Thông tin mới cập nhật từ một doanh nghiệp (DN) hàng đầu về xuất khẩu (XK) tôm là CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC) cho thấy trong tháng 8/2024 vừa qua có doanh số tiêu thụ rất khả quan, đạt 30,38 triệu USD, tăng gần 36% so cùng kỳ năm trước. Còn sản xuất tôm thành phẩm đạt 3.450 tấn, tăng đến 74% so cùng kỳ năm 2023.
“Mắt xích chủ chốt” là chế biến xuất khẩu
Theo FMC, do có ký kết nhiều hợp đồng với khách hàng nên phía công ty gia tăng chế biến để thực hiện giao hàng đúng tiến độ hợp đồng, sản xuất tôm thành phẩm tháng 8/2024 tăng nhiều so cùng kỳ năm trước. Các trại nuôi cũng đã hoàn tất thu hoạch tôm, và đang cải tạo ao chuẩn bị cho vụ nuôi mới khi thời tiết thuận lợi trở lại.
Cải thiện “sức khỏe” lĩnh vực sản xuất trong các tháng cuối năm nay đang trông chờ vào sự bứt phá của các DN Việt với hướng đi căn cơ. |
Không chỉ công ty nêu trên, các DN trong lĩnh vực sản xuất chế biến thủy sản đang nỗ lực cải thiện sản xuất, tích trữ hàng tồn kho cho mùa lễ hội vào cuối quý 3 và quý 4/2024 với kỳ vọng XK sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh ở những thị trường trọng điểm.
Như nhận định mới đây của Công ty chứng khoán VietCap, khi dần đến mùa lễ hội, ngành XK thủy sản của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh hơn so với cùng kỳ năm trước trong các cuối năm 2024. Tuy vậy, riêng với XK tôm, vẫn tồn tại nhiều thách thức, bao gồm cạnh tranh gia tăng từ Ecuador và Ấn Độ tại thị trường Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh đó, dịch bệnh tôm và điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng và nguồn cung.
Và để thúc đẩy động lực tăng trưởng trong các tháng cuối năm nay, riêng với DN ngành tôm, giới chuyên gia cho rằng họ cần có hướng đi căn cơ. Đặc biệt là coi trọng khâu tìm hiểu, thâm nhập thị trường, lắng nghe nhu cầu, xu thế người tiêu dùng để kịp thời đáp ứng, thu hút. Thông thường, các DN sẽ hướng về “mắt xích chủ chốt” là chế biến XK, coi như đây là cứu cánh.
Theo đó, khâu chế biến XK tôm phải năng động tích cực hơn bao giờ hết như giải pháp nghiên cứu mặt hàng mới, thậm chí đáp ứng từng lễ hội, sự kiện vào dịp cuối năm. Nhất là tìm kiếm khách hàng mới thông qua hoàn thiện mình đáp ứng các yêu cầu của các hệ thống phân phối cao cấp và lớn, đơn cử như thực thi các giải pháp sản xuất bền vững.
Còn ở ngành sản xuất dệt may, tín hiệu đơn hàng XK hiện nay được cho là khá tích cực. Đơn hàng trong tháng 8/2024 của nhiều DN dệt may nội địa khá khả quan, riêng tháng 9 là tháng giao mùa, có thể giảm hơn một chút, nhưng đến tháng 10,11,12 thì đơn hàng dự báo sẽ tương đối dồi dào, tuy vậy vẫn phụ thuộc rất nhiều vào biến động kinh tế vĩ mô của các nước.
Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), có đơn hàng được coi như đảm bảo được một điều kiện cần để DN duy trì hoạt động, giữ khách hàng, thị phần, thị trường cùng với lao động, đón cơ hội phát triển trở lại. Nhưng ở góc độ tài chính, cũng cần nhìn nhận hiệu quả chưa được cải thiện bởi đơn giá vẫn thấp hơn 2023.
Còn nhiều việc phải giải quyết
Bàn về mục tiêu XK của ngành dệt may Việt đạt 44 tỷ USD trong năm nay, ông Trường cho rằng phụ thuộc rất nhiều vào tín hiệu thị trường trong quý 4/2024. Nếu quý 4 quay trở lại như những tháng vừa qua, XK đạt khoảng 4 tỷ USD/tháng thì chúng ta có thể đạt được mục tiêu đặt ra.
Tuy nhiên, như băn khoăn của vị chủ tịch Vinatex, thách thức lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam hiện nay là chưa biết dự báo tình hình như thế nào, có thể có những tháng rất tốt, nhưng ngay sau đó có 1-2 tháng lại trở nên rất xấu. Diễn biến thị trường từ năm 2022 đến nay đã cho những nhà quản lý ngành dệt may bài học là luôn luôn phải có những dự báo ngắn hơn, cập nhật hơn, quyết định quản lý nhanh hơn, linh hoạt hơn nếu muốn đón được các sóng của những đợt tăng trưởng trở lại trong ngắn hạn của thị trường thế giới.
Không chỉ kỳ vọng tăng trưởng đột phá vào các tháng cuối năm ở ngành sản xuất chế biến thủy sản hay dệt may, với các lĩnh vực sản xuất chủ lực khác trong nước, điều mong mỏi là số lượng các đơn đặt hàng XK mới sẽ tăng. Và nhất là năng lực của các DN sản xuất nội địa sẽ tiếp tục được cải thiện (trong đó có tác động tổng hợp từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ).
Cần lưu ý, trong công bố vào ngày 4/9 về Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành Sản xuất Việt Nam của S&P Global cho thấy chỉ đạt 52,4 điểm trong tháng 8/2024, giảm so với mức 54,7 điểm trong tháng 7/2024.
Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho rằng lĩnh vực sản xuất của Việt Nam có sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại so với mức đặc biệt cao được ghi nhận trong tháng 6 và tháng 7/2024.
Tuy nhiên, những mức tăng này luôn khó duy trì, và tốc độ tăng trưởng vẫn đáng kể nên có rất ít lý do phải lo ngại về khía cạnh này. Mặc dù vậy, theo ông Harker sẽ còn nhiều việc phải giải quyết trong những tháng tới với ngành sản xuất Việt.
Thực ra, xét về hạn chế chủ quan cho các DN sản xuất nội địa hiện nay (đặc biệt với DN xuất khẩu) là tiếp tục gặp khó trong việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường do chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí tuân thủ cao (đặc biệt với các quy định, tiêu chuẩn mới), lãi suất cho vay mặc dù giảm dần nhưng còn cao.
Cho nên, ngoài sự hỗ trợ từ khâu chính sách, để cải thiện “sức khỏe” ngành sản xuất nội địa thì điều quan trọng là các DN Việt cần có hướng đi riêng, giải pháp riêng một cách căn cơ nhằm bứt phá động lực tăng trưởng, cán đích các mục tiêu trong những tháng cuối năm nay. Đặc biệt là đầu tư kỹ thuật để tăng năng suất, bắt tay sản xuất những mặt hàng có thế mạnh, có giá trị gia tăng cao, giảm giá thành để tạo lợi thế cạnh tranh.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cần tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các ngành chế biến chế tạo để mở rộng sản xuất, ban hành thêm chính sách ưu đãi về thuế phí để hỗ trợ sản xuất trong nước. Nhất là cần thúc đẩy liên kết, nâng cao năng lực cho các nhà sản xuất nội địa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong thời gian tới.
Thế Vinh