Chưa bao giờ vấn đề sử dụng an toàn vệ sinh thực phẩm lại được “khơi” lên, tạo làn sóng dư luận bức xúc như hiện nay. Câu chuyện đang gây nhiều tranh cãi về việc Bộ Y tế cho nhập 9 tấn chất tạo nạc Salbutamol về Việt Nam, chỉ sử dụng khoảng 10% trong điều chế thuốc, số còn lại được tuồn ra để nuôi lợn.
Trong khi ngành chức năng đang “co mình” né trách nhiệm, người dân càng thêm lo lắng, hoang mang tìm phương án để tự bảo vệ mình.
Sử dụng chất cấm là tội ác
Theo quy định trước đây, hành vi sử dụng chất cấm phải gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn thì mới bị xử lý. Tuy nhiên, trong sản xuất chăn nuôi, quy định này gặp khó trong công tác xử lý khi doanh nghiệp vi phạm bởi việc định lượng thế nào là hậu quả nghiêm trọng, hậu quả lớn là rất khó.
Với những chất độc hại, trôi nổi ngoài thị trường được các chủ doanh nghiệp sử dụng trong chăn nuôi thường sẽ gây hậu quả lâu dài như chất Salbutamol sẽ gây ung thư cho người sử dụng.
Theo thống kê, thực phẩm bẩn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến 150.000 ca ung thư mỗi năm ở Việt Nam. Song, thực tế phải 10 năm sau khi ăn thực phẩm bẩn mới có thể chết người.
Hiện nay, các văn bản và chế tài xử lý các sai phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm đã rất nhiều và khá đầy đủ nhưng chưa đủ sức răn đe. Hầu hết các vi phạm về thực phẩm mới dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính, phạt tiền và một số hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh từ 1 đến 6 tháng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả…
Mới đây, Bộ Luật hình sự sửa đổi mới có hiệu lực từ ngày 1/7 quy định: “Cấu thành hình thức thay vì cấu thành vật chất là có thể xử lý. Theo đó, người nào có hành vi buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử lý hình sự, bị phạt tù đến 20 năm. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị xem xét phạt hành chính đến 1 tỷ đồng”.
Chúng ta đang có trong tay những chế tài mạnh chưa từng có từ trước đến nay. Tuy nhiên, dư luận vẫn lo ngại rằng liệu có thể giải quyết thấu đáo tận gốc vấn đề hay không?
![]() |
Người nào có hành vi buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử lý hình sự, bị phạt tù đến 20 năm. Các tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị xem xét phạt hành chính đến 1 tỷ đồng.
Cần giải pháp đồng bộ
Theo kết quả thanh tra của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong hai tháng đầu năm, cơ quan liên ngành đã phát hiện 18 vụ vi phạm về sử dụng chất cấm, xử phạt hành chính với số tiền 2,6 tỷ đồng. Thực tế cho thấy việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn tồn tại.
Sự lúng túng của các cơ quan quản lý, cụ thể là sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế, đã tạo điều kiện cho chất cấm vào thị trường trong nước. Xung quanh việc sử dụng chất tạo nạc Salbutamol trong chăn nuôi, một lần nữa, câu chuyện về trách nhiệm và sự phối hợp giữa các bộ lại được đặt ra.
Bộ NN&PTNT cho rằng có thể lượng Salbutamol dùng tạo nạc là do lượng chất này nhập khẩu vào quá nhiều qua con đường phục vụ làm thuốc cho người, nhưng lại được tuồn ra để nuôi lợn.
Phản bác ý kiến của Bộ NN&PTNT, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho rằng đơn vị này không liên quan đến quản lý Salbutamol mà trách nhiệm này thuộc về ngành dược.
Ngay lập tức, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) lên tiếng rằng họ không thể cấm DN nhập với mục đích để DN “năng động” làm đủ thuốc phục vụ nhân dân.(!)
Cơ quan quản lý đã vào cuộc quyết liệt việc buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương vẫn còn lơ là, chủ quan trong việc quản lý chất cấm.
Việc sử dụng chất cấm, kháng sinh phối trộn trong thức ăn của gia súc, gia cầm vẫn diễn ra, nhưng các cơ quan chức năng chưa thể giải quyết triệt để vì cơ sở sản xuất chủ yếu nhỏ lẻ.
Ông Phạm Tiến Dũng, Đội trưởng Đội thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn,_đánh giá: “Để đạt được hiệu quả như mong muốn, ngoài chế tài, phải có sự đồng bộ từ quy định, chính sách đến hoạt động tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra của lực lượng chức năng. Trong đó, việc tuyên truyền rất quan trọng, để người tiêu dùng hiểu rõ về chất cấm, lên án, tẩy chay, đồng thời sẽ tham gia tố giác hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”.
Thanh Hoa
Ông Phạm Thanh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là một tội ác, tội ác này ngày đêm “tàn sát” người tiêu dùng. Mà đã là tội ác thì phải bị trừng trị. Đâu cứ phải sử dụng chất cấm là tăng chất lượng thịt gà, thịt bò, thịt heo. Cơ quan hữu quan cần có quy chế kiểm soát để sản phẩm sạch là sạch, bẩn là bẩn giúp người tiêu dùng lựa chọn dễ chứ đừng “vàng thau lẫn lộn” chỉ thiệt hại cho doanh nghiệp chân chính. Ông Nguyễn Văn Việt - Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Để chấm dứt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cần phải có sự hợp sức và đồng bộ. Thứ nhất là phải có quyết tâm chính trị của toàn bộ hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Thứ hai phải có cách làm mới. Thứ ba toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc. Chúng tôi mong rằng trong thời gian sắp tới, cùng với C49, các lực lượng khác, chúng ta sẽ vào cuộc. Từ sau ngày 01/07, vấn đề sử dụng chất cấm sẽ giảm. Bất cứ ai khi sử dụng chất cấm sẽ phải suy nghĩ về hậu quả của nó, không chỉ về kinh tế mà hậu quả về mặt hình sự nữa. Ông Trần Trọng Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an đã chỉ đạo lập hai tổ trọng điểm thí điểm ở miền Bắc và miền Nam để kiểm tra các lò mổ, hộ chăn nuôi nếu phát hiện vi phạm sử dụng chất cấm sẽ bắt giữ, tiêu hủy ngay. Thông tư 01 sửa đổi bổ sung đối với Thông tư 57 đã quy định rõ hơn về định tính, định lượng của chất cấm được xác định trong thức ăn chăn nuôi, trong sản phẩm động vật heo được giết mổ hoặc ở trang trại. Ngoài xử phạt về tiền thì một trong nhưng biện pháp bổ sung đó là tiêu hủy đối với tang vật. |