhận định của các chuyên gia, trong quá trình hội nhập toàn cầu DN là nhân tố chính để thúc đẩy kinh tế, giúp tăng đầu tư, tiếp cận thị trường… Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn.
Bởi hiện nay, trong nhiều ngành công nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nằm ở điểm cuối thấp trong chuỗi giá trị, phải đối mặt với thách thức về tuân thủ.
Vì vậy, DN hiện rất cần những chính sách hỗ trợ của Nhà nước thể hiện bằng khẩu hiệu “Chính phủ đồng hành, DN quyết tâm” thì mọi mục tiêu đều có thể thực hiện được.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ ------------------------------- Chúng ta phải làm hết sức mình để các doanh nghiệp Việt Nam có thể lớn mạnh trên sân nhà, vươn ra thế giới và thành công. Chính phủ mong các doanh nhân, doanh nghiệp cũng có những khát khao như vậy, nỗ lực làm giàu văn minh, phát huy tinh thần doanh nhân, tinh thần sáng tạo, trách nhiệm xã hội để xây dựng Việt Nam ta giàu có, thịnh vượng. Ts. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Ts. Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright Chúng ta không nên "khoác" cho các doanh nhân quá nhiều chiếc áo. Hãy đánh giá họ dựa trên lợi nhuận họ tạo ra cho bản thân và công ty mình. Khi một doanh nhân tạo ra giá trị cho công ty của họ, điều đó đồng nghĩa sẽ tạo ra nhiều công ăn việc cho người lao động và đóng góp vào ngân sách xã hội để phục vụ cho những chi tiêu công. |
Lê Thuý