Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) đánh giá như vậy tại Hội nghị quốc tế: Cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 15/3.
Trong quyết tâm cải cách điều kiện kinh doanh, các bộ được ví như những con tàu, đến nay có bộ ra ga cuối cùng nhưng có bộ chưa vào ga xuất phát
Điểm lại kết quả các chỉ số môi trường kinh doanh 2014 - 2017, Nghị quyết 19 được ban hành từ 2014, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, đánh giá, kết quả đạt được còn khá xa so với mục tiêu. Việt Nam chưa đạt được trung bình ASEAN 4 về môi trường kinh doanh; số ĐKKD bãi bỏ còn thấp so với mục tiêu bãi bỏ ít nhất 1/3-1/2 số điều kiện hiện hành.
Đáng chú ý, một số bộ còn gộp số bãi bỏ và sửa đổi để đánh giá hoàn thành mục tiêu; số bãi bỏ thấp xa so với yêu cầu; sửa đổi là chủ yếu.
"Trong cuộc chiến cắt bỏ điều kiện kinh doanh (ĐKKD), các bộ được ví như những những con tàu, có bộ ra ga cuối cùng nhưng có bộ chưa vào ga xuất phát", Ts. Cung nhấn mạnh.
Về cải cách quy định điều kiện kinh doanh (ĐKKD), CIEM cho biết, dù đạt một số kết quả, chuyển động tích cực nhưng không đồng đều về quy mô, tốc độ và tính quyết liệt.
Trong đó, nhiều bộ ngành chưa đạt mục tiêu như Bộ NN&PTNT và Bộ TT&TT chưa có phương án cụ thể đối với các ĐKKD sửa đổi. Bộ Tài chính chưa thống kê toàn diện tổng số ĐKKD thuộc phạm vi quản lý của Bộ; số ĐKKD bãi bỏ; số ĐKKD sửa đổi cũng như phương án sửa đổi.
Bộ VH-TT&DL chưa thể hiện kết quả rà soát tổng thể ĐKKD theo từng ngành nghề; chưa thống kê toàn diện tổng số ĐKKD thuộc phạm vi quản lý của Bộ; số ĐKKD bãi bỏ; số ĐKKD sửa đổi.
Bộ TN&MT đã thực hiện rà soát, đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa ĐKKD nhưng không gửi kèm theo nội dung rà soát và phương án bãi bỏ, đơn giản hóa.
Ngoài ra, số hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan mới giảm được 10 điểm phần trăm; so với mục tiêu đề ra là phải giảm được ít nhất 20 điểm phần trăm.
"Số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành giảm chưa đáng kể so với mục tiêu là giảm ít nhất 1/2 danh mục hàng hóa (không phải là nhóm hàng hóa) thuộc diện kiểm tra chuyên ngành", báo cáo này nêu.
"Thủ tướng, Phó Thủ tướng nóng, nhưng có một số bộ trưởng, lãnh đạo địa phương chưa nóng; hoặc bộ trưởng nóng nhưng nhiều cục trưởng, vụ trưởng chưa nóng, các chuyên viên thậm chí còn lạnh...", ông Cung đánh giá.
Lê Thúy