Tại Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả năm 2019 và dự báo năm 2020 diễn ra ngày 3/1, Ts. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, cho biết sau “cú sốc” giá thịt lợn tăng hơn 50% trong quý IV/2019, triển vọng kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2020 đã không còn chắc chắn khi CPI của tháng 12/2019 đã tăng 5,23% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong 9 năm qua.
Giá thịt lợn tác động mạnh
Theo đánh giá của các chuyên gia, giá thịt lợn năm 2019 đã tạo nên “cú sốc” lớn cho thị trường và được chia làm 2 giai đoạn: nửa đầu năm giảm mạnh, nửa cuối năm tăng kỷ lục.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2019, giá thịt lợn hơi giảm xuống thấp kỷ lục 28.000 - 32.000 đồng/kg từ mức 46.000 - 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ tháng 7, giá thịt lợn có xu hướng tăng dần và tăng mạnh nhất từ tháng 10 đến nay với mức tăng khoảng 60 - 80% so với tháng 9 và tăng 60 - 95% so với đầu năm 2019. Giá các sản phẩm thịt lợn hiện đang ở mức tất cao: lợn hơi 80.000 - 90.000 đồng/kg, thành phẩm 160.000 – 180.000 đồng/kg.
Để bình ổn giá thịt lợn, Bộ Công Thương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu thịt thiết hụt. Hiện tại có 24 quốc gia với 1.753 DN được cấp phép, có đủ điều kiện xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt động vật vào Việt Nam. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản tới các bộ ngành, đề xuất giảm thuế nhập khẩu thịt gà và thịt lợn.
Bước sang đầu năm 2020 - cũng là thời điểm sát Tết Nguyên đán, giá thịt lợn không có dấu hiệu giảm, tuy nhiên nhờ các biện pháp bình ổn từ cơ quan quản lý, giá thịt lợn không có chiều hướng gia tăng.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng thịt lợn là mặt hàng được bình ổn nhưng lại bình ổn theo giá thị trường, như vậy gọi gì là bình ổn? Nguyên nhân là do các cơ quan chức năng không quyết định được giá lợn tại các trang trại. Luật Giá đã quy định trong những thời điểm khó khăn phải có những biện pháp cứng rắn hơn và phải kê khai giá, xác định giá thành. Ví dụ giá thành chăn nuôi của các công ty lớn chỉ ở mức 30.000 - 40.000 đồng/kg nhưng bán ra 80.000 - 90.000 đồng/kg là lãi quá cao.
Đánh giá về tác động của giá thịt lợn tăng, Ts. Nguyễn Đức Độ cho rằng triển vọng kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2020 đã không còn chắc chắn khi CPI của tháng 12/2019 đã tăng tới 5,23% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính đưa ra 3 kịch bản chính. Thứ nhất, nếu giá thịt lợn giảm mạnh ngay trong tháng Tết thì lạm phát trung bình năm 2020 có thể chỉ ở mức 3%.
Tuy nhiên, nếu giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao như hiện nay trong quý I/2020 thì lạm phát trung bình năm 2020 có thể xoay quanh mức 3,5%.
Kịch bản tệ nhất là dịch tả lợn châu Phi chưa kết thúc trong nửa đầu năm 2020 và lạm phát so với cùng kỳ năm trước chỉ bắt đầu giảm từ giữa năm 2020 thì việc kiềm chế lạm phát dưới 4% tương đối khó khăn, nhất là nếu xu hướng tăng của lạm phát cơ bản vẫn tiếp tục trong những tháng tới.
Với giả dụ các yếu tố khác tác động đến lạm phát như giá dầu, tỷ giá, các dịch vụ y tế, giáo dục… không thay đổi lớn, Ts. Nguyễn Đức Độ dự báo lạm phát sẽ tăng trung bình khoảng 3,5% (+/-0,5%) trong năm 2020.
![]() |
Dự báo lạm phát năm 2020 sẽ phức tạp, khó lường |
Nhiều thách thức kiểm soát CPI
Tại Hội thảo, các chuyên gia đều có chung dự báo lạm phát năm 2020 sẽ phức tạp, khó lường hơn, do việc tiếp tục điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định một số mặt hàng có thể có xu hướng tăng giá. Cụ thể, giá xăng dầu không loại trừ khả năng có thể tăng nhẹ do những bất ổn kinh tế, chính trị thế giới.
Về giá thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, nguồn cung thịt lợn trong nước hiện đang giảm, việc tái đàn chưa hiệu quả nên dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm 2020.
Cùng với đó, giá dịch vụ y tế dự kiến chịu tác động từ việc điều chỉnh kết cấu chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế (bước 3) và việc điều chỉnh kết cấu chi phí quản tiền lương theo mức lương cơ sở mới. Giá dịch vụ giáo dục sẽ tiếp tục tăng trong năm 2020 theo lộ trình của Chính phủ.
Về giá điện, mặc dù hiện nay chưa có phương án điều chỉnh tăng trong năm 2020, tuy nhiên nhu cầu sử dụng điện vẫn tăng cao phục vụ sản xuất và tiêu dùng, sẽ tác động tăng CPI.
Ngoài ra, giá đất trong bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024 sẽ điều chỉnh tăng khoảng 10 - 20% so với năm 2019. Giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, may mặc có thể tăng theo quy luật vào đầu và cuối năm do nhu cầu mua sắp trong dịp lễ Tết…
Theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, việc quản lý và điều hành giá cả nói riêng, kiểm soát lạm phát năm 2020 nói chung sẽ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều so với mấy năm gần đây.
“CPI và lạm phát không chỉ là kết quả của sự vận động hay quản lý, điều hành thị trường giá cả, mà còn là hệ quả tất yếu của các chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó nổi bật là chính sách đầu tư, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa”, ông Ánh nói.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đặt câu hỏi: “Khi kinh tế 2019 là bức tranh sáng, thì kinh tế 2020 liệu có tiếp tục đà bứt phá đó?”. Theo ông Long, nhiệm vụ là vô cùng nặng nề. Bởi kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tăng trưởng trên nền tăng trưởng cao của GDP năm 2020 là không hề dễ, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, kinh tế trong nước còn khó khăn, nhiều động lực cho tăng trưởng đã tới hạn.
Theo Cục Quản lý giá, để kiểm soát lạm phát mục tiêu cả năm 2020 bình quân dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2020 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt, chủ động và nhất là kịch bản điều hành giá quý I/2020 phải hết sức quan trọng.
Với những yếu tố tác động tới CPI như các dự báo, Cục Quản lý giá cho biết sẽ không thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước định giá vào quý I/2020, thực hiện kiểm soát chặt chẽ và bình ổn giá cả thị trường trước, trong và sau Tết nhất là đối với mặt hàng thịt lợn, dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, đi lại phục vụ dịp lễ Tết.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, để kiểm soát tốt giá cả thị trường, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán và những tháng đầu năm 2020.
Thanh Hoa
Ths. Lê Thanh Nga - Vụ Tài chính - Tiền tệ, Bộ KH&ĐT Để kiểm soát lạm phát trong năm 2020 cần theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas…) để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với các mặt hàng giá thị trường có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây như xăng dầu, thịt lợn, lương thực… Ông Lê Quốc Phương - Nguyên Phó giám đốc Trung tâm thông tin, Công nghiệp & Thương mại, Bộ Công Thương Chính phủ cần tiếp tục có các chính sách kiềm chế lạm phát, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, có thể nhập khẩu nếu cần để tránh tăng giá đột biến, đặc biệt là với mặt hàng thịt lợn… Về lâu dài, cần có các biện pháp hạn chế thông tin thất thiệt gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng và bất ổn thị trường; chuyển nền kinh tế từ tăng trưởng theo chiều rộng (chủ yếu dựa trên các yếu tố đầu vào – vốn, lao động, tài nguyên) sang tăng trưởng theo chiều sâu, dựa trên đổi mới sáng tạo, trình độ công nghệ cao. Bà Đỗ Thị Ngọc - Vụ trưởng Thống kê giá, Tổng cục Thống kê Biến động về giá thịt lợn dự báo sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng trong quý I/2020 do dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Bên cạnh đó, lĩnh vực dịch vụ công cũng ảnh hưởng đến CPI năm 2020 do lộ trình điều chỉnh giá y tế, giá dịch vụ giáo dục và tiền lương. Các mặt hàng tiêu dùng như may mặc, đồ uống dự báo sẽ tăng cao dịp Tết, trong khi giá xăng dầu cũng là yếu tố tiềm ẩn nhiều rủi ro trong năm tới. |