Liên quan đến quá trình tuân thủ thuế của người nộp thuế, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, cho biết hiện có hai nhóm DN: Những DN lợi dụng cơ chế hoàn thuế để gian lận. Nhưng bên cạnh đó, cũng có một số DN rất mong muốn được hạch toán, kế toán đúng, hướng đến sự minh bạch và trong sạch, không gian lận về thuế và không bị xử phạt.
DN làm đúng vẫn phải... kê sai
Có một nghịch lý hiện nay là nhiều DN tuân thủ đúng pháp luật thuế, nhưng khi cơ quan thuế đến kiểm tra thì họ phải cố tình sai để cơ quan thuế còn có thu.
“Tôi nói thực là DN phải cố tình để dành một phần nào đấy làm sai để khi cơ quan thuế vào kiểm tra có tiền mà thu. Chứ không cơ quan thuế vào kiểm tra mà làm tốt cả, đội kiểm tra không có tiền đưa về, có khi lại bị đánh giá là làm không tốt?”, bà Cúc thẳng thắn chia sẻ tại hội thảo.
Vị chuyên gia về thuế cho rằng: “Trong thanh tra, kiểm tra cần đưa ra hai tiêu chí: Các DN làm sai chính sách thì phải xử lý nghiêm nhưng với nhóm những DN làm tốt thì phải được tuyên dương và tôn vinh. DN tuân thủ tốt chứng tỏ cơ quan thuế làm tốt công tác tuyên truyền hỗ trợ”.
Ý kiến này cũng được ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đồng tình: “DN làm ăn nghiêm túc cũng chịu gánh nặng kiểm tra, kiểm soát như các DN vi phạm lớn, như thế là không công bằng”.
“Lập kế hoạch để thanh tra kiểm tra cũng phải dựa trên cơ sở là những đơn vị tuân thủ tốt thì ít kiểm tra hơn, còn những đơn vị nào tuân thủ thấp thì tập trung ít hơn”, ông Tuấn đề nghị.
Dưới góc độ DN, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Ôtô vận tải Việt Nam, cũng cho rằng tình trạng bây giờ là các DN càng lớn, càng tuân thủ tốt pháp luật về thuế thì càng bị thanh tra, kiểm tra nhiều.
“Trong một năm, DN phải tiếp hàng chục đoàn thanh, kiểm tra thuế. Từ Cục Thuế, Chi cục Thuế, Thanh tra tài chính, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Công an kinh tế, Cảnh sát kinh tế… đâu cũng nhằm vào DN”, ông Thanh bức xúc.
Theo ông Thanh, nguyên nhân là vì các cơ quan, đơn vị ở dưới thích thành tích để báo cáo. Trong khi đó, những DN tuân thủ pháp luật không tốt thì lại có những hình thức “đi đêm” riêng và ít khi bị kiểm tra.
Ngày 19/5, cơ quan chức năng đã đưa ra Bộ tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế. Với bộ chỉ tiêu này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng_mục đích là để phân loại DN, hỗ trợ các DN, DN thực hiện tốt sẽ đỡ gặp phiền hà trong thanh tra, kiểm tra thuế, trong thủ tục hành chính – tương tự như các DN được phân luồng xanh trong thông quan hàng hóa tại Hải quan.
Sẽ có hai bộ tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế “tốt” và “thấp.”
DN dễ bị xếp mức “thấp”
Dù đánh giá bộ tiêu chí khá rõ ràng và cơ quan chức năng có thể nghiên cứu khi xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế. Nhưng đi vào chi tiết, bà Cúc vẫn băn khoăn về chỉ số đánh giá doanh nghiệp tuân thủ tốt có nhắc tới điều kiện: “Doanh nghiệp có số thuế giá trị gia tăng nộp trên vốn chủ sở hữu tại kỳ tương ứng lớn hơn mức trung bình của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có cùng quy mô, lĩnh vực đầu tư.”
Đây là vấn đề theo bà “không bao giờ làm được.” Bà Cúc đặt ra câu hỏi, doanh nghiệp cùng quy mô nhưng đơn vị sản xuất hàng không chịu thuế, hàng xuất khẩu có thuế bằng 0% thì “làm sao có thuế.”_
Bà Cúc lấy dẫn chứng: “Một doanh nghiệp dệt may xuất khẩu nhiều thì nộp thuế VAT ít nhưng một doanh nghiệp nội địa cùng quy mô thì nộp thuế VAT nhiều. Chả lẽ ta cho rằng doanh nghiệp trong nước tốt hơn đơn vị xuất khẩu”.
Một chỉ số khác cũng khiến bà Cúc băn khoăn là yêu cầu: “Tại thời điểm đánh giá, không có thông tin doanh nghiệp nợ thuế, tiền phạt; các khoản phí và lệ phí; các khoản thu thuộc ngân sách nhà nước.” Việc “có thông tin” theo bà là “láng máng” và không rõ ràng.
Bởi vậy, bà Cúc cho rằng nếu bộ tiêu chí đưa ra thực hiện thì gần như tất cả doanh nghiệp đều có thể vào diện tuân thủ thấp.
Đứng ở góc độ khác, ông Thanh cho rằng Bộ tiêu chí đang được đánh giá theo “cảm tính”. Bởi cơ quan chức năng đưa ra hai bộ chỉ tiêu “tốt” và “thấp” nhưng lại phân loại doanh nghiệp theo ba loại là: tốt, trung bình, thấp.
Dù chưa đưa ra cách “chấm điểm” cụ thể với các chỉ số này, đại diện cơ quan chức năng cho hay, từ các tiêu chí trên, ngành thuế tính toán phân nhóm các doanh nghiệp theo diện: Doanh nghiệp tuân thủ pháp luật thuế tốt, trung bình và thấp.
Với bộ chỉ tiêu trên, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng việc chuyển đổi sẽ tập trung vào rủi ro, vào khu vực nguy cơ chứ không áp dụng chung như trước. Bộ chỉ tiêu cần thiết để phân loại doanh nghiệp nào làm ăn nghiêm túc sẽ được tạo thuận lợi hơn, ít bị thanh kiểm tra hơn, chịu thủ tục hành chính ít hơn.
“Bây giờ mới mấy trăm nghìn DN, nhưng mấy năm sau, khi số lượng DN lên đến một triệu, hai triệu thì Tổng cục Thuế không thể chạy theo đó để tăng số lượng biên chế lên. Như vậy, cũng sẽ không thể đạt được hiệu quả và dễ phát sinh tiêu cực”, ông Tuấn bình luận.
Thanh Hoa
Ông Bùi Tuấn Minh - Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam Với vai trò là nhà tư vấn thuế, chúng tôi nhận được nhiều phản ánh của khách hàng rằng môi trường kinh doanh tại Việt Nam còn nhiều thủ tục rườm rà, thiếu minh bạch; chính sách thuế “sớm nắng chiều mưa”, không rõ ràng; hoạt động thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo, gây tốn kém và khó khăn khiến doanh nghiệp khó thực hiện pháp luật thuế. Ông Bùi Khánh Toàn - Trưởng Ban quản lý rủi ro, Tổng cục Thuế Việc ra đời bộ chỉ tiêu mới không làm phát sinh thủ tục hành chính với doanh nghiệp. Đây là lần lấy ý kiến đầu tiên. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục mở rộng lấy ý kiến và lắng nghe phản hồi các bên để xây dựng Bộ chỉ tiêu hoàn thiện. Ông Trần Vũ Hải - Đại diện của Đại học Luật Hà Nội Về thủ tục hành chính, có thể không liên quan tới doanh nghiệp nhưng chắc chắn kết quả đánh giá của bộ tiêu chí sẽ tác động tới các đơn vị. Vì vậy, cần xem lại cách tiếp cận khi đưa ra bộ tiêu chí và phải định lượng rõ ràng |