Theo thông cáo của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân sẽ thăm Việt Nam từ ngày 12 đến 13/12 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân.
Nâng tầm hợp tác thương mại
Theo Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba, chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình có ý nghĩa lịch sử, nhằm đáp lại chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2022.
Sầu riêng Việt Nam "gặt" trái ngọt ở thị trường Trung Quốc. |
“Hai nhà lãnh đạo sẽ thông báo cho nhau tiến triển mới nhất trong công cuộc phát triển Đảng và Nhà nước của mỗi bên. Hai bên sẽ đi sâu trao đổi ý kiến nhằm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa hợp tác chiến lược toàn diện của hai nước trong thời đại mới”, Đại sứ Hùng Ba cho biết.
Trung Quốc là đối tác hàng đầu về đầu tư, thương mại của Việt Nam trong nhiều năm qua. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng quan hệ này sẽ có bước phát triển mới sau khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam. Đặc biệt, 2023 là năm kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc.
Về thương mại, trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn duy trì là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Nói cách khác, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu (XK) lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 55,98 tỷ USD, tăng 6,2% (là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm), chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Tính đến nay, thị trường Trung Quốc đã cấp phép cho 12 mặt hàng rau quả, trên 800 cơ sở chế biến thủy sản, 40 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống và 5 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng; cùng với 128 loại sản phẩm và 48 loài thủy sản của Việt Nam.
Trao đổi với VnBusiness, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kỳ vọng sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, nhiều mặt hàng rau quả của Việt Nam sẽ được ký Nghị định thư để XK chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Ông Nguyên dẫn kết quả thành công từ mặt hàng trái sầu riêng trong năm nay có thể đạt kim ngạch kỷ lục hơn 2,3 tỷ USD. Trước năm 2021, sầu riêng Việt Nam XK sang Trung Quốc chỉ đạt kim ngạch khoảng hơn 200 triệu USD, nhưng kết quả bắt đầu tăng mạnh kể từ sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng XK từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết vào tháng 7/2022.
“Đây là cột mốc đáng nhớ của ngành hàng sầu riêng, chỉ 3 tháng cuối năm 2022, XK sầu riêng sang Trung Quốc đã tăng 200 triệu USD đưa kim ngạch cả năm lên con số 420 triệu USD (gấp 2 lần 2021). Năm 2023, kim ngạch có thể đạt 2,2 – 2,3 tỷ USD (gấp 5 lần năm ngoái và gấp 10 lần so với 2021). Việc ký kết nghị định thư đã giúp sầu riêng của Việt Nam trở thành ngành hàng tỷ USD và đạt được con số tăng trưởng kỷ lục”, ông Nguyên nói.
Theo đó, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam bày tỏ mong muốn, Trung Quốc sẽ tiếp tục xem xét nhập khẩu chính ngạch nhiều mặt hàng trái cây của Việt Nam như sầu riêng đông lạnh, bưởi, dừa, bơ, chanh…
Được biết, Việt Nam đang đàm phán với phía Trung Quốc mở cửa cho 4 nhóm như: sầu riêng đông lạnh, ớt, dưa hấu, dược liệu… Nếu thành công, đây sẽ là những mặt hàng XK tỷ USD tiềm năng, tiếp tục đưa kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước tăng trong tương lai.
Tất nhiên, nông dân, HTX và doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục cải thiện chất lượng để đảm bảo yêu cầu của thị trường này. Đồng thời, người tiêu dùng Việt Nam cũng ngày càng đón nhận, yêu thích sản phẩm nông sản nói chung và trái cây chất lượng cao từ Trung Quốc.
Đón sóng đầu tư chất lượng cao từ Trung Quốc
Về đầu tư, trong 5 năm qua, Trung Quốc luôn là một trong những quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Theo Bộ KH&ĐT, trong 11 tháng năm 2023, Trung Quốc đầu tư 3,96 tỷ USD vào Việt Nam, đứng thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Lũy kế đến nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 4.161 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 27 tỷ USD, đứng thứ 6 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.
Theo GS.TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, dòng vốn đầu tư mới từ Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới với những dự án ở lĩnh vực công nghệ cao, chất lượng. Lợi thế thu hút FDI của Việt Nam là hệ thống chính trị ổn định, độ mở nền kinh tế lớn, ký kết nhiều hiệp định FTA thế hệ mới.
Đơn cử, ngành gỗ, trong tổng số 33 dự án FDI đầu tư vào 9 tháng năm 2023, Trung Quốc có 16 dự án với vốn đầu tư 79,29 triệu USD, chiếm 49,5% về số dự án và chiếm tới 36,4% về tổng vốn đầu tư nước ngoài.
Theo đánh giá của Tổ chức Forest Trends và các hiệp hội gỗ, sự gia tăng trong các hoạt động FDI vào ngành gỗ ngoài một phần là kết quả từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và vị trí địa lý thuận lợi của khu vực kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, còn do kết quả trực tiếp từ các chính sách ưu đãi và thu hút đầu tư của Chính phủ trong thời gian vừa qua.
"Sự vượt trội của các doanh nghiệp FDI hoạt động trong ngành gỗ nói chung và Trung Quốc nói riêng cần được tổng kết và lấy đó làm nền tảng để tạo hiệu ứng lan tỏa tới các doanh nghiệp nội địa hiện hoạt động trong ngành", nhóm nghiên cứu trên nhìn nhận.
Khảo sát mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam Nam cũng cho thấy, lĩnh vực năng lượng và in ấn tại Việt Nam đang có nhiều nhà đầu tư từ Trung Quốc quan tâm… Hiện, ngoài dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ở Bình Thuận, lĩnh vực năng lượng có tập đoàn pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc Trina Solar – nhà đầu tư lớn nhất tại khu công nghiệp Yên Bình (Thái Nguyên) với 2 nhà máy và đang đề xuất triển khai nhà máy thứ 3 cũng tại địa phương này với mức đầu tư dự kiến 420 triệu USD.
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cho hay, dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, hai bên sẽ ký kết hàng chục văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Điều này sẽ mở ra bước ngoặt về sự hợp tác giữa Việt Nam – Trung Quốc.
Ông Nguyễn Minh Vũ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc kỳ vọng chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ mang đến “định vị mới” và “tầm mức mới” của quan hệ song phương. Hai nước sẽ làm sâu sắc hơn nữa khuôn khổ hợp tác cho tương lai lâu dài theo hướng bền vững, thực chất và hiệu quả hơn, góp phần vào xu thế hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới. Một lượng lớn văn kiện trên nhiều lĩnh vực có thể sẽ được ký, tạo cơ sở quan trọng để các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp triển khai hợp tác hiệu quả hơn trong thời gian tới. Ông Nguyễn Vinh Quang Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc Dư địa hợp tác cùng phát triển của Việt Nam và Trung Quốc còn rất lớn. Tiềm năng phát triển của hai nước nằm ở rất nhiều lĩnh vực, chẳng hạn việc kết nối chuỗi cung ứng những hàng hóa trong thế mạnh của mình cho đối tác. Đơn cử, về nông sản, hải sản, Việt Nam rất cần phát huy hết khả năng để khai thác thị trường Trung Quốc rộng lớn. Hai bên cần tập trung vào vấn đề logistics, lưu chuyển hàng hóa, quảng bá hàng hóa… để đẩy mạnh lĩnh vực này. Ông Hứa Ninh Ninh Giám đốc điều hành Hội đồng kinh doanh Trung Quốc – ASEAN Hợp tác đầu tư và ngoại thương Trung Quốc – Việt Nam ngày càng lành mạnh khi xuất siêu của Trung Quốc sang Việt Nam giảm và Trung Quốc tăng nhập khẩu hàng Việt Nam, tăng đầu tư sang Việt Nam. Ngành nghề đầu tư cũng ngày càng phù hợp với chủ trương khuyến khích đầu tư công nghệ cao của Chính phủ Việt Nam. Sự kêu gọi đầu tư từ 2 Đảng, 2 nước vào các lĩnh vực như điện tử, hợp tác kinh tế xanh, kinh tế kỹ thuật số, nông nghiệp… nên doanh nghiệp Trung Quốc sang đầu tư ở Việt Nam ngày càng nhiều. |
Nhật Linh