Sau thanh tra, cơ quan Thuế đã điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 3.747 tỷ đồng, giảm lỗ 759 tỷ đồng. Theo đó, 20 DN bị truy thu 230 tỷ đồng và xử phạt 12 tỷ đồng.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết trong số những DN thanh tra, có một số đơn vị kê khai lỗ triền miên và vẫn đang trong giai đoạn được ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, với kết quả thanh tra trên, cả 20 DN đều chấp hành và không có khiếu nại.
Kỳ công mới bắt được "thủ phạm"
Hình thức chuyển giá mới thông qua giá mua tài sản cố định từ bên liên kết nước ngoài cũng được một số DN FDI áp dụng trong lĩnh vực sản xuất sợi và dệt may. Điển hình là câu chuyện của Tập đoàn Dệt may Hualon Corporation 100% vốn từ Malaysia, Đài Loan - British Virgin Island. DN này mua 1 dây chuyền thiết bị dệt cũ kỹ, lạc hậu với giá chỉ khoảng 400.000 USD rồi nâng khống lên 16 triệu USD, tức gấp 40 lần.
Điểm đặc biệt, theo cơ quan thuế, cùng với việc mua bán lòng vòng để hợp lý hóa chứng từ sổ sách nhằm nâng khống giá nhập đống dây chuyền "phế thải", sau đó lấy cớ không dùng đến, đem thanh lý với giá rẻ mạt.
Một cán bộ ngành Thuế cho biết để che giấu hành vi chuyển giá, Hualon Corporation đã kê khai với cơ quan Thuế bị lỗ do đầu tư dây chuyền thiết bị chuyên dụng giá đắt, mua nguyên vật liệu đầu vào cao, trong khi giá bán không đủ bù đắp chi phí…
Đây là tình trạng khá phổ biến trong rất nhiều DN FDI. Cho nên, nhiều dây chuyền lắp đặt và khánh thành rất rầm rộ nhưng lại không thể đi vào sản xuất. Chỉ bởi, công nghệ đã quá cũ và lạc hậu, càng sản xuất càng lỗ. Nhưng quan trọng hơn, những dây chuyền này vẫn được nhập về và lắp đặt rồi… chờ thanh lý. Để rồi nó đã được khấu trừ 100% vào chi phí sản xuất với những con số ngất ngưởng. Qua đó, những giá trị ảo về hiệu quả sử dụng thiết bị đã được biến hóa thành giá trị thật trong chi phí đầu tư, góp vốn…
Nhưng để bắt Tập đoàn Dệt may Hualon Coporation nhận "thua", Tổng cục Thuế phải huy động mấy nghìn DN dệt may trong nước gửi dữ liệu giá về, căn cứ trên các định mức về kỹ thuật, các tiêu chuẩn công nghệ để xác định sự bất hợp lý, rồi lại mất khá nhiều thời gian để các cán bộ thanh tra tổng hợp, phân tích cho ra dữ liệu giá so sánh độc lập… Từ rất nhiều việc làm, công sức như vậy, cơ quan Thuế mới tìm ra được điểm bất hợp lý, phi thị trường trong hoạt động của Hualon.
Trước những bằng chứng khó chối cãi, những bất minh trong con số lỗ khủng của công ty đã được đưa ra ánh sáng. Cơ quan Thuế đã điều chỉnh giảm lỗ phát sinh trong giai đoạn 2006 - 2009 của Hualon Corporation tới 621,2 tỷ đồng, đồng thời truy thu thuế TNDN 78,1 tỷ đồng.
![]() |
Các DN FDI ngành Da giày, Dệt may chuyển giá nhiều nhất
Còn tại một DN sản xuất hàng may mặc 100% vốn đầu tư nước ngoài khác, hoạt động chuyển giá được thực hiện với sự tiếp tay của một số DN trong nước. Phần lớn nguyên liệu (vải đã cắt thành hình) được công ty này mua từ các bên liên kết và phần lớn sản phẩm sản xuất ra lại được bán lại cho chính các bên liên kết. Sau đó, công ty kê khai không phát sinh thuế TNDN phải nộp do lỗ và do được miễn, giảm thuế.
Ngày càng đa dạng, đa hình
Thời gian qua, để xử lý vấn đề chuyển giá, cơ quan chức năng đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật và triển khai các đợt thanh tra, kiểm tra nhưng việc chống chuyển giá vẫn còn nhiều khó khăn.
Ở góc độ chuyên gia nghiên cứu về vấn đề chuyển giá, Ts. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM, phân tích: Thứ nhất, nước ta đang phát triển nên cần rất nhiều vốn đầu tư. Vì vậy, khi nhà đầu tư mang vốn đến, chúng ta tiếp cận và luôn đưa ra những cơ chế ưu đãi, đặc biệt có sự cạnh tranh giữa các địa phương trong cùng một quốc gia. Nên trong quá trình mời chào, nếu đưa ra những ràng buộc, kiểm soát thì "hơi kỳ". Nói chung, chúng ta vẫn nặng về vấn đề thu hút đầu tư hơn là kiểm soát việc tuân thủ thuế của nhà đầu tư.
Thứ hai, chuyển giá là vấn đề nhạy cảm. Chúng ta biết có vấn đề chuyển giá, nghi ngờ có chuyển giá nhưng không chứng minh được nên kết luận người ta chuyển giá là phạm tội vu khống.
Thứ ba là vấn đề con người. Trong các DN liên doanh FDI, có nhiều người Việt Nam làm việc, thậm chí có người làm công tác điều hành, quản lý, được doanh nghiệp FDI trả lương cao nên nhiều lúc cũng nhắm mắt làm ngơ không dám lên tiếng.
Còn theo PGs,.Ts. Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính, "thẳng thắn mà nói, gần như 100% DN FDI ở Việt Nam thực hiện chuyển giá và trốn thuế. Tôi khẳng định nếu đi vào kiểm tra bất kỳ DN nào cũng có, chỉ là cách kiểm tra thế nào thôi".
Đây không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà các nước hiện đại như Nhật, Mỹ, Pháp… cũng có chuyển giá. Có điều ở các nước phát triển mức độ chuyển giá ít vì mọi thứ tương đối minh bạch. Còn ở Việt Nam cứ kiểm tra là thấy vi phạm.
Ông Thịnh cho rằng hành vi chuyển giá của các DN liên kết ngày càng tinh vi, hiện đại và được che đậy kỹ càng, khó xác định. Hình thức chuyển giá cũng ngày càng đa dạng, đa hình. Có những cái kiểm tra đơn giản là có thể phát hiện ra. Nhưng có cái cần kiểm tra tỉ mỉ từng hợp đồng trong từng thương vụ mới phát hiện ra được.
Dù Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã có những văn bản hướng dẫn về chuyển giá thế nào, cách thức ra sao, nhưng ở đó chỉ nói đến tổng thể. Còn để kiểm tra giám sát được việc chuyển giá đó phải giám sát chặt chẽ ngay từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng: từ khi họ khai tài sản đầu tư vào cho đến các thương vụ mua bán, khi mua nguyên vật liệu, thuê nhân công,… "Không thể đợi đến cuối năm mới đi kiểm tra như cách chúng ta vẫn làm, thực chất là đã để sót quá nhiều", ông Thịnh nói.
-------------------------------------------------------
Chuyển giá rồi kê khai thua lỗ khá phổ biến
Ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế
------------------------------------
Trong những năm gần đây, hiện tượng các DN FDI chuyển giá rồi kê khai thua lỗ khá phổ biến (chiếm khoảng 50% tổng số DN FDI đang hoạt động trên cả nước). Trong đó, nhiều DN kê khai lỗ liên tục trong 3 năm. Số liệu thống kê từ ngành Thuế cho thấy hầu hết các địa bàn thu thuế trọng điểm trên cả nước đều có DN FDI kêu khai lỗ nhiều năm và có dấu hiệu chuyển giá.
Chống chuyển giá là bài toán hóc búa
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài
------------------------------------
Chuyển giá của DN FDI là chuyện ai cũng biết, cũng thấy nhưng với quân số, kỹ năng, kinh nghiệm của cán bộ và khung pháp lý Việt Nam hiện nay thì việc chống chuyển giá là bài toán hóc búa, lực bất tòng tâm. Khi nhận định một DN cụ thể, ta đoán là đúng có chuyển giá thật, nhưng muốn kết tội phải có bằng chứng. Tìm được bằng chứng lại là việc không đơn giản. Họ rất tinh vi, còn ta thì thiếu nhiều thứ. Chống chuyển giá là để làm lành mạnh môi trường đầu tư, nhưng nếu không có đủ bằng chứng thì có khi tác dụng sẽ ngược lại.
Sẽ tạo ra vốn đầu tư ảo
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh
------------------------------------
Việc chuyển giá của DN FDI không chỉ trong nhập linh kiện, phụ tùng vào nước ta để lắp ráp mà liên quan tới cả nhập máy móc thiết bị, do vậy sẽ tạo ra vốn đầu tư ảo; đồng thời làm cho khấu hao tài sản cố định tại dự án đầu tư nước ngoài tăng lên. Việc chuyển giá còn làm cho giá cả một số sản phẩm nhập khẩu cao hơn rất nhiều so với một số nước trong khu vực. Thậm chí, sau khi thu hồi được vốn đầu tư và đạt mục tiêu lợi nhuận, DN chuyển giá có thể cho phá sản, giải thể hay bán lại DN với giá rẻ.
Việt Nguyễn