Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện đang có 12 hãng ô tô hoạt động sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam là: Toyota, Honda, Hyundai, Kia, Mazda, Chevrolet, Ford, Mitsubishi, Nissan, Suzuki, Isuzu, Mercedes-Benz, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe trong nước. Nhưng với chính sách thuế mới, đồng loạt các hãng đều nêu khó khăn, thậm chí một số hãng đã đánh tiếng sẽ rời khỏi Việt Nam và đã có những động thái thay đổi chiến lược kinh doanh như giảm sản lượng xe lắp ráp, tăng nhập khẩu.
Theo cam kết Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) từ ngày 1/1/2018, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ một số thị trường truyền thống sẽ đưa về mức 0%.
Các hãng “tính kế” mới
Nói tới khó khăn khi thuế nhập khẩu về 0%, theo ông Toru Kinoshita, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam, ở góc độ thị trường đây là tín hiệu tốt, nhưng là áp lực lớn đối với nền sản xuất trong nước. “Nên làm thế nào để mức thuế đó trở thành cú hạ cánh mềm là một câu hỏi rất lớn cần phải giải đáp”, ông Toru Kinoshita nhấn mạnh.
Ông Toru Kinoshita cho biết, sức ép cạnh tranh thị trường ô tô tại Việt Nam sau năm 2018 vô cùng lớn, trong khi thời gian không còn nhiều. Do vậy, trong 20 năm kinh doanh lĩnh vực ô tô tại Việt Nam, doanh nghiệp đã luôn cố gắng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Toyota đang giảm dần từ 5 xuống còn 4 dòng xe để có thể tăng được sản lượng.
Trong khi đó, đại diện công ty Ford Việt Nam cho biết, hiện Ford đang bán 6 dòng xe, với 4 dòng là sản xuất trong nước. Tuy nhiên, trong tương lai, Ford có thể chỉ tập trung vào 1 – 2 dòng xe có sản lượng lớn và có cơ hội xuất khẩu sang các nước khác.
Theo Honda Việt Nam, từ nay đến năm 2018, Honda sẽ tập trung chủ yếu sản xuất, lắp ráp các dòng xe Honda City, CRV, một số dòng khác như Civic, Accord… sẽ chuyển sang nhập khẩu.
Trên thực tế, số liệu thống kê nhập khẩu ô tô của Việt Nam và số liệu sản xuất, bán hàng của các nước ASEAN cũng cho thấy rằng các tập đoàn ô tô đang có kế hoạch tăng sản lượng tại Indonesia và Thái Lan khi nhận thấy tác động của chính sách thuế vào đầu năm 2018.
Hầu hết thương hiệu ô tô phổ thông hiện được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng như Toyota, Ford, Honda đều đã và đang được sản xuất, lắp ráp tại Thái Lan.
Khoảng 5 năm trước, số mẫu xe được Toyota nhập khẩu rất ít là Land Cruiser, Prado, Yaris hay Hilux, còn Honda chỉ với Accord và mới đây là Odysey… Song, tới thời điểm này, danh mục xe nhập khẩu của các hãng xe lớn đã trở nên dày đặc và còn tiếp tục gia tăng.
Thậm chí, với những mẫu xe từng làm mưa làm gió trên thị trường và hiện vẫn đang được ưa chuộng nhưng các liên doanh lớn đều quyết định chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc thay vì tiếp tục lắp ráp trong nước.
Ví dụ, mặc dù phải đến đầu năm 2017, Toyota mới chính thức tung Fortuner mới ra thị trường, nhưng đến lúc này, hàng loạt đại lý đã bắt đầu nhận đặt hàng với thông tin “nhập khẩu” từ Thái Lan. Hay Honda Civic, sau gần một thập kỷ lắp ráp trong nước, Honda cũng bất ngờ nhập khẩu Civic từ Thái Lan. Theo các hãng xe, năm 2017 là bước đệm quan trọng để thăm dò thị trường với những sản phẩm mới nhập khẩu nguyên chiếc, chuẩn bị cho giai đoạn từ năm 2018 trở đi khi thuế giảm sâu.
![]() |
Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ ở lại nếu Chính phủ có nhiều chính sách ưu đãi
Cần nhiều ưu đãi
Tuy nhiên, đa phần các hãng sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước muốn ở lại Việt Nam nhưng kèm theo mong muốn có nhiều chính sách ưu đãi từ phía Chính phủ. Ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam cho biết, hiện chi phí lắp ráp của Việt Nam đang cao hơn các nước khác khoảng 20%.
Theo ông Dũng, nguyên nhân là vì sự chênh lệch về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt, song vấn đề này đã được xử lý sau khi áp dụng Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô. Ngoài ra, còn do sự chênh lệch khi tính thuế nhập khẩu linh kiện, bởi các nhà sản xuất ô tô ngoài nhập khẩu từ các nước ASEAN còn nhập từ các nước khác. Ví dụ như động cơ, hộp số đều đang chênh 20 – 30%.
Đại diện Toyota Việt Nam, ông Toru Kinoshita cho rằng Bộ Công Thương cần kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ. Nếu không, các nhà sản xuất sẽ đối mặt với nguy cơ không thể cạnh tranh, thậm chí không tồn tại nổi trước sức ép xe nhập khẩu khi thuế được kéo về 0%.
“Chúng tôi kiến nghị cân nhắc về chính sách thuế để tạo sự khác biệt giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước”, ông Toru Kinoshita nói.
Liên quan đến vấn đề thuế, đại diện công ty TNHH General Motors Việt Nam (GM Việt Nam) nêu quan điểm là GM muốn tiếp tục duy trì sản xuất lắp ráp tại Việt Nam, bởi luôn nhìn thấy tiềm năng ở thị trường này. Tuy nhiên, GM kiến nghị cần giảm thuế nhập khẩu linh kiện từ Hàn Quốc để giải quyết khó khăn. “Hiện chúng tôi bán 10.000 xe/năm với hơn 90% số lượng bán ra là xe sản xuất trong nước. Chúng tôi nhập khẩu linh kiện từ Hàn Quốc, 10% nhập khẩu xe bán tải từ Thái Lan. GM muốn duy trì nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Thái Lan, song cũng mong muốn tiếp tục duy trì sản xuất ở Việt Nam thông qua nhập khẩu linh kiện Hàn Quốc. Nhưng bài toán thuế đang gây khó khăn cho chúng tôi”, vị đại diện này nói.
Đặc biệt, ông Trần Bá Dương, Tổng Giám đốc công ty Ô tô Trường Hải, cho rằng để giải quyết khó khăn cho cả ngành công nghiệp ô tô cần rất nhiều việc khác nữa, trong đó có việc rà soát thực tế doanh nghiệp sản xuất để có đánh giá những điểm được, chưa được và giải quyết rõ lý do vì sao.
“Trên cơ sở đánh giá này, các cơ quan quản lý xác định nền công nghiệp ô tô có nên tiếp tục phát triển hay không, nếu tồn tại nên thế nào. Khi đã thống nhất chủ trương rồi, các chính sách đưa ra mới nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân”, ông Dương nhấn mạnh.
Như vậy, có thể thấy câu hỏi Việt Nam có nên làm công nghiệp ô tô tuy được bàn tới từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có câu trả lời. Vấn đề càng thêm nóng khi hiện nay, thời điểm 2018 đã đến gần và các cam kết của ta với ASEAN về việc giảm thuế nhập khẩu sẽ phải thực hiện.
Trong khi đó, Nhà nước vẫn còn “loay hoay” định hình chính sách phát triển ngành và doanh nghiệp chỉ xin thêm nhiều ưu đãi dù năng lực ngành ô tô trong nước luôn kém hơn khu vực.
Lê Thúy
Ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nặng Để phát triển công nghiệp ô tô trong giai đoạn tới, cần tạo dựng thị trường đủ lớn cho các nhà sản xuất ô tô trong nước, khuyến khích sử dụng xe ô tô sản xuất trong nước, bảo hộ hợp lý thị trường xe ô tô trong nước. Đồng thời, hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị cạnh tranh. Quan trọng hơn là phát triển công nghiệp hỗ trợ, thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư những dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực Asean. Ông Kayano Kiwamu - Phó Tổng Giám đốc Honda Việt Nam Để phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam, chúng tôi cho rằng cần nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, hỗ trợ phát triển thị trường ô tô. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần ban hành các văn bản nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô một cách bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chênh lệch giá xe trong và ngoài nước bằng cách điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt một cách phù hợp, rút ngắn khoảng cách, nâng cao tính cạnh tranh. Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ hết mức các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước. Tuy nhiên, chúng ta phải “liệu cơm gắp mắm” để phù hợp với điều kiện hiện nay và kiểu gì cũng phải phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ mới mong giảm được giá thành xe lắp ráp trong nước. |