Quan sát từ kết quả kinh doanh quý 2/2023 mới công bố của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PET) - một nhà bán lẻ hàng đầu trong mảng công nghệ (IT) và điện máy (CE), sẽ thấy doanh thu có sự hồi phục đáng kể khi các mảng chính đều thể hiện sự bền bỉ.
Phục hồi từ đột phá kênh bán hàng
Theo đó, doanh thu quý 2/2023 của DN này đã phục hồi đáng kể lên 4.504 tỷ đồng (tăng 6,1% so với quý trước và tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước).
Sự phục hồi diễn ra ở các phân khúc chính như doanh thu điện thoại di động trong quý 2/2023 tăng mạnh 43,7% so với cùng kỳ năm trước từ nền thấp quý 2/2022, đạt 1.992 tỷ đồng.
Không ít DN đã và đang đưa hàng hóa rao bán trên đường phố và khu dân cư để cải thiện sức mua. |
Đáng chú ý nhất là công ty này duy trì được tăng trưởng doanh thu điện thoại di động trong 6 tháng đầu năm 2023 là 31,0% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 4.038 tỷ đồng.
Nhìn vào kết quả nêu trên, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán BVSC cho rằng, đây là sự vượt trội so với thị trường chung vẫn còn yếu (giảm khoảng 20-25% so với cùng kỳ năm trước). Điều này cho thấy PET đã giành thêm thị phần đáng kể trên thị trường điện thoại di động Việt Nam trong nửa đầu năm nay.
Ngoài ra, PET cũng công bố doanh thu laptop trong quý 2 vừa qua khá mạnh mẽ, đạt 984 tỷ đồng (tăng 3,6% so với quý trước và tăng 18,0% so với cùng kỳ năm trước), chủ yếu nhờ các nhà bán lẻ bổ sung hàng trước mùa tựu trường. Doanh thu sản phẩm IT, CE là điểm nhấn mới, khi tăng mạnh 89,0% so với quý trước đó, lên 652 tỷ đồng (tăng 75,3% so với cùng kỳ năm 2022), nhờ doanh thu mảng điều hòa tăng vọt.
Từ đó, giới phân tích nhận định lợi nhuận ròng nửa cuối năm của PET sẽ phục hồi ấn tượng. Đồng thời, tăng trưởng lợi nhuận ròng năm 2024 cũng sẽ rất mạnh mẽ nhờ nhu cầu phục hồi.
Cũng cần nhắc lại, ngay từ đầu năm nay, công ty này đã lường trước về sự biến động khó lường của thị trường trong năm 2023 và tiếp tục triển khai kế hoạch mở rộng ngành hàng và nhãn hàng phân phối, đẩy mạnh hệ thống khách hàng, kênh bán hàng cũng như thực hiện các giải pháp kích cầu, hỗ trợ bán hàng cùng khách hàng – đại lý.
Ngoài DN nêu trên, có thể kể thêm trường hợp chuỗi cửa hàng đồ uống Phúc Long (thuộc Masan Group), trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2023 công bố biên lợi nhuận gộp là 64,4%.
Đây được xem là biên lợi nhuận tốt nhất trong số các mảng kinh doanh của Masan. Điều này được cho là nhờ công sức của mô hình Hub & Spokes đã giúp nâng doanh thu trung bình hàng ngày từ các ki-ốt của Phúc Long lên 40% so với trước khi chuyển đổi mô hình trong nửa đầu năm 2023.
Mô hình Hub & Spokes của Phúc Long là mô hình chuyển khách hàng trực tuyến (online) từ cửa hàng flagship (cửa hàng hàng đầu trong chuỗi bán lẻ) sang ki-ốt xung quanh đó vào giờ cao điểm. Động thái này giúp các cửa hàng flagship phục vụ khách hàng tại cửa hàng tốt hơn và mang lại 8% tăng trưởng doanh thu cho các ki-ốt được thí điểm.
Cần thu hút và giữ chân người tiêu dùng đa kênh
Với sự khả quan của mô hình như vậy, Phúc Long sẽ tiếp tục triển khai mô hình Hubs & Spokes, cải thiện doanh số B2B (các giao dịch thương mại giữa các DN) và đặt mục tiêu mở thêm 25 cửa hàng mới trong nửa cuối năm 2023, đồng thời cải thiện doanh thu trên mỗi cửa hàng tiệm cận mức của nửa cuối năm 2022.
Với 2 trường hợp doanh thu và lợi nhuận khả quan nêu trên của PET và Phúc Long sẽ thấy việc cải thiện kênh bán hàng là rất quan trọng trong bối cảnh sức mua chậm cải thiện như thời gian qua.
Đây cũng là điều mà các DN Việt cần lưu tâm để phục hồi đầu ra, giảm bớt hàng tồn kho trong thời gian tới. Nhất là không thể dừng lại ở một kênh bán hàng, mà cần phải xem bán hàng đa kênh là xu hướng đem lại hiệu quả doanh thu, lợi nhuận cho các DN.
Chẳng hạn như việc kết hợp kênh truyền thống với các kênh thương mại điện tử (TMĐT) nhằm cải thiện doanh thu. Như chia sẻ của một chủ DN dệt may, thời gian tới, DN này sẽ tiếp tục mở thêm các cửa hàng tại các thành phố lớn để khách hàng trải nghiệm mua sắm sau khi xem hàng qua kênh online.
Theo vị chủ DN này, trước đây, công ty chủ yếu mở rộng sự hiện diện qua các cửa hàng ở các tuyến phố sầm uất hoặc ở các trung tâm thương mại, nhưng từ sau đại dịch Covid-19 thì đẩy mạnh bán hàng qua kênh TMĐT và cho thấy đã đạt hiệu quả tốt hơn.
Trước tầm quan trọng của TMĐT trong bán lẻ đa kênh, vào ngày 8/8, Hội DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho biết đang phối hợp cùng đội ngũ chuyên gia về e-commerce (TMĐT) tiến hành một cuộc khảo sát quan trọng. Mục tiêu của cuộc khảo sát này là để hiểu rõ hơn về nhu cầu và tình hình hiện tại của các DN. Điều này giúp Hội cung cấp hỗ trợ tốt hơn cho các DN trong việc xây dựng và phát triển các kênh TMĐT.
Riêng về bán hàng đa kênh của các DN ở Việt Nam hiện nay, như lưu ý của Ts. Alrence S. Halibas (Đại học RMIT), trong thời đại kỹ thuật số hậu Covid-19, việc thu hút và giữ chân người tiêu dùng đa kênh (tức người mua sắm trên nhiều kênh trực tuyến và trực tiếp khác nhau) càng ngày càng khó do thói quen và sở thích của người tiêu dùng thay đổi không ngừng, cũng như tính phức tạp của việc tích hợp các kênh khác nhau như cửa hàng thực tế, trang web, ứng dụng mua sắm trên thiết bị di động và mạng xã hội.
Theo Ts. Halibas, tại Việt Nam, các báo cáo chỉ ra rằng, xu hướng mua sắm đa kênh tăng mạnh suốt thời kỳ đại dịch, đặc biệt trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Khi người tiêu dùng Việt dần quen với bán lẻ đa kênh, hình thức này cũng dần trở thành chuẩn mực và xu hướng mới trong ngành bán lẻ.
Chính vì vậy, trong tương lai, vị chuyên gia của RMIT cho rằng, các nhà bán lẻ và tiếp thị nên triển khai chiến lược bán lẻ đa kênh tích hợp các kênh truyền thống và kỹ thuật số để mang lại trải nghiệm mua sắm liền mạch cho khách hàng.
“Các nhà bán lẻ phải đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên tất cả các kênh. Điều này có nghĩa họ cần cung cấp trải nghiệm mua sắm nhất quán và gắn kết bằng sử dụng các kênh khác nhau, cho phép người tiêu dùng lựa chọn kênh họ yêu thích để nghiên cứu sản phẩm, mua hàng và nhận hàng”, ông Halibas nói.
Chẳng hạn, người tiêu dùng ưa chuộng webrooming (tìm kiếm trực tuyến rồi mua tại cửa hàng thực tế) nên có lựa chọn mua hàng trực tuyến mà không phải chờ giao hàng. Thay vào đó, họ có thể nhận hàng đã mua từ bất kỳ chi nhánh nào gần đó (còn được gọi là click-and-collect hay BOPIS - mua trực tuyến và nhận tại cửa hàng).
Hơn nữa, với tính phổ biến ngày càng tăng của thương mại trên mạng xã hội (social commerce) - xu hướng các mạng xã hội trở thành nền tảng để bán sản phẩm và dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng, các DN Việt cũng nên hướng tới cung cấp trải nghiệm mua hàng liền mạch ở các kênh mạng xã hội.
Thế Vinh