Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại cuộc làm việc với tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở các địa phương này. Hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh hiện là tuyến đầu, pháo đài phòng, chống dịch.
Huy động trí lực và nguồn lực để chống dịch
Nếu như Bắc Giang là vùng sản xuất chuyên canh với nhiều loại nông sản chủ lực, thì Bắc Ninh được biết tới là địa phương có quy mô sản xuất công nghiệp hàng đầu cả nước. Do vậy, việc nhanh chóng kiểm soát được dịch COVID-19 không chỉ giúp đảm bảo sức khỏe cho người dân cả nước, mà sẽ giúp cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân không bị đứt gẫy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, cũng như giảm thiệt hại cho nền kinh tế của Việt Nam.
Vì vậy, kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh về phòng, chống dịch COVID-19 ngày 26/5/2021 đã yêu cầu tăng cường năng lực, huy động tối đa các nguồn lực để xét nghiệm, tập trung xét nghiệm nhanh, thần tốc sàng lọc các trường hợp nghi mắc bệnh tại Bắc Giang và Bắc Ninh.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào chống dịch COVID-19. |
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu mục tiêu cao nhất hiện nay trong phòng chống dịch là phải tập trung ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh ở 2 tỉnh. Trước hết, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đồng thời phải có biện pháp phù hợp, hiệu quả bảo đảm giữ vững, không để đứt gãy các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là tại các khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong các chuỗi sản xuất lớn.
Dưới góc nhìn của người đứng đầu ngành TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận: Việt Nam đã qua 4 lần bùng phát dịch, lần sau to hơn lần trước, cách làm cơ bản ít thay đổi, vẫn dựa vào hệ thống chính trị và sức người là chính, tỷ lệ người phải cách ly so với số người nhiễm vào loại cao nhất thế giới. Cách này hiệu quả khi số ca nhiễm ít, bệnh dịch lây lan chậm, nếu lây lan nhanh như chủng mới, lại có hàng chục ngàn ca F0 thì số người cách ly tập trung F1, cách ly tại nhà F2 sẽ lên đến hàng trăm ngàn, hàng triệu thì không khả thi.
Vì vậy, Bộ trưởng Hùng cho rằng Bắc Giang, Bắc Ninh là địa phương bắt đầu nhiều F0, lây lan nhanh, rất nên có những cách tiếp cận mới theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là chủ động hơn, chuyển từ phòng ngự sang tấn công nhiều hơn, công nghệ nhiều hơn, xét nghiệm chủ động và nhanh hơn, vắc xin thần tốc hơn.
"Nếu coi Bắc Giang, Bắc Ninh như một cơ hội để tập trung chỉ đạo áp dụng các cách tiếp cận mới, làm cho thành công rồi mang bài học này ra toàn quốc thì rất có thể chúng ta sẽ kiểm soát được COVID-19 trong dài hạn và một cách căn cơ, để không lặp lại việc mỗi lần có bệnh nhân F0 lại là một lần bùng phát, lại là một lần hoang mang toàn quốc, ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân và phát triển kinh tế", Bộ trưởng Hùng chia sẻ.
Theo đó, người đứng đầu ngành TT&TT cho rằng cần tận dụng lần bùng phát thứ 4 này, huy động trí tuệ và nguồn lực xã hội, ra những quyết sách mạnh mẽ hơn, để tìm ra cách kiểm soát tốt hơn và căn cơ trong tương lai. Nếu có lần thứ 5, thứ 6 thì sẽ không vất vả, ngưng trệ đất nước như lần này. Mỗi khi xử lý tình huống thì luôn hướng tới một câu chuyện lâu dài hơn.
Giải pháp để không phải cách ly diện rộng
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong chống dịch COVID-19. Về áp dụng công nghệ thì có 4 điều kiện tiên quyết đảm bảo thành công: Thứ nhất, một số công nghệ chủ chốt thì phải bắt buộc. Thứ hai, dữ liệu và xử lý dữ liệu phải tập trung và liên thông giữa các ứng dụng, vì càng nhiều dữ liệu, càng nhiều nguồn dữ liệu thì truy vết càng nhanh và càng chính xác, càng phát hiện sớm các nguy cơ.
Thứ ba, phần mềm phải viết dưới dạng nền tảng để 63 tỉnh có thể dùng chung, 700 huyện có thể dùng chung, hàng chục ngàn các xã, các tổ dân phố có thể dùng chung, dễ sử dụng để nhân viên nhân viên truy vết ở các địa phương có thể dùng. Thứ tư, dữ liệu cá nhân sau một tháng lưu trữ thì xoá để người dân yên tâm tuân thủ. Các công nghệ trong từng công đoạn chống dịch thì chúng ta đều đã có.
"Công việc chính là công bố các công nghệ chủ chốt bắt buộc, tập trung và đồng bộ toàn bộ dữ liệu, hoàn thiện phần mềm phân tích dữ liệu lớn để truy vết nhanh và chính xác để không phải cách ly diện rộng", ông Hùng cho biết.
Mặt khác, theo Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, chúng ta đã xác định được những nơi có nguy cơ cao, như khu công nghiệp, chợ, quán ăn uống, quán bar vũ trường, thực hành tôn giáo, doanh nghiệp cơ quan... Những nơi nguy cơ cao này thì phải coi đây là các pháo đài chống dịch, Bộ Y tế đặt ra yêu cầu cao, có giải pháp tốt, khả thi rồi hướng dẫn và yêu cầu các đơn vị này tổ chức làm và chịu trách nhiệm.
"Cái thuận lợi là các đơn vị này có nguồn lực và có lợi ích để làm. Một khi đồng lợi ích, lợi ích của đơn vị mình và lợi ích cộng đồng, thì sẽ dễ làm. Đơn vị không có dịch thì sản xuất kinh doanh được, có dịch là sẽ phải ngừng sản xuất kinh doanh thì họ sẽ làm rất tích cực, kể cả bỏ tiền ra để xét nghiệm, để tiêm vắc xin, để tổ chức lại không gian thông thoáng hơn, giãn cách hơn", ông Hùng nói.
Về truyền thông, thay vì thông tin gây hoang mang, Bộ trưởng BTT&TT cho biết sẽ hướng truyền thông nhiều hơn vào các giải pháp mới, cách tiếp cận mới, cách làm mới, về tinh thần chủ động tấn công, về nâng cao năng lực y tế, xét nghiệm, về đẩy nhanh vắc xin, công nghệ bắt buộc, về cách ly tại nhà, về tổ chức lại sản xuất kinh doanh an toàn, về việc tuy số ca tăng nhưng chúng ta vẫn đang làm chủ tình hình, về sự nỗ lực của chính quyền và các kinh nghiệm tốt của Bắc Ninh, Bắc Giang, về việc đẩy mạnh thương mại điện tử để giúp đỡ bà con tiệu thụ nông sản (riêng 2 sàn nông sản của Bưu điện Việt Nam và Bưu chính Viettel có thể giúp Bắc Giang tiêu thụ được 3-4% sản lượng, tức là 5.000 - 6.000 tấn vải vì 2 sàn này có vùng phủ giao hàng đến 11.000 xã trên toàn quốc).
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Thy Lê