Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tại cuộc họp để chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 2 của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp trong nhiệm kỳ Chính phủ của Quốc hội khóa XIV ngày 9/2/2017. Hội nghị lần thứ 2 của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp dự kiến tổ chức vào cuối tháng 3/2017 tại Hà Nội.
Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành thảo luận, đánh giá kỹ hơn về sự phát triển về số lượng, đặc biệt là chất lượng sản xuất, kinh doanh của các loại hình DN nói chung. “Phải đánh giá kỹ hơn bao nhiêu DN đang hoạt động và đăng ký mã số thuế; bao nhiêu DN phát sinh thuế, làm ăn có lãi so với năm 2016?”.
![]() |
Hội nghị lần thứ 2 của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp dự kiến tổ chức vào cuối tháng 3/2017 tại Hà Nội
Tại cuộc họp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều đã báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Theo đó, Nghị quyết số 35 - Nghị quyết ra đời sau Hội nghị lần thứ nhất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với doanh nghiệp hổi tháng 4/2017 tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt được kết quả quan trọng nhất. Nghị quyết và quá trình thực hiện đã tạo dựng niềm tin của cộng đồng DN vào cam kết về Chính phủ kiến tạo, hỗ trợ và thúc đẩy DN phát triển, có chuyển dịch tư tưởng, nhận thức trong bộ máy công quyền ở cả trung ương và địa phương với tinh thần phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Nhờ đó năm 2016 đạt kỷ lục về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký khi có 110.100 DN, tổng vốn đăng ký là hơn 891.000 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ. Bình quân một DN thành lập mới có vốn đăng ký 10 tỷ đồng, tăng 40,9%. Số dự án đầu tư nước ngoài mới tăng 23,3%, tổng vốn đăng ký 26,89 tỷ USD, tăng 11,5%, vốn giải ngân đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% là mức giải ngân vốn cao nhất từ trước tới nay.
Theo đánh giá của VCCI, Bộ Tài chính là cơ quan tiên phong trong thực hiện Nghị quyết 35 với những cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan. Thứ hai là Bộ Công an về chính sách visa điện tử- sáng kiến kỹ thuật quan trọng thúc đẩy du lịch- đầu tư.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, hai báo cáo cho biết cản trở khi thực hiện Nghị quyết này là một số bộ, ngành, địa phương thực hiện không tích cực. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI: “Tinh thần hừng hực trong Chính phủ, một số bộ, ngành nhưng xuống địa phương thì một số nơi làm chưa tốt và nhiều nơi còn “lạnh lẽo” lắm. Tinh thần cải cách chưa chuyển được xuống cấp cơ sở, cấp cán bộ công chức hàng ngày làm việc với người dân và doanh nghiệp. Tình trạng Nghị quyết 35 đang là “nóng trên lạnh dưới”.
Vì vậy, VCCI và Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo với nỗ lực cải cách, tới năm 2020, cả nước sẽ đạt và vượt mốc hơn 1 triệu DN hoạt động theo mục tiêu mà Nghị quyết 35 đặt ra. Như vậy, chắc hẳn nếu không có tình trạng “lạnh dưới” như ông Lộc chỉ ra thì hẳn Nghị quyết 35 - đã mang lại những kết quả tốt hơn.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cho rằng tinh thần thực hiện phát triển DN không phải là “hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn” nữa mà phải là tạo thuận lợi thương mại cho đầu tư, kinh doanh, phù hợp với mong muốn chi phí sản xuất thấp, ít rủi ro về pháp lý của cộng đồng DN.
Thống nhất với các ý kiến thảo luận của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, địa phương, VCCI xây dựng báo cáo việc thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Từ nay tới khi tổ chức hội nghị, các địa phương tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là tổ chức đối thoại với cộng đồng DN, xử lý các kiến nghị của DN ở từng cấp, tránh để dồn tất cả các kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ.
“Bao nhiêu bộ ngành thực hiện cam kết và có chương trình hành động Nghị quyết 35? Ai không làm, ai làm chậm? Phải có địa chỉ cụ thể. Giờ mới có 40 tỉnh có số liệu đăng ký DN với 1,2 triệu DN tới năm 2020 nhưng gần 30 tỉnh khác thì như thế nào?”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính đánh giá sâu về hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN, kết quả tạo thuận lợi thương mại và thực hiện cơ chế 1 cửa quốc gia, việc đơn giản hóa 73 thủ tục kiểm tra chuyên ngành liên quan nhiều tới các ngành sản xuất; có giải pháp phát triển thị trường vốn chứng khoán, hỗ trợ cho khối ngân hàng.
Bộ KH&ĐT báo cáo về chỉ số phát triển DN và công bố công khai bộ chỉ số này cho năm 2017, động viên khen thưởng các đơn vị phát triển DN tốt. NHNN đánh giá rõ hơn công cụ chính sách tín dụng (trong nguồn vốn huy động của ngân hàng thương mại) để hỗ trợ các lĩnh vực, địa bàn trọng tâm; nâng cao tỉ trọng doanh thu các dịch vụ phi tín dụng của các ngân hàng.
“Phải đánh giá kỹ hơn bao nhiêu DN đang hoạt động và đăng ký mã số thuế; bao nhiêu DN phát sinh thuế, làm ăn có lãi so với năm 2016?”, Phó Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu các bộ, ngành cũng cần đánh giá rõ về lợi nhuận DN tạo ra hàng năm cùng với tiền lương, thu nhập của người lao động để nhận diện rõ được sức khỏe của cộng đồng DN.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT đưa ra các giải pháp tốt hơn để DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các kiến nghị cụ thể về thị trường quyền sử dụng đất và vấn đề tích tụ ruộng đất. Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu việc giảm phí BOT. Bộ Xây dựng chủ trì đánh giá việc tháo gỡ khó khăn trong thị trường nhà đất, bất động sản. Bộ Công Thương nêu rõ giải pháp phát triển thị trường biên mậu, xuất khẩu và đặc biệt là phòng vệ thương mại chính đáng để bảo vệ DN trong nước.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ LĐTB&XH đề xuất giải pháp khơi thông thị trường lao động. Bộ KH&CN tập trung xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp theo quy định của Thủ tướng và khơi thông thị trường khoa học công nghệ.
Lê Thúy