Tại Toạ đàm trực tuyến "Điểm đến kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021" ngày 30/7, hầu hết các chuyên gia đều nhận định quá trình phục hồi nền kinh tế đang yếu đi do dịch Covid-19 bùng phát. Trong khi đó, các gói hỗ trợ được Chính phủ đưa ra trước đó “nhắm” vào việc dịch bệnh sẽ ổn định trong quý II/2021 mà chưa tính tới làn sóng thứ 4. Vì vậy, các gói hỗ trợ này chưa đủ liều lượng, hy vọng sẽ có thêm các gói hỗ trợ tăng cường...
Rủi ro bên ngoài và cả thách thức trong nước
Hồi đầu năm, phần lớn các tổ chức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam theo kịch bản cơ sở ở mức trên 6%. Đến thời điểm này, kịch bản cơ sở mà các tổ chức này đưa ra đa phần đều ở mức 5 - 5,5%.
Nếu tiến trình tiêm vắc xin ngừa Covid-19 được đẩy nhanh hơn trong quý III thì đến quý IV kinh tế sẽ có sự phục hồi. |
Với kịch bản tiêu cực, hồi đầu năm dự báo xấu nhất thì tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn phải trên 5%, nhưng giờ xấu nhất chỉ trên 4%.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đương đầu với nhiều thách thức. Những rủi ro cần nhận diện và kiểm soát như thách thức về dịch bệnh, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, thiên tai, lũ lụt, bên cạnh đó là rủi ro về "bong bóng" tài sản, bất ổn tài chính toàn cầu.
Trong nước, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa biết đỉnh dịch khi nào sẽ đến. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 giảm 8,3% so với tháng trước và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 7 tháng chỉ tăng 0,7%; Sản xuất công ngiệp tăng trưởng rất chậm, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ; vốn FDI 7 tháng đăng ký giảm 11% so với cùng kỳ năm trước; giải ngân đầu tư công chậm rất rõ rệt; số lượng doanh nghiệp mới tháng 7 chỉ tăng 0,7%, còn số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động rất đáng chú ý.
Bên cạnh đó, mô hình sản xuất "3 tại chỗ" đang gặp một số trục trặc cũng là thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt. Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, doanh nghiệp đang áp dụng “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, có một số khó khăn ở khâu có nhân công không thuộc biên chế công ty như: bốc vác, vận chuyển… Ví dụ, hiện nay đang mùa thu hoạch lúa ở miền Tây, nhưng do nhiều tỉnh đang áp dụng Chỉ thị 16, nên việc thu hoạch, vận chuyển hàng hóa đang gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, ông Trung đánh giá năng lực quản trị của doanh nghiệp đã tăng lên sau khi dịch Covid-19 bùng phát. Theo đó, doanh nghiệp đã thích nghi và tổ chức bộ máy hợp lý hơn trong khâu bán lẻ và thực phẩm tiêu dùng, phần nào giảm bớt khó khăn.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng, muốn thoát “xấu” nhanh chỉ còn cách chống dịch tốt, cùng với các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa giúp thị trường, doanh nghiệp vượt khó.
Cần gói hỗ trợ "đủ liều"
Theo TS. Cấn Văn Lực, giải pháp quan trọng lúc này là cần phải nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và đẩy nhanh quá trình tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Ngoài việc thực hiện Nghị định 52 của Chính phủ về giãn hoãn thuế, cần nghiên cứu về gói hỗ trợ mới. Không thể chủ quan với lạm phát nhưng cũng không nên bóp nghẹt quá.
TS. Cấn Văn Lực nhắc lại, cần lưu ý đến "bong bóng", các hiện tượng "nóng" gần đây liên quan đến bất động sản, chứng khoán và vẫn cần theo dõi các động thái của quốc tế về các gói nới lỏng định lượng, nâng lãi suất.
“Từ nay đến cuối năm, điểm sáng là thế giới phục hồi tương đối tốt, chính vì vậy xuất khẩu của Việt Nam mới tăng trưởng được gần 30%. Trong nước, nếu tiến trình tiêm vắc xin ngừa Covid-19 được đẩy nhanh hơn trong quý III thì đến quý IV, kinh tế sẽ có sự phục hồi”, ông Lực kỳ vọng.
Về những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nói chung cũng như doanh nghiệp hàng không, dịch vụ trong thời gian tới, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, sau gói 62.000 tỷ và gói 16.000 tỷ thì gói 26.000 tỷ mà Chính phủ vừa đưa ra có cách thức tiếp cận dễ dàng hơn, hiệu quả hơn.
“Dịch bệnh gây khó khăn chưa từng có, vì vậy những gói hỗ trợ cũng phải lớn chưa từng có”, ông Tuấn đề xuất.
Các gói hỗ trợ mà Chính phủ đưa ra trước đó “nhắm” vào việc dịch bệnh sẽ ổn định trong quý II/2021 và doanh nghiệp sẽ bắt đầu hoạt động ổn định từ quý III, quý IV mà chưa tính tới làn sóng bùng phát lần thứ 4. Vì vậy, đại diện VCCI cho rằng, các gói hỗ trợ này chưa "đủ liều", trong thời gian tới cần có thêm các gói hỗ trợ tăng cường.
Về mặt chính sách, trước yêu cầu thực tiễn, Chính phủ đang có những giải pháp mạnh mẽ để đẩy nhanh quá trình cải cách hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, giải pháp trung và dài hạn đã có, nhưng các doanh nghiệp có “sống sót” được để tiếp cận các giải pháp đó hay không lại là vấn đề cần bàn đến. Quan trọng nhất lúc này là cần thúc đẩy “hộ chiếu vắc xin” để hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, chiến lược tiêm chủng vắc xin trong thời gian tới nhanh hay chậm, bình đẳng hay không cũng là những vấn đề cần lưu ý.
Các doanh nghiệp tư nhân có vẻ hơi “chạnh lòng” so với doanh nghiệp nhà nước trong việc tiếp cận vắc xin. Do đó, đẩy nhanh việc tiêm chủng vắc xin cũng như đảm bảo công bằng trong tiếp cận là những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.
“Những ứng xử của Chính phủ, địa phương trong thời gian tới đối với doanh nghiệp hy vọng sẽ như “những liều vắc xin”, bởi các doanh nghiệp cũng đang rất cần những liều vắc xin kịp thời. 5 tháng cuối năm, hy vọng dịch bệnh ổn định, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường sẽ tăng nhưng không quá khốc liệt”, ông Tuấn nói.
Thanh Hoa