Thời gian gần đây, có nhiều doanh nghiệp (DN) châu Âu lập văn phòng đại diện và chi nhánh tại Việt Nam, các chuyến đi của DN châu Âu đến Việt Nam cũng ngày một dày hơn nhằm đón đầu thời điểm EVFTA có hiệu lực, để tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Bất cập chính sách thuế
Để đẩy mạnh hơn nữa quá trình này, Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa ra mắt ấn bản thứ 11 của ấn phẩm thường niên Sách Trắng. Trong Sách Trắng 2019, các thành viên của EuroCham nêu lên những vấn đề then chốt đối với hoạt động của DN và nhấn mạnh những đề xuất hành động, hướng đi cụ thể mà Chính phủ có thể thực hiện để cải thiện môi trường kinh doanh và hệ thống pháp lý của Việt Nam.
Phản ánh cụ thể những vấn đề gặp phải, ông Thomas McClelland, Chủ tịch Tiểu ban Thuế và Chuyển giá, cho biết năm 2018, Bộ Tài chính ban hành Quyết định 2141/QĐ-BTC chấp thuận cắt giảm và đơn giản hóa 176 thủ tục hành chính (TTHC) để hỗ trợ các hoạt động kinh doanh, nâng tính hiệu quả, nhưng cộng đồng nhà đầu tư nhận thấy nhìn chung việc thực thi các quy định vẫn còn gặp nhiều thách thức.
DN châu Âu cũng rất quan tâm tới chính sách ưu đãi thuế đối với các dự án sản xuất sản phẩm ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ưu tiên được thực hiện trước ngày 1/1/2015. Cụ thể, Luật số 71/2014/ QH13 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 bổ sung quy định về ưu đãi thuế thu nhập DN (TNDN) đối với các dự án sản xuất sản phẩm của ngành CNHT được phát triển.
Theo đó, các DN đã thực hiện dự án trước năm 2015 tại các địa điểm được ưu đãi (ví dụ dự án mở rộng trong giai đoạn 2009-2013 tại khu công nghiệp) được chuyển đổi ưu đãi thuế TNDN còn lại. Tương tự, các DN đã thực hiện dự án trước năm 2015 trong các lĩnh vực kinh doanh được ưu đãi (ví dụ dự án sản xuất các sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển được thực hiện trước năm 2015) có thể được hưởng ưu đãi thuế TNDN trong thời gian còn lại.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhà đầu tư nhận thấy Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế có quan điểm hướng dẫn cho các DN rằng các ưu đãi thuế TNDN cho ngành sản xuất các sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển không được áp dụng cho các dự án sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển được thực hiện trước ngày 1/1/2015.
Quan điểm này có vẻ đi ngược quan điểm của Bộ Công Thương (Bộ Công Thương đã cấp giấy chứng nhận ưu đãi dự án sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển cho một số dự án được thực hiện trước ngày 1/1/2015) cũng như của Bộ Tư pháp đã ban hành công văn để trả lời một DN rằng quan điểm nói trên của Bộ Tài chính và cơ quan thuế là không phù hợp với Luật 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và Luật Đầu tư 67/2014/QH13.
Để đảm bảo sự minh bạch, thống nhất giữa các cơ quan chức năng khi thực hiện chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, EuroCham đề xuất Chính phủ Việt Nam, với vai trò thúc đẩy sự phát triển và đồng hành cùng DN, xem xét chỉ đạo các bộ và cơ quan liên quan (Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ KH&ĐT) để có kết luận nhất quán, kịp thời và phù hợp về việc áp dụng chính sách chuyển đổi ưu đãi cho các dự án sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển được thực hiện trước ngày 1/1/2015 đã được đưa ra theo Luật 71/2014/QH13.
Bên cạnh đó, liên quan tới chính sách thuế, đại diện EuroCham cũng cho biết các quy định hiện hành về thuế TNDN quy định rằng ngoại trừ một số chi phí không được khấu trừ được đề cập cụ thể trong các quy định, DN có quyền khấu trừ tất cả các chi phí nếu đáp ứng các điều kiện như thực sự phát sinh liên quan đến hoạt động kinh doanh; được chứng minh bởi các hóa đơn, chứng từ hợp pháp; được chứng minh bằng thanh toán không dùng tiền mặt đối với hóa đơn có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, trên thực tế, cơ quan thuế ngày càng viện dẫn việc các công ty không tuân thủ quy định hành chính làm lý do để từ chối các khoản chi phí được khấu trừ, ngay cả khi các biện pháp khắc phục đã được thực hiện để tuân thủ luật pháp.
Ví dụ như việc đăng ký trễ hợp đồng cho vay, hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc giấy phép lao động muộn sẽ dẫn đến việc không được khấu trừ các chi phí liên quan trong thời gian đăng ký trễ. Ngoài ra, việc không tuân thủ yêu cầu thông báo chương trình khuyến mãi cũng dẫn đến hậu quả là chi phí khuyến mãi sẽ không được khấu trừ.
EuroCham kiến nghị nhiều bất cập liên quan tới thủ tục hành chính của Việt Nam |
Sợ chi phí không chính thức
Bên cạnh thủ tục thuế, ông Bob Fletcher, Phó Chủ tịch Tiểu ban Vận tải và Hậu cần, cho biết trong một cuộc khảo sát gần đây về chủ đề hải quan được tiểu ban này thực hiện với các thành viên EuroCham, gần 40% thành viên tham gia trả lời đã phản hồi thường xuyên gặp phải sự chất vấn về giá khai báo tại hải quan cửa khẩu.
Cuộc khảo sát thể hiện sự quan ngại đặc biệt của các thành viên về chất lượng của quá trình tham vấn giá được thực hiện bởi hải quan cửa khẩu với mức đánh giá chỉ hơi cao hơn mức trung bình và điểm thấp nhất rơi vào mục "kiến thức kỹ thuật của nhân viên hải quan về phương pháp xác định trị giá".
Tính minh bạch, khả năng đoán định và việc áp dụng nhất quán các quy định hải quan là những yếu tố chính khi các DN, đặc biệt là các công ty đa quốc gia xem xét để đầu tư dài hạn vào Việt Nam.
Tuy nhiên, việc một số nhân viên cơ quan hải quan cửa khẩu không được trang bị kiến thức đầy đủ về phương pháp xác định trị giá tính thuế hải quan đã khiến quá trình tham vấn giá không hiệu quả.
Điều này cũng khiến quy trình thông quan và xác minh bởi cơ quan hải quan tốn nhiều thời gian và chi phí cho các DN thay vì trở thành một kênh hỗ trợ cải thiện tính tuân thủ của người kê khai trong tương lai.
Đặc biệt, trong một cuộc khảo sát gần đây đối với các thành viên EuroCham, các DN cho biết trong một số trường hợp vẫn còn tồn tại những gợi ý từ phía nhân viên hải quan về một số khoản chi phí không chính thức nhằm tránh việc hồ sơ bị xử lý, kiểm tra khắt khe hơn và có thể chịu sự chậm trễ trong việc thông quan hàng hóa.
Sách Trắng 2019 cũng nêu rõ thị trường M&A của Việt Nam đang khởi sắc và phát triển mạnh mẽ. Dự kiến M&A sẽ còn tiếp tục tăng trưởng hơn nữa trong năm 2019, đặc biệt trong bối cảnh EVFTA dự kiến sẽ được ký kết và có hiệu lực.
Luật Đầu tư và Luật DN năm 2014 là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của khung pháp lý dành cho hoạt động M&A tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều nội dung trong khuôn khổ hai luật này cùng văn bản hướng dẫn thi hành các văn bản luật vẫn chưa được giải quyết và cần được các cơ quan nhà nước làm rõ.
EuroCham kiến nghị, Chính phủ tiếp tục giảm số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, bỏ quy định yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải xin chấp thuận giao dịch M&A trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch M&A với DN tư nhân, giảm thẩm quyền của các cơ quan cấp phép liên quan đến việc rà soát và xem xét lại các điều khoản thương mại của các giao dịch M&A…
Lê Thúy
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam EVFTA chắc chắn sẽ mở cánh cửa rộng lớn để DN phát huy tối đa tiềm năng hợp tác, tạo một động lực mới để cộng đồng DN châu Âu mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Những kiến nghị, đề xuất tại Sách Trắng sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư tại Việt Nam. Ông Bùi Thanh Sơn - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Với EVFTA, các nhà sản xuất thuốc và máy móc của châu Âu sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn thị trường Việt Nam. Cùng với đó, chúng tôi sẽ đảm bảo môi trường đầu tư mở, minh bạch với châu Âu, đặc biệt trong các lĩnh vực lợi thế của EU như tài chính, ngân hàng, môi trường, chế biến thực phẩm… Ông Nicolas Audier - Đồng Chủ tịch EuroCham Các kiến nghị của chúng tôi nếu được xem xét tháo gỡ sẽ giúp Việt Nam khai thác trọn vẹn lợi ích của EVFTA và tiến xa hơn, nhanh hơn trên con đường tăng trưởng và phát triển. Các kiến nghị này còn góp phần cải thiện khung pháp lý và môi trường kinh doanh của Việt Nam, qua đó cải thiện mức sống của hàng triệu công dân Việt Nam. |