Bộ KH&ĐT được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia. Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập ở Việt Nam theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017; đây là nhiệm vụ rất quan trọng, mới, chưa có tiền lệ và Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm.
Quy hoạch Quốc gia sẽ ưu tiên hình thành và phát triển một số hành lang kinh tế (Ảnh: Int). |
Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, các chuyên gia quốc tế đã hỗ trợ nghiên cứu và góp ý cho những nội dung quan trọng của Quy hoạch tổng thể quốc gia. Trưởng nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới là TS Dannay Leipziger, Nguyên Phó Chủ tịch quản lý kinh tế và giảm nghèo của Ngân hàng Thế giới, Giáo sư tại Đại học George Washington.
Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đánh giá cao bản báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam mặc dù là lần đầu tiên được xây dựng. Phương pháp nghiên cứu, các nội dung chủ yếu của Quy hoạch đã tiếp cận với thông lệ quốc tế.
Các chuyên gia cũng góp ý thêm các nội dung liên quan đến tổ chức không gian theo các hành lang kinh tế, phát triển các vùng động lực, các cực tăng trưởng, các vùng đô thị lớn, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Đồng thời, các chuyên gia đưa ra các khuyến nghị để Quy hoạch được xây dựng theo hướng nâng cao khả năng chống chịu rủi ro môi trường, biến đổi khí hậu; bảo đảm nguồn lực tài chính cho thực hiện Quy hoạch.
Theo Bộ KH&ĐT, trong bối cảnh và trình độ phát triển của Việt Nam hiện nay thì mô hình quy hoạch không gian cấp quốc gia của Hàn Quốc và Malaysia có nhiều điểm phù hợp, tương đồng để Việt Nam tham khảo.
Vì vậy, quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia của Việt Nam cũng đã nghiên cứu tham khảo, ứng dụng kinh nghiệm của Hàn Quốc và Malaysia để xác định không gian phát triển đất nước gắn với hình thành các trục, hành lang phát triển, phân vùng kinh tế và định hướng bố trí không gian các ngành, lĩnh vực.
Theo Bộ KH&ĐT, quan điểm, tư tưởng chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030, sau đó dần phát triển hài hòa, bền vững, cấn đối giữa các vùng miền, địa phương.
Trong giai đoạn đến năm 2030, do nguồn lực phát triển có hạn, cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học công nghệ và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các lãnh thổ đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các lãnh thổ khác cùng phát triển; cụ thể là tập trung hình thành và phát triển một số hành lang kinh tế, vùng động lực, các cực tăng trưởng và bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.
Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm, tập trung phát triển vùng lõi và cực tăng trưởng. Cụ thể, phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tập trung vào vùng lõi là Tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, trong đó, Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng; Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung vào vùng lõi là Tứ giác TP Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu, trong đó TP Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng...
Quy hoạch cũng tập trung hình thành các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và hướng Đông - Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng.
Ưu tiên hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam trên cơ sở trục giao thông Bắc - Nam phía Đông; một số hành lang kinh tế Đông – Tây như Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Mộc Bài - TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu; Hành lang Đông Tây: Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng...
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, quan điểm chủ trương trong xây dựng quy hoạch quốc gia là hoạch định chiến lược phát triển trong thời gian tới. Đây là cơ hội để Việt Nam chủ động kiến tạo quyết định tương lai của mình, không còn là giai đoạn thích ứng, ứng phó mà chúng ta phải phát hiện ra điểm nghẽn, nhìn ra cơ hội, cũng như phát triển không gian mới.
Lê Thúy