Thống kê của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, năm 2016, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 4,88 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 2,2 tỷ USD, giảm đến 25,8% về khối lượng và giảm 21,2% về giá trị so với năm 2015. Thực tế, trong 3 năm trở lại đây, xuất khẩu gạo có xu hướng giảm và năm 2016 được ghi nhận là năm giảm mạnh nhất về sản lượng và giá trị.
Cởi trói thể chế
Chính người nông dân và các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh lúa gạo là những người nóng ruột nhất trước tình hình xuất khẩu gạo suy giảm trong bối cảnh đòi hỏi cần phải gấp rút cải thiện môi trường kinh doanh trong ngành hàng lúa gạo khi mà vấn đề thể chế vẫn còn nhiều trói buộc.
Do vậy, việc Bộ Công Thương vừa chính thức bãi bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cùng các quy định liên quan đến tiêu chí, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo được đánh giá là động thái tích cực.
Theo Quyết định của Bộ Công Thương, các tiêu chí, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo quy định tại quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo ban hành kèm theo Quyết định số 6139/QĐ-BCT, gồm quy định khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo, quy định khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy định tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo cũng chính thức được bãi bỏ.
![]() |
Trong 3 năm trở lại đây, xuất khẩu gạo có xu hướng giảm và năm 2016 được ghi nhận là năm giảm mạnh nhất.
Còn nhớ, hồi tháng 9 năm ngoái, khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch (sửa đổi), chính Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Đặng Huy Đông cũng đã đề cập những bất cập trong việc quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo. Ông nói thẳng: Bộ Công Thương có quy hoạch cả thương nhân xuất khẩu gạo. Trong nền kinh tế thị trường, anh lấy quy hoạch để cho người này quyền xuất khẩu mà người kia không được là không đúng, có chăng chỉ có điều kiện để được xuất khẩu chứ không phải đưa vào luật này.
Theo nhóm nghiên cứu của Ts. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn và Ts. Nguyễn Trung Kiên (Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn), Nghị định 109/NĐ-CP/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo dẫn đến xu hướng sàng lọc chỉ còn các doanh nghiệp lớn ngày càng có quyền lực, loại bỏ các doanh nhỏ không đáp ứng đủ điều kiện đề ra về năng lực kho bãi và xay xát mà không tính tới các doanh nghiệp xuất khẩu có giá trị và chất lượng cao.
Do đó, động thái của Bộ Công hương nhằm bãi bỏ các tiêu chí, điều kiện này nhằm loại bỏ các quy định điều kiện kinh doanh không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư năm 2014, tạo thuận lợi cho DN yên tâm đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo được hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu gạo và tăng cường tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân.
Tháo lực cản
Trước việc suy giảm xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay, suốt thời gian dài, giới chuyên gia từng cảnh báo một phần nguyên nhân do thể chế và chính sách liên quan đến ngành lúa gạo thay đổi chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu khách quan trong phát triển ngành lúa gạo.
Mới đây, trong bản báo cáo Phát triển Việt Nam 2016 của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ rõ: Để thực hiện chức năng là bệ đỡ cho nền kinh tế, ngành nông nghiệp nói chung và ngành lúa gạo nói riêng đã phải trả giá. Việt Nam thực sự không nhất thiết phải sản xuất một lượng dư thừa bằng 30% sản lượng để đảm bảo an ninh lương thực.
Xét trên một số phương diện nào đó, Việt Nam đã bị trói buộc bởi thành tựu về an ninh lương thực của mình, cũng chính là lực cản tăng trưởng nông nghiệp, chuyển đổi cấu trúc cả trong và ngoài ngành nông nghiệp trong thời kỳ mới.
Điển hình giá gạo tại Việt Nam thuộc loại thấp nhất trên thế giới. Theo WB, trong số 47 điểm trong Hệ thống giám sát lương thực thế giới của FAO thì Đồng Tháp (tỉnh đại diện của Việt Nam) có giá gạo thấp thứ 2 (0,36 USD/kg) vào thời điểm tháng 11/2014, chỉ cao hơn Yangon, Myanmar.
Trong cùng thời điểm đó giá gạo tại Trung Quốc là 0,98 USD/kg, tại Phi-lip-pin là 0,96 USD/kg (cao hơn 2,5 lần so với Đồng Tháp) và tại Hàn Quốc giá gạo là 2,11 USD/kg (cao gấp gần 6 lần).
Trong khi an ninh lương thực của Việt Nam được tăng cường thì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp lại giảm xuống. Trong giai đoạn 1994-2000, tốc độ tăng trưởng trung bình là 4,5%/năm, giai đoạn 2001-2007 giảm xuống còn 3,3% và giai đoạn 2008-2013 còn 2,6%.
Thực ra, sản lượng lúa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước phụ thuộc vào các yếu tố kinh tế vĩ mô. Ví dụ, lượng tiêu dùng gạo trong nước và cơ hội xuất khẩu.
Mức tiêu thụ gạo trên đầu người tại Việt Nam dự kiến sẽ giảm 10-30% trong hai thập kỷ tới và nếu giảm 30% thì mức tiêu thụ Việt Nam sẽ bằng với Trung Quốc, Malaisya, Ấn Độ, Hàn Quốc hiện nay. Nếu tính thêm hiện tượng già hóa dân số và tốc độ tăng dân số giảm thì lượng tiêu thụ tuyệt đối của Việt Nam sẽ giảm. Hiện nay Việt Nam dư thừa rất nhiều gạo để xuất khẩu, vì vậy trong vài thập kỷ tới biến đổi khí hậu sẽ không đe dọa an ninh lương thực.
Ngay như trong ngành lúa gạo, giới chuyên gia WB đã chỉ rõ chuyện DN nhà nước vẫn giữ vai trò rất đáng kể trong nhiều lĩnh vực thương mại mà thông thường cần phải có đầu tư tư nhân, như lĩnh vực giống, phân bón, kinh doanh xuất khẩu gạo, vận tải.. Ở những nơi nhà nước tham gia trực tiếp vào các hoạt động nông nghiệp, sân chơi nhìn chung còn chưa bình đẳng.
Tuy (hoặc có thể đây chính là nguyên nhân) Nhà nước tham gia trực tiếp tương đối nhiều vào các chuỗi giá trị nông nghiệp nhưng nhìn chung năng lực quy hoạch chiến lược còn yếu, trong khi các giải pháp phối hợp để xử lý, giải quyết vấn đề trong những chuỗi giá trị còn hạn chế. Chẳng hạn, Việt Nam tuy hiện là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới nhưng vẫn chưa có chiến lược xuất khẩu lúa gạo.
Thế Vinh