Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, có 23.453 container phế liệu đang lưu giữ tại các cảng biển, trong đó 9.825 container lưu trữ trên 90 ngày, chưa làm thủ tục hải quan. Lượng hàng phế liệu tồn nhiều nhất tại Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu với 9.468 container, tiếp theo là Hải Phòng và TP.HCM lần lượt 6.082 và 4.689 container.
![]() |
Phế liệu tồn đọng tại cảng Hải Phòng (Ảnh Internet) |
Bộ Tài chính cho rằng, cần sớm có biện pháp xử lý dứt điểm toàn bộ các lô hàng phế liệu hiện nay. Kiên quyết, quyết liệt yêu cầu các hãng tàu vận chuyển các lô hàng tồn đọng là phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án xử lý sau khi đã kiểm kê, phân loại hàng hóa tồn đọng theo các tiêu chí về chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu tồn đọng...
Phương án 1, Bộ Tài chính đề xuất bán đấu giá lô hàng là phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Nếu là lô hàng chứa chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn..., cơ quan hải quan yêu cầu hãng tàu có trách nhiệm vận chuyển ra khỏi Việt Nam.
Với phương án 2, Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ quyết định biện pháp xử lý bằng hình thức bán đấu giá toàn bộ các lô hàng tồn đọng, bao gồm cả hàng phế liệu đạt và không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Doanh nghiệp trúng đấu giá có trách nhiệm tiêu hủy với các lô hàng là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Trong hai phương án trên, Bộ Tài chính ưu tiên lựa chọn phương án 1, do phương án 2 sẽ khó thực hiện vì lo ngại chi phí tiêu hủy lớn, không khuyến khích được doanh nghiệp tham gia đấu giá.
Thanh Hoa