Tỉnh Bến Tre là địa phương không chỉ nổi tiếng với trái dừa mà còn được biết đến với giống bưởi Da Xanh ngọt lịm. Diện tích trồng bưởi Da Xanh ở tỉnh này đến nay đã phát triển hơn 7.200 ha (chiếm 20% diện tích cây ăn trái của toàn tỉnh), cho sản lượng khoảng 57.000 tấn/năm.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc HTX nông nghiệp bưởi Da Xanh Mỹ Thạnh An, cho biết xã Mỹ Thạnh An (thuộc thành phố Bến Tre) là nơi đầu tiên cây bưởi Da Xanh phát triển với chất lượng ngon và có giá trị kinh tế, là niềm tự hào của dân Bến Tre.
Bảo hộ bưởi Da Xanh
Sau đó, giống bưởi Da Xanh được đưa đến những vùng miền khác để trồng nhưng chất lượng không được đạt như gốc gác ban đầu. Vì vậy, người trồng bưởi và những doanh nghiệp (DN) kinh doanh về bưởi Da Xanh ở Bến Tre phải chịu sự cạnh tranh từ các vùng miền khác từ giá trị cho đến chất lượng.
Thời gian qua, đã có sự nhầm lẫn của người tiêu dùng về chất lượng bưởi Da Xanh Bến Tre (vốn mới chỉ đáp ứng 50 – 60% nhu cầu thị trường). Do đó, từ 2 – 3 năm trước, người trồng bưởi và kinh doanh bưởi ở Bến Tre có kiến nghị đến chính quyền cấp tỉnh là làm như thế nào để bảo hộ được bưởi Da Xanh Bến Tre và phân biệt so với bưởi Da Xanh ở các vùng miền khác.
Cho đến gần đây, tháng 3/2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) đối với sản phẩm bưởi Da Xanh Bến Tre và sản phẩm Dừa Xiêm Xanh Bến Tre. Theo đó, khu đất thịt pha sét trên cù lao tại các huyện Châu Thành, Bình Đại, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách và Tp.Bến Tre là vùng trồng của chỉ dẫn địa lý này.
Thông qua Giấy chứng nhận CDĐL này, ông Nguyễn Chí Thiện nhận định sẽ tăng sự cạnh tranh và tăng sự nhận biết của người tiêu dùng, của DN với bưởi Da Xanh Bến Tre. Mặt khác, đó là tiền đề để những người trồng bưởi an tâm sản xuất và giữ vững chất lượng.
Từ đây, cơ hội để mở rộng thị trường và hướng đến xuất khẩu là điều hoàn toàn có thể với bưởi Da Xanh Bến Tre. Phía HTX bưởi Da Xanh Mỹ Thạnh An (với khả năng cung ứng ra thị trường 200 tấn/năm, được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP) cũng đang bắt tay tham gia vào chuỗi giá trị bưởi mà tỉnh Bến Tre đang xây dựng để hướng đến xuất khẩu.
Theo đánh giá từ giới chuyên gia, trái dừa Xiêm Xanh và bưởi Da Xanh Bến Tre sau khi có CDĐL thì cơ hội để “xuất cảnh” ra thị trường thế giới sẽ rất khả quan trong thời gian tới, dễ dàng tiếp cận những thị trường khó tính, nhất là thị trường EU, Mỹ, Nhật.
Bưởi Da Xanh Bến Tre có nhiều cơ hội xuất khẩu sau khi được cấp Giấy chứng nhận CDĐL
Chắp cánh cho xuất khẩu
Nên biết rằng việc cấp những giấy chứng CDĐL cho bưởi, dừa và một số loại trái cây khác vẫn còn quá ít ỏi so với một quốc gia có thế mạnh nông nghiệp như Việt Nam.
Thông tin được đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đưa ra tại hội thảo quốc tế về vai trò của chỉ dẫn địa lý đối với phát triển kinh tế địa phương diễn ra ở Tp.HCM ngày 4/4 cho thấy tính đến tháng 3/2018, Việt Nam đã bảo hộ 66 CDĐL, trong đó có 60 CDĐL của Việt Nam và 6 CDĐL của nước ngoài.
Tình trạng này phần nào lý giải vì sao có tới 90% nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới nhãn hiệu của nước ngoài khi vấn đề CDĐL đối với trái cây chưa được quan tâm đầy đủ.
Thực tế từ thị trường thế giới đã thể hiện rõ những loại trái cây có CDĐL, được đăng ký bảo hộ sẽ có giá trị tăng gấp nhiều lần so với loại trái cây không có CDĐL.
Ts Phạm Xuân Đà (Bộ KH&CN) cho biết việc cấp chỉ dẫn địa lý Bến Tre cho các sản phẩm bưởi Da xanh và dừa Xiêm Xanh là cơ sở pháp lý quan trọng để các DN và người sản xuất giữ gìn và nâng cao danh tiếng, phát triển thị trường, bảo vệ những giá trị về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm đối với người tiêu dùng…
Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu tiên trong quá trình tổ chức sản xuất kinh doanh, quảng bá sản phẩm mang CDĐL bởi hầu hết quy mô sản xuất của các nông hộ nhỏ lẻ, tổ chức sản xuất nhỏ bé, liên kết chuỗi giá trị còn yếu, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều…
“Với bối cảnh hội nhập như hiện nay, rất nhiều tập đoàn bán lẻ ngoại tràn vào Việt Nam và chúng ta cũng muốn gia tăng đưa hàng hoá xuất ra nước ngoài, việc xây dựng và quản lý tốt CDĐL có ý nghĩa rất lớn để phát triển sản phẩm của chúng ta, để vừa giữ được thị trường trong nước vừa xuất khẩu” – Ts Phạm Xuân Đà nhấn mạnh.
Theo lưu ý của Ts Delphine Marie-Vivien, chuyên gia người Pháp về ngành hàng nông sản, qua theo dõi về CDĐL ở Việt Nam, khúc mắc lớn nhất chính là chưa được người sản xuất và DN tận dụng nhiều, rất ít sử dụng trong thương mại dù cho loại trái cây đó đã được đăng ký và bảo hộ trên thị trường. Đó là điều rất đáng tiếc!
Để khơi thông vấn đề này, chẳng hạn với hai loại trái cây mới được cấp CDĐL như dừa Xiêm Xanh và bưởi Da Xanh Bến Tre, theo khuyến nghị từ giới chuyên gia, nên cấp quyền sử dụng CDĐL hai loại trái cây trên cho cá nhân, tổ chức tuân thủ qui trình quản lý chất lượng CDĐL và đáp ứng các điều kiện khác để được sử dụng CDĐL.
Hơn thế nữa, cần quảng bá sản phẩm có sử dụng CDĐL ở trong và ngoài nước. Mặt khác, nên đăng ký bảo hộ CDĐL cho sản phẩm bưởi, dừa ở nước ngoài nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xuất khẩu.
Thế Vinh